Nhà thơ Vũ Mai Phong ra mắt tập thơ 'Rồi mai mùa sẽ vui'

03-08-2024 19:39 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Sau tập thơ Nẻo về còn tươi nét mực, Vũ Mai Phong cho chào đời đứa con tinh thần mới: Rồi mai mùa sẽ vui (NXB Hội Nhà văn- H. 2024) với hơn 80 bài, mỗi dòng thơ còn nóng hổi hơi thở, nhịp đập con tim tác giả, chứng tỏ sức sáng tạo thật đáng khâm phục.

Nhà thơ Vũ Mai Phong ra mắt tập thơ 'Rồi mai mùa sẽ vui'- Ảnh 1.

Nhà thơ Vũ Mai Phong.

Thơ đối với anh không khác gì cơm ăn nước uống. Sau một ngày công tác, đêm về anh ngồi bên bàn phím làm bạn với "nàng thơ". Đi đến đâu, anh cũng quan sát, cảm nhận, rung động… rồi ghi những ý thơ mới vào điện thoại thông minh.

Vì vậy, thơ Phong mang tính thời sự rất cao, trước hết là đối với anh, sau là đối với xã hội. Có thể coi mỗi tập là một cuốn nhật ký bằng thơ của tâm hồn giàu suy cảm, thiết tha mong muốn sẻ chia, đồng cảm.

So với hai tập thơ trước, nét mới lạ của Rồi mai mùa sẽ vui không nằm ở đề tài. Vẫn là những nỗi niềm quen thuộc như nhiều thi sĩ xưa nay: Tình yêu gia đình, quê hương, thiên nhiên đất nước, tình yêu nam nữ, cách nhìn nhận về con người và xã hội...

Theo năm tháng, sự trải nghiệm ngày càng phong phú cùng ý thức đổi mới nội dung và hình thức biểu đạt khiến thơ Phong có riêng tiếng nói trong dòng chảy thi ca, tránh được sự nhàm chán,"dẫm chân tại chỗ". Người sao, thơ vậy, chẳng ai có thể giấu nổi mình trên ngọn bút.

Điều này đúng với mọi thi nhân. Đọc thơ Phong, tôi thấy ánh lên tia hồi quang của trí tuệ sắc sảo, tấm lòng đôn hậu, một phong cách thơ riêng. Rồi mai mùa sẽ vui đánh dấu độ chín, bước trưởng thành của cây bút Vũ Mai Phong.

Trí tuệ sắc sảo

Người ta thường nói: Thơ là tiếng lòng, là khúc hát của con tim. Nhưng như thế là chưa đủ. Thơ là tổng hòa trí tuệ và cảm xúc; hai phẩm chất ấy nương tựa vào nhau. Thơ phải ánh lên tia sáng của trí tuệ, đem lại nhận thức mới, hấp dẫn người ta, như Đồng Đức Bốn viết:"Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm", hay:"Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay" (Phạm Tiến Duật). Đó là sản phẩm của trí tuệ đem đến sự ngỡ ngàng, thú vị.

Trí tuệ sắc sảo biểu hiện dễ thấy và rõ nhất ở khả năng quan sát người và sự vật, hiện tượng để phát hiện ra bản chất tiềm tàng của chúng, từ đó sáng tạo hình ảnh, ý thơ độc đáo. Những bài thơ về mùa xuân và Tết của Vũ Mai Phong phản chiếu cách nghĩ, cách nhìn mới lạ. Như nhà thơ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận xét: "Đọc thơ Phong, tự nhiên thấy mình được chìm đắm vào một không gian làng quê đồng bằng châu thổ Bắc bộ đã xa. Tự nhiên thấy mình cũ đi một cách dễ chịu". Trước anh, đã bao thi nhân viết về mùa xuân đồng bằng Bắc bộ. Vậy mà Vũ Mai Phong vẫn không hề nản chí. Đây là bức tranh quê đẹp từ tổng thể đến từng chi tiết, hòa quyện âm thanh, màu sắc, hương vị và sự sống âm thầm cựa quậy:

Xuân qua chửa hết tháng ba

Đồng chiêm tiếng ếch hòa ca rộn ràng

Vườn khuya dìu dịu hương xoan

Hơi xuân gọi lúa râm ran trổ đòng

(Tiếng xuân)

Thơ Phong mang cái nhìn sắc sảo, chỉ qua một từ, một ngữ, một câu mà làm bừng lên thần thái cảnh vật:"Tiếng chim hót cong cành hoa tím" (Tháng giêng quê nội),"Hồng miên đổ lửa lên trời/ Đàn trâu thảm biếc trên đồi cỏ xuân"(Đường lên Ba Vì),"Trong xanh sót cánh đào hồng" (Tiếng xuân), "Trống giục giã những non xanh hé nụ/ Sương mịt mờ bay tiết xuân phân" (Hoa nở muộn). Tắm tất niên trước Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hóa, để gột rửa bụi bặm năm cũ, cho thân thể sạch sẽ, thơm tho. Với Phong, tắm bao gồm cả thân và tâm để gột rửa những bụi bặm vô hình:

Tt niên gột cái thân tôi 

Lại thấy thêm vài vết sẹo 

Bỏ ngoài kia thơm cạm bẫy 

Vục trong nức nở mùi già

(Tất niên).

Dự bữa tiệc 23 tháng Chạp lễ tiễn ông Công ông Táo chầu trời, Phong Viết cho ngày cuối năm, mang ánh nhìn sắc sảo, lạnh lùng. "Ống kính thơ" quét lên chuỗi hình ảnh vô cùng sống động từ cận đến viễn cảnh:

chén rượu nhạt như cái bắt tay leng keng, những lời tán dương nồng nhiệt 

mẩu xì gà dính lá rau răm

hoa đào thâm như miếng tiết

rui nhặng bu đến vui như gió đông 

một hai ba, lên là lên!

Phòng ăn nhớp nhúa, thực khách xô bồ, nhạt nhẽo, thậm chí giả dối. Thú vị nhất khi anh kết hợp quan sát với tưởng tượng.

Chữ nghĩa bật ra như như dao cắt, như búa bổ với những tính từ dày đặc, hình ảnh ví von sát thực, nhịp thơ dứt khoát, ào ạt. Tất cả làm sống dậy chân dung một bữa tiệc người nơi trần thế. Dường như tác giả ngồi trong mâm tiệc mà không ăn, chỉ ngắm nhìn:

táo quân 

táo quân

ba ông đầu rau tranh nhau lên giời bẩm báo 

cá chép bị om dưa chưa kịp hóa rồng

nhân gian rì rầm kể chuyện bất công 

sương mù nghi ngút cả sông Ngân 

đèn giời nào thấu tỏ?

Ngoài kia"Dân hay quan đều ngược xuôi, xuôi ngược" trong "sấp ngửa, rủi may" lo toan vun vén riêng mình; đối lập gay gắt với tâm thế đón Tết của ngày xưa. Chỉ một vài hình ảnh, nhà thơ gợi ra trạng thái bình an thư thái khi Tết cận kề: "Lũ trẻ con háo hức/Người già xếp bằng ngồi chơi tam cúc". Cái ngày xưa thương nhớ ấy sẽ còn đi về nhiều lần nữa trong thơ Vũ Mai Phong. Anh đã lấy cái tâm trong sáng của mình để nhìn nhận sự vật, sự việc, con người, thoát ra khỏi "vô minh" như triết gia vẫn nói. Anh gút lại rằng cuộc đời này vốn ồn ào, xô bồ, sấp ngửa, hỗn tạp. Đó là lẽ thường, không việc gì phải "xao xác thân tâm". Cốt yếu là mỗi người phải giữ được cái tâm bình thản trước mọi sự, giữ lấy nét đẹp trắng trong tinh khiết tâm hồn mình, như đóa hoa Ngọc Trâm bừng sáng giữa "chiều riêng".

Cảm nhận và thể hiện thiên nhiên lúc giao mùa luôn là thử thách đối với người cầm bút (vẽ tranh, làm nhạc, làm thơ). Bởi khi ấy, mọi thứ đều đang chập chờn, chưa định hình rõ nét, thậm chí còn mong manh, mơ hồ. Bằng cảm quan tinh tế, Vũ Mai Phong đã dùng ngòi bút luồn lách vào những khoảnh khắc chập chờn ấy, tạo thành "tứ bình giao mùa" đặc sắc: thời điểm Xuân sang Hạ (Giao mùa1), Hạ sang Thu (Giao mùa 2), Thu sang Đông (Vô đề 3), Đông sang Xuân (Giao mùa 4). 

Ở mỗi bài thơ ấy, anh đều lựa chọn hình ảnh, âm thanh tiêu biểu nhất: Tiếng sấm đầu mùa tháng tư, làn sương mỏng và mùi hương hoa sữa trong đêm tháng bảy, mùi rét mới tháng tám, tiếng lách tách bật nụ của bích đào cuối đông. Tất cả còn tơ non, rụt rè, nhẹ thoảng, ngập ngừng… như bước chân rón rén của tạo vật lúc giao mùa. Chẳng hạn:

Sm sau ngày đi vắng

Lén trở về đêm qua"

(Giao mùa 1) 

Thoảng mùi hương hoa sữa 

Vừa phả vào trời thu"

(Giao mùa 3).

Trí tuệ sắc sảo để lại dấu ấn đậm nét trong quan sát, trong miêu tả, trần thuật khiến thơ Vũ Mai Phong có chiều sâu từng trải, ý tưởng mạch lạc, thâm trầm.

Nhà thơ Vũ Mai Phong ra mắt tập thơ 'Rồi mai mùa sẽ vui'- Ảnh 2.

Tập thơ Rồi mai mùa sẽ vui của tác giả Vũ Mai Phong.

Trái tim đôn hậu

Trí tuệ sắc sảo thông minh kết hợp với trái tim đôn hậu là cơ sở làm nên một thi nhân. Thơ họ làm ta vừa thích thú, vừa mến yêu. Ở tập Nẻo về, Phong có nhiều bài thơ viết về mẹ và những đứa con thơ bé. Tập thơ Rồi mai mùa sẽ vui này, ngoài hình bóng mẹ còn có thêm vóc dáng, tâm hồn cha trong những vần thơ chân thực và cảm động (Một năm đi qua, Tết xưa, Cha và con).

Sau một năm vật lộn đua chen nơi ồn ào phố thị, nhà thơ trở về mái nhà xưa thăm mẹ cha. Anh xót xa, ân hận nhận ra sự thay đổi hình hài của cha mẹ trước thời gian phũ phàng và những vất vả gian nan trong cuộc đời:

Năm qua đi mắt cha thêm mờ, tóc mẹ thêm bạc 

Tôi quay cuồng với vòng xoáy công danh.

Anh se sắt cõi lòng thấy:

Chiếc áo tặng cha từ mùa đông năm trước 

Mác còn nguyên cha chưa mặc một lần 

Hộp yến sào con mua từ tháng bảy

Mẹ để dành chưa ăn

(Một năm qua đi).

Phong thương nết kiệm cần đã ăn sâu vào máu thịt của cha mẹ từ những ngày còn lam lũ, thiếu thốn. Nếu là người vô tâm, làm sao có được trạng thái cảm xúc buồn thương ấy? Bài thơ Cha và con là tiếng lòng nức nở của nhà thơ trong đêm khi cha nằm trên giường bệnh. Cha"quặn mình gắng chịu những cơn đau" mà con đành bó tay bất lực. Quá khứ buồn thương ùa về cùng ký ức thời gian khó:"Bữa cơm chiều gạo phiếu độn sắn ngô/ Sáng lót dạ củ khoai vùi trong bếp/ Chum thóc non mẹ để dành khi giáp hạt/ Đêm xót lòng mơ một bữa no".

Tâm hồn đôn hậu thể hiện rõ nhất trong cách nhìn, đánh giá cuộc đời của tác giả. Trước những "tiêu cực" của cảnh đời hiện tại với "nhân sinh hư mộng, cuộc trần đảo điên", "chúng sinh huyên náo cảnh mê lầm/ Mạt pháp suy vi chốn nhân gian", Vũ Mai Phong có cách đánh giá khác với số đông. Không lên án gay gắt, không căm hờn bực bội, sự liễu Đạo cho anh tấm lá chắn để vượt lên mọi khổ nạn kiếp nhân sinh huyễn mộng. Thoảng đâu đó tiếng thở dài thầm lặng. Phổ biến hơn, anh thường "nén", "gượng", tự ví mình như bông hoa gượng nở. Lòng hướng thiện luôn hướng về ánh sáng, tìm đến nơi ẩn trú bình an. Đó là làng quê thanh bình với ngạt ngào hương sen, hương lúa, với: "đao đình cong lên trời dấu hỏi", "một tiếng cồng vang bừng anh đuốc" ở chốn thờ tự thâm nghiêm. Thấm sâu triết lý nhà Phật, anh thấu hiểu cuộc đời bao giờ cũng có hai mặt âm - dương, hai chiều sáng - tối. Cuộc đua tranh sôi sục, khắc nghiệt chốn nhân gian kia chẳng khác chi "tấn trò, màn kịch" mà mỗi chúng sinh đều phải sắm trọn vai. Trong Vũ Mai Phong (và có lẽ cả tôi nữa), dường như tồn tại hai con người, hai tâm thế đối lập: nhập thế và xuất thế. Một mặt, chưa thoát được nỗi lo cơm áo, gạo tiền, danh vọng và bao thứ lằng nhằng. Mặt khác, vừa nhận chân "cơn khát hư vinh","cuộc hơn thua" thường tình để tiết chế và biết đâu là giới hạn để dừng lại:

Chùng dây thả thấp cánh diều 

Căng vi vút gió cao nhiêu cho vừa

(Hạ cánh)

An nhiên, tự tại tin vào bản thân, phẩm giá của mình:

Tâm sinh tướng mệnh do mình

Buồn vui, yêu ghét cứ…bình thường thôi

(Tứ diện)

Cao hơn nữa là phong thái phiêu du thoát tục:"Ta vút mơ mình là cơn gió/ Lồng lộng hồn nhiên với mây trời"(Một ngày lên hồ Thiên) cùng tinh thần lạc quan trước cuộc sống, tin rằng điều tốt đẹp sẽ chẳng thể lụi tàn, Rồi mai mùa sẽ vui:

Liệu mai mây có mở xanh trời 

Hương dậy, hoa tươi nắng mật ngời 

Chim về lảnh lót loan tin mới Người ơi! 

Đá sỏi đã reo vui.

(Rồi mai mùa sẽ vui)

Thái độ trước số phận con người, nhất là khi họ vấp ngã, khổ đau, chết chóc là thước đo của lòng nhân. Viếng đền Lệ Chi Viên, nhà thơ nhớ về anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và cả gia tộc với nỗi oan khiên hằn vết bao thế kỉ. Mấy trăm con người vô tội phải rơi đầu dưới "lưỡi dao trời" giáng xuống. Gạt đi lớp bụi thời gian che phủ, anh bóc trần sự thật: Sau lớp vỏ vàng son chốn cung đình là những "mưu ma chước quỷ" hãm hại hiền tài, người vô tội. Các linh hồn oan khuất còn lang thang, vất vưởng đến bây giờ, như nhắc nhở lỗi lầm lịch sử. Và máu người thấm đẫm đất đai, tiếng than khóc vọng ngàn năm cây cỏ. Tiếc rằng, còn ít thấy "nàng thơ" của Phong nghiêng xuống để cảm thương trước cảnh đời hiện tại với buồn đau, mất mát, đắng cay.

Định hình phong cách nghệ thuật

Phong cách nghệ thuật là nét riêng độc đáo được định hình trong nhiều tác phẩm, làm nên sự khác biệt cho thơ của từng tác giả. Nó bắt nguồn từ tâm lý, khí chất, cá tính, kiến văn, sự từng trải, sự học hành…nghĩa là gồm cả yếu tố tự nhiên, bản năng lẫn yếu tố cố gắng của chủ thể sáng tạo. Gia tài thơ của Vũ Mai Phong đã có đến mấy trăm bài, đủ để nhận ra một phong cách thơ đã định hình. Cho đến tập thơ thứ ba này- rõ ràng- càng về sau, phong cách thơ Phong càng đậm nét.

Dễ nhận ra cách cảm nhận độc đáo về thế giới của thi sĩ. Khí chất của một người ưa hành động, vừa sống mà cũng vừa chiêm nghiệm, trải nghiệm đã làm nên Vũ Mai Phong - nhà thơ sắc sảo trong cách nhìn đời, nhìn người. Bóc tách lớp vỏ trang kim lóa mắt, làm lộ ra trần trụi thực chất bên trong của mọi sự vật là cách thức thường thấy ở Vũ Mai Phong. Chẳng hạn, chân dung tinh thần con người thời hiện tại:

Nht nọ, nhì kia gồng mình phông bạt 

Sống mà như phấn đấu huy chương 

Ta trở về với cơn khát hư vinh

Nhà to, xe sang, xiêm y phù phiếm 

Sân khấu nào cũng cố tròn vai diễn 

Hóa trang, mặt nạ khắp xung quanh

(Cho ngày xuân còn lại)

Và đời sống xã hội một thời chưa xa: "Vỏ bom xưa giờ kẻng vang hợp tác/ Cơn đói reo trong tiếng leng keng" (Làng ơi). Ngay cả đến một chút riêng tư, Em đi lấy chồng hơn hớn vô tư, còn với ta là một chiều mưa ớn lạnh: "Ánh mắt nàng hân hoan/ Đôi môi nàng mọng đỏ/ Cơn mưa tràn quá ngọ/ Ướt lạnh chiều vu quy". Chiêm nghiệm thật sâu sẽ bật ra triết lý. Thơ Phong chứa nhiều triết lý, khiến cho người đọc đang chạy theo dòng cảm xúc bỗng ngừng lại nghĩ suy. Triết lý có khi thành một hệ thống bao trùm cả bài thơ đúc kết "thế nhân" với "tam độc, chấp niệm, vô thường, buông bỏ" (Thân tâm); hoặc ẩn trong lời dặn con có dáng vẻ một "Gia huấn ca" (Dặn con). Ở những bài ấy, lời thơ thường khô cứng, chỉ thấy tư tưởng mà không thấy nghệ thuật. Còn hầu hết là triết lý nảy ra từ cảm xúc, dung dị mà dễ động tâm người. Đó là khi Giữa dòng đêm, bỗng thấy bật lên triết lý qua hình ảnh so sánh: "Đạo pháp như con thuyền sắp mục". Cảm nhận hương sắc của đóa hoa lặng thầm tỏa hương trong đêm vắng mà tưởng như đang ở vườn địa đàng, đúng như triết nhân đã nói: Cái đẹp cứu rỗi thế giới:

Thiết mộc lan - em nhất thể sắc hương 

Cho đêm ta hân hoan trần thế

Phơi phới thả hồn mình phiêu lạc 

Vương vất địa đàng vương vất nẻo thơm

(Hoa thiết mộc lan).

Hay là triết lý bật ra từ hiện tượng"hết thời" của một ai đó: "Uy nghiêm ngồi ở trên ngai/ Nhập vai thì phải diễn hài trong bi/ Kịch đời hết thịnh đến suy/Màn nhung khép lại, quyền uy hết thời" (Lệch vai). Về sự chuyển vần suy thịnh của triều đại, nhà thơ cho ra đời triết lý sắc lạnh:

Đao đình Phùng Khoang cong lên trời dấu hỏi 

Lý triều không suy thì liệu có nhà Trần?

(Về Kẻ Mọc)

Sự sống và cái chết, theo anh chỉ cách nhau "một nhịp thở thôi", nó là "vô thường", thật sự vô thường! Triết lý trong thơ Phong đượm màu Phật giáo. Anh coi sự gặp gỡ, thương mến hay chia ly, tan vỡ đều là duyên trời định, Gặp là duyên, không gặp cũng là duyên. Nhận thức được như vậy rồi, nên thơ về tình yêu trong tập này so với Nẻo về có bớt đi âm hưởng hoài niệm đớn đau, tiếc nuối và chua xót khi tình yêu không trọn. Rồi nữa, việc thắng thua ở đời chẳng có gì là quan trọng. Câu chuyện Sơn Tinh thắng Thủy Tinh trong cuộc tranh giành người đẹp Mỵ Nương như mang hàm ngôn lớn khác, "tuyên truyền" cho chủ trương hòa hợp, xóa bỏ hận thù mà lâu nay ta vẫn thường nghe. Ước mong hòa hợp nhân duyên còn gặp trong một số bài thơ khác nữa, qua hình ảnh miếng trầu hoặc hai nửa vành trăng khuyết (Têm trầu, Về bên anh).

Thơ Phong hàm chứa hai nét phong cách rắn rỏi, sắc cạnh và mềm mại, dịu dàng. Một cách rất tự nhiên, hai nét phong cách ấy tìm đến các thể thơ khác nhau. Những bài thơ về thiên nhiên quê nhà, về riêng tư thầm kín thường được viết theo thể lục bát (có đến hơn ¼ bài thơ lục bát trong tập) với nhiều câu thơ ý nhị:

Chờ người, chờ cái dở dang

Thương người, thương cái lỡ làng của nhau

(Lỡ làng)

Hình ảnh xếp kề nhau hoàn chỉnh một không khí, một tâm thế đón nhận:

Về làng trải chiếu ta ngồi

Nước mưa trong bể, gió tươi ngoài đồng 

Cơm cháy, mắm cáy, cải ngồng

Trng rau, cuốc đất, tắm sông, trà chiều…

(Hạ cánh)

Vốn sinh trưởng từ miền quê lúa Thái Bình, thơ Phong thấm đẫm giọng ca dao dân ca đồng bằng Bắc bộ sâu lắng, dẫn dụ người đọc:

Bây giờ cau sáu bổ mười

Tru không đã héo quệt vôi làm gì

Vì đâu nhạt nhẽo tương tri?

Miếng trầu nên nhạt có khi tại... Giời!

(Trầu cay)

Khi cần lắng đọng, anh dùng thơ ngũ ngôn tứ tuyệt (4 dòng, 5 chữ), lời gọn mà ý đầy như các bài Giao mùa đã nói ở trên. Tết xưa là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trộn hòa cảnh với tình, trong cảnh có tình được viết bằng thể thơ 5 chữ nén đúc, giàu nhạc điệu. Một âm hưởng văng vẳng như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư (bài Tàn xuân), Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử (bài Chiều Nghĩa Đô).

Trái lại, thể thơ tự do anh dùng để nói những hỗn mang trần thế (Đêm trăng Bắc Hưng Hải, Giữa dòng đêm, Một năm qua đi, Một ngày ở nhà tang lễ…). Tiêu biểu nhất là bài thơ Viết cho ngày cuối năm đã dẫn ở phần trên. Thể thơ với những câu thơ dài ngắn không đều, ý thơ có phần chuệch choạc như tượng hình cho sự xô bồ của đời sống hiện thời. Những bài thơ viết về quá khứ, anh lựa chọn thể thơ 7 chữ (và biến thể 8 chữ) khơi gợi hoài niệm (Chuyện xưa, Chiều Nghĩa Đô, Ước gì trở lại ngày xưa, Viếng đền Lệ Chi Viên)… Cây bút Vũ Mai Phong tung tẩy, biến ảo, hấp dẫn hơn với các bài thơ ngắn, không thích hợp lắm với loại bài dài. Chẳng phải do anh kém tài, đuối sức mà có lẽ do xuất phát từ yêu cầu làm thơ về thời sự- xã hội đòi hỏi phải thật ngắn gọn, chặt chiệm.

Thơ Phong giàu nhạc điệu. Nhạc điệu vốn có từ trong sự luân phiên bằng trắc ở từng thể thơ được anh vận dụng sáng tạo, đọc lên thấy thuận tai. Ít thấy sự cưỡng vần, ép vần trong thơ lục bát, thơ 5 chữ. Dầu thơ tự do không đòi hỏi sự quy ước chặt chẽ về vần luật nhưng thơ anh vẫn không vơi chất nhạc. Vũ Mai Phong thật khéo đắp đổi thanh điệu và linh hoạt nhịp cắt của câu thơ, dòng thơ:

Mưa mau

Tháng ngày chật hẹp

Mt mù giấu tiệt trăng non 

Ngó ra xuân sầm sập tới

Trùm mền nghe buốt chiêm bao

(Giáp Tết)

Tôi thờ ơ trước đám tro tàn

Và đống củi đang xếp hàng run rẩy 

Rừng đã cháy lan ra

Nham nhở thảo nguyên cỏ mật 

Cánh đồng đầy hoa héo rũ

(Giữa dòng đêm)

Những chữ cuối mỗi dòng thơ không hoặc ít hiệp vần với nhau nhưng chất nhạc vẫn âm thầm chảy. Hình như anh không thích sự êm ru, bằng phẳng, sự tròn vành dễ dãi; không giống phong cách sống của anh: mạnh mẽ, nhiệt tâm, hào sảng…

Nghệ thuật tạo hình trong thơ Phong khá đặc sắc. Do anh sử dụng các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, hàm ngôn, hoán dụ…) một cách rất lạ. Anh tả quả cây bằng tu từ kép:

Nhót chua phấn vụng về trang điểm 

Nắng má hồng căng mịn cà chua

(Tháng tư vườn hạ)

So sánh của anh vắt từ không gian này sang không gian khác:

Tiếp nối những linh hồn ra đi 

Nương nhờ bóng đa làm bến cuối

Bóng mát cây đa làng làm chặng nghỉ của đám ma trên đường ra nghĩa địa (không gian trên mặt đất) bỗng chuyển hóa thành bến cuối của con thuyền chở linh hồn về miền cực lạc (không gian ước lệ). Thơ về thế sự thường dụng ý ẩn dụ toàn bài khiến ý thơ thâm sâu. Anh triệt tiêu tất cả các từ so sánh để chỉ còn lại đặc điểm nổi bật nhất của sự vật được miêu tả. Như khi tả mặt người vất vả, lam lũ: "Những vết nhăn dõng cày của đất/ Mái đầu trắng bụi thời gian"(Cha và con gái), "Ánh mắt khúc xạ buồn vui/ Vết nhăn xếp chồng toan tính". Câu thơ nhiều khi giống một bức tranh vẽ bằng bút pháp tả thực cổ điển:"Giếng cổ nghiêng xòa nhành mai trắng" (Giao thừa tại đền Sóc Lang), có khi bằng bút pháp tượng trưng: "Tuổi thơ rơi gốc chuối bờ tre"(Làng ơi), "Cỏ cây dường ngấm lời kinh kệ/ Nên lắng dịu hơn, mướt xanh hơn". Hay lập thể:"Ngoài sân lất phất mưa xuân/ Tôi lại hát về cây lúa/ Ngân nga điệu chèo hồn hậu/ Mạ non mơn mởn quê mình" (Mừng con ngày xuất giá). Kiến thức tạo hình, tượng trưng, lập thể mà anh học trong nghề xây dựng - kiến trúc khi vận dụng vào thơ sẽ vẽ nên nhiều "bức tranh thơ" mang dáng vẻ hiện đại.

Tôi thì tôi vẫn thích bức họa kiểu này:

Hình như gió đã đổi mùa

Lược vàng mây rẽ chiều thưa thớt dần

(Tranh quê).

Những câu:"Bình minh nghiêng tháp bảy tầng" giúp người đọc nhớ đến Huy Cận "Nắng chia nửa bãi chiều rồi"; hay "Câu thơ lơi di yếm sồi năm nao" (Nguyên tiêu) nghe hao hao giọng nhà thơ làng quê Bắc bộ Nguyễn Bính "Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía" (Lòng mẹ). Đó là sản phẩm của một cái nhìn động.

Tóm lại, tính triết lý, giàu nhạc điệu, tính tạo hình cao... kết hợp với nội dung thống nhất giữa Đời và Đạo đã làm nên phong cách thơ Vũ Mai Phong. Đặc điểm này có từ hai tập thơ trước, nhưng đến Rồi mai mùa sẽ vui đã đậm nét hơn, phản ánh sự ổn định và phát triển phương diện bút pháp của tác giả trẻ Vũ Mai Phong.

Ri mai mùa sẽ vui sẽ thật vui, nếu tác giả thể hiện hài hòa hơn giữa những điều anh muốn gửi gắm (nội dung) với phương tiện biểu đạt (nghệ thuật). Sau khuynh hướng sử thi trước đây, thơ Việt chuyển mạnh sang khuynh hướng trữ tình đời tư - thế sự. Thơ Phong đã hòa nhập vào dòng chảy chung ấy. Song, có cảm giác vì sự hạn hẹp của đề tài mà hạn chế cho ngòi bút Vũ Mai Phong tung tẩy. Người đọc đón đợi anh khai thác rộng và sâu hơn thế giới tâm hồn, tình cảm của con người đương đại, nhất là với những trăn trở, giằng xé, bất an; những ước mơ, khát vọng, tình thương…Về phương diện biểu đạt, anh nên chú ý đến tứ thơ, những hình tượng, chuỗi hình ảnh để gửi gắm chủ đề, tư tưởng. Hạn chế cách phát ngôn trực tiếp để thơ thêm phần ý nhị. Kết cấu bài thơ cũng cần chặt chẽ hơn, tránh đang diễn đạt ý này bỗng choài sang ý khác, làm người đọc khó tìm ra cái logic ngữ nghĩa:

n kia là cõi tạm

Hàng sau trước, dọc ngang 

Có hơn thua, xích mích 

Ồn ào chuyện hợp tan

(Ranh giới).

Nhà thơ muốn nói đến "cõi âm" với các ngôi mộ thẳng hàng lối, tự hỏi rằng: Không biết ở cõi ấy, các vong linh có đem theo những thói tật khi còn sống trên đời không. Ở điểm nhìn nào mà nhà thơ lại bảo "Bên kia là cõi tạm"? Dương thế mới là cõi tạm, còn "bên kia" là cõi vĩnh hằng, như quan niệm cổ truyền. Lại nữa, trong tập thơ Nẻo về, Vũ Mai Phong đã từng có những hình ảnh nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ độc đáo "Xuân còn ngái ngủ, giêng hai gật gù", "Hoa sữa rơi trong thương nhớ hao gầy", "Bàn tay giờ hoang lạnh/ Tìm đan vào xa xôi"… Đó là những hình ảnh thơ không dễ viết và rất quý. Vì sao nó lại trở nên thưa vắng ở tập thơ này? Thậm chí, Rồi mai mùa sẽ vui còn xuất hiện câu thơ hoàn toàn có thể thay từ để bảo đảm vần điệu mà không ảnh hưởng gì đến ý thơ như "Việc gì cũng thấy dở dang/ Trên bàn rơi tờ lịch cũ/ Dăm dòng thơ tình chép vội/ Nửa tiếc chưa muốn bỏ đi" chẳng hạn.

Cùng hai tập thơ trước, với Rồi mai mùa sẽ vui, Vũ Mai Phong đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Chắc chắn anh sẽ còn đi xa hơn nữa trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy gian nan thử thách mà chan chứa niềm vui.


Thạc sĩ NGUYỄN NGUYÊN TẢN
Nhà Lý luân- Phê bình văn học, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Ý kiến của bạn