1. Nguyên nhân rối loạn xuất tinh
Rối loạn xuất tinh là tình trạng rối loạn bất thường về phản xạ xuất tinh ở người nam giới. Mỗi loại rối loạn xuất tinh đều có những nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc nam giới mắc bệnh lý nền như: đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn thần kinh, mất cân bằng nội tiết…
Hoặc một số nguyên nhân từ tâm lý như áp lực hôn nhân, lo lắng về khả năng tình dục, trầm cảm, ám ảnh tâm lý do chấn thương tình dục… Hay cũng có thể xuất phát từ việc dùng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh lý nền.
Rối loạn xuất tinh được chia làm 5 loại chính sau đây.
Xuất tinh sớm: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng xuất tinh sớm như: sinh lý hoặc bệnh lý.
- Về sinh lý có thể do tăng nhạy cảm, tăng kích thích, do ham muốn quá độ hoặc có thể do tiền sử thủ dâm nhiều.
- Về nguyên nhân bệnh lý do tăng nhạy cảm quy đầu dương vật, rối loạn nội tiết, viêm nhiễm đường tiết niệu, tầng sinh môn, trĩ/rò hậu môn hoặc do các bất thường về cơ quan sinh dục khác
Xuất tinh muộn: Nguyên nhân thường gặp là các bệnh lý liên quan đến tâm thần kinh và mạch máu. Những bệnh nhân dùng thuốc liên quan đến tâm thần kinh sẽ gây ức chế khả năng kích thích, khả năng lên đỉnh của nam giới. Đây là bệnh lý khá khó khăn trong việc tìm nguyên nhân, cần được thăm khám kỹ càng.
Xuất tinh đau: Xuất tinh đau có thể do viêm nhiễm của hệ tiết niệu, sinh dục tại chỗ, viêm nhiễm tầng sinh môn hoặc cũng có thể đau do thần kinh, nam giới cần được thăm khám kỹ để tìm nguyên nhân.
Xuất tinh ngược dòng: Nguyên nhân dẫn tới xuất tinh ngược là do cơ thắt trong của cổ bàng quang bị tổn thương hoặc bị lão hóa. Thông thường khi xuất tinh, cơ thắt trong của bàng quang sẽ khép lại và tinh trùng phóng ra ngoài, tuy nhiên vì một nguyên nhân nào đó: thần kinh, yếu tố tại chỗ, mạch máu khiến khi xuất tình cổ bàng quang mở rộng ra và tinh trùng chui ngược vào trong. Khi nam giới bị xuất tinh ngược muốn có con chỉ có phương pháp lấy nước tiểu và lọc tinh trùng ra để thụ tinh.
Xuất tinh máu: Tùy vào tình trạng, màu sắc của tinh dịch các bác sĩ có thể xác định vị trí chảy máu và tìm ra nguyên nhân. Nguyên nhân gây xuất tinh máu có thể do viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu hoặc do bệnh ác tính tuyến tiền liệt, nguyên nhân hay gặp nhất là từ từ túi tinh, ống dẫn tinh, mào tinh, hoặc tổn thương tại chỗ.
2. Triệu chứng rối loạn xuất tinh
Triệu chứng của rối loạn xuất tinh phụ thuộc theo từng loại rối loạn xuất tinh sau đây:
Xuất tinh sớm: Xuất tinh sớm là khi dương vật của nam giới không thể kiểm soát và duy trì thời gian xuất tinh để có thể gây khoái cảm cao độ cho bạn tình. Đồng thời khó để có thể gây khoái cảm cho bạn tình. Xuất tinh sớm được xem là "ác mộng" của nam giới. Có 20-30% nam giới ở độ tuổi trưởng thành gặp phải tình trạng này. Thời gian xuất tinh của những người bị xuất tinh sớm thường rơi vào dưới 1 phút.
Xuất tinh muộn: Là khi nam giới quan hệ tình dục trong thời gian dài nhưng không đạt khoái cảm và không xuất tinh. Khi bị xuất tinh muộn khiến nam giới rất mệt mỏi, giảm khoái cảm. Xuất tinh muộn gây ra những hậu quả khôn lường gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới
Xuất tinh đau: Xuất tinh đau là tình trạng bị đau khi xuất tinh. Bình thường sau khi xuất tinh, nam giới sẽ có cảm giác thỏa mãn về cả thể chất lẫn tinh thần.
Xuất tinh ngược dòng: Là tình trạng tinh trùng không ra ngoài theo đường niệu đạo mà quay ngược lại cơ thể chui vào bàng quang. Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Ngoài ra việc xuất tinh ngược dòng khiến nam giới không thể gây khoái cảm cho bạn tình. Những nam giới bị xuất tinh ngược dòng thường không có thai theo đường tự nhiên được.
Xuất tinh máu: Xuất tinh có lẫn máu là tình trạng có lẫn máu trong tinh dịch của người nam giới. Thông thường nam giới khi xuất tinh, lượng tinh trùng rơi vào khoảng 2,5-5ml và có màu trắng đục. Nếu có máu trong tinh dịch là được xem là tình trạng bất thường. Xuất tinh máu được chia làm 3 loại:
- Máu đỏ tươi lẫn tinh dịch
- Có máu màu nâu trong tinh dịch
- Trong tinh dịch có màu rỉ sắt
3. Rối loạn xuất tinh có lây không?
Rối loạn xuất tinh không phải là bệnh lý lây truyền.
4. Phòng ngừa rối loạn xuất tinh
Để phòng ngừa rối loạn xuất tinh, nam giới cần duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế các nguy cơ, bằng cách:
- Duy trì tập luyện thể dục để thao đều đặn, nâng cao sức khỏe bản thân
- Có chế độ ăn lành mạnh, tăng cường nhiều rau xanh, vitamin, trái cây, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh….
- Không lạm dụng thủ dâm, nếu đã thủ dâm thì nên thủ dâm đúng cách.
- Không lạm dụng rượu bia, thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích
- Kiểm soát tốt các bệnh lý nền nếu có đặc biệt là các bệnh lý nam khoa, cần tuân thủ điều trị của bác sĩ
- Tránh xa căng thẳng, stress trong cuộc sống, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Nếu có bất thường về sức khỏe nam giới cần thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên môn đưa ra phương án điều trị.
5. Điều trị rối loạn xuất tinh
Để điều trị rối loạn xuất tinh, nam giới cần xác định cần điều trị toàn diện, là cả một quá trình và cần cá thể hóa người bệnh. Vì mỗi người bệnh sẽ có những bệnh cảnh khác nhau. Để chẩn đoán được tình trạng rối loạn xuất tinh và lên phác đồ hiệu quả, chính xác nhất, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cá thể hóa cho người bệnh.
Với tình trạng xuất tinh sớm, người bệnh cần được phối hợp cả về điều trị tâm lý kết hợp với nội khoa. Tùy thuộc vào mức độ xuất tinh sớm, nam giới sẽ có liệu trình điều trị khác nhau. Bên cạnh việc dùng thuốc, phẫu thuật hay điều trị tâm lý, nam giới cần phải thay đổi nhận thức, thói quen sinh hoạt hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Với các trường hợp rối loạn xuất tinh còn lại, tùy thuộc vào nguyên nhân nội khoa hay ngoại khoa các bác sĩ sẽ có phương án điều trị cụ thể. Như trường hợp xuất tinh ngược dòng có thể do hậu quả của tổn thương thần kinh giao cảm chi phối phản xạ xuất tinh và việc đóng, mở ở cổ bàng quang; cũng có thể xuất phát từ chấn thương tủy sống…
Một số trường hợp rối loạn xuất tinh có thể liên quan đến bệnh nội khoa hoặc vấn đề về thần kinh… Sẽ có trường hợp phải dùng phẫu thuật để điều trị.