Rối loạn vận động thực quản và thuốc điều trị

29-01-2010 08:05 | Dược
google news

Rối loạn vận động là một loại tổn thương bệnh lý mới được phát hiện, chiếm một tỷ lệ cao, có đến hơn 30% dân chúng bị rối loạn này. Hiện tại chẩn đoán và điều trị còn gặp ít nhiều khó khăn.

Rối loạn vận động là một loại tổn thương bệnh lý mới được phát hiện, chiếm một tỷ lệ cao, có đến hơn 30% dân chúng bị rối loạn này. Hiện tại chẩn đoán và điều trị còn gặp ít nhiều khó khăn.

Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa cấu tạo bởi hệ thống cơ vòng - cơ dọc hết sức phức tạp, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố đan xen, bao gồm hệ thống thần kinh trung ương, hệ thần kinh ngoại vi, nồng độ các loại hormon... Chính vì vậy, rối loạn vận động thực quản là một vấn đề rất phức tạp trong khi sự hiểu biết về chức năng sinh lý còn nghèo nàn.

Các rối loạn vận động của thực quản

Các rối loạn thường gặp nhất là co thắt thực quản lan tỏa, co thắt tâm vị và trào ngược dạ dày thực quản.

Co thắt tâm vị: Nguyên nhân do cơ thực quản không giãn ra được. Giai đoạn sớm có thể đau nhiều khi nuốt thức ăn hoặc có biểu hiện khó nuốt. Khi bệnh đã tiến triển, thực quản dần dần nở ra sẽ giảm đau nhưng khó nuốt gia tăng. Điều trị chủ yếu là sử dụng các ống nong hoặc phẫu thuật cắt cơ vòng thực quản; những thuốc có tác dụng làm giãn đoạn dưới cơ thực quản chỉ được sử dụng trong giai đoạn sớm.

Co thắt thực quản lan tỏa: Co thắt thực quản lan toả cũng gây đau ngực nhưng ít hơn co thắt tâm vị. Ở đây do mất sự phối hợp vận động của cơ, do đó chỉ có nhu động của lớp cơ đoạn dưới thực quản. Điều trị bằng các thuốc làm giảm cơ vòng thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân gây bệnh vẫn còn chưa rõ, tuy vậy người ta nói nhiều tới vai trò của cơ thắt thực quản dưới. Các tác nhân làm yếu hoặc gây giãn cơ góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày - thực quản như: uống rượu, hút thuốc; thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, sôcôla; các tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, ở phụ nữ có thai, thoát vị hoành... Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng; tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước. Ngoài các triệu chứng trên có thể gặp các triệu chứng như nuốt đau, nôn, ợ hơi; khàn tiếng, đau họng, ho; tăng tiết nước bọt; hen phế quản... Hiện nay điều trị với thuốc ức chế bơm proton khá hiệu quả, bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.

Những thuốc thường được cân nhắc sử dụng

Metoclopramid (biệt dược primperan, anausin) viên 10mg. Tác dụng trung ương vào vùng lẩy cò của não thất và có tác dụng lên các lớp cơ ống tiêu hoá. Nó làm gia tăng vận động, thúc đẩy mở môn vị. Dẫn đến làm vơi dạ dày và cũng làm giảm trào ngược dạ dày thực quản. Tác dụng phụ: gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp.

Domperidon (biệt dược motilium, peridy): viên nén 10mg, dịch treo uống 1mg/ml, thuốc đạn 10 và 30mg. Đây là thuốc kháng dopaminergic ngoại biên, nó cố định vào thụ thể D2 ngoại biên và không qua hàng rào máu não. Có tác dụng làm tăng áp lực cơ vòng đoạn dưới thực quản do đó làm tăng sự vơi dạ dày dẫn đến làm giảm trào ngược. Thuốc chống chỉ định với chảy máu dạ dày ruột, tắc ruột, nguy cơ thủng ở ống tiêu hoá.

Sulpirid (biệt dược Dogmatil) viên 50mg, có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản, nó cũng có tác dụng vào hệ thần kinh trung ương như các thuốc ngủ, do đó có tác dụng phụ là buồn ngủ, gây hội chứng ngoại tháp, chảy sữa, bất lực, vú phụ. Liều thường dùng 100 - 300 mg/ngày bằng đường uống.

Metopimazin (biệt dược vogalen), viên bọc đường 2,5mg, thuốc giọt 0,1mg/giọt, thuốc đạn 5mg, thuốc tiêm 10mg/1ml. Đây là thuốc chống nôn kháng tiết dopamin có tác dụng chọn lọc trên khu vực lẩy cò hoá học của não thất IV. Thuốc có tác dụng làm thay đổi vận động ống tiêu hoá nhưng không làm tăng sự vơi dạ dày, do đó nó không làm cản trở sự hấp thu tiêu hoá cao của các thuốc phối hợp.

Alizaprid (Plitican): Là thuốc chống nôn mạnh thuộc nhóm benzamid (là chất đối kháng với dopamin), có tác dụng an thần nhẹ, không có tính chất kháng cholin. Nhưng tác dụng phụ có thể gặp là: buồn ngủ, hiếm khi có chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, rối loạn ngoại tháp, tăng prolactin, làm chảy sữa, phát triển vú phụ, rối loạn kinh nguyệt thậm chí gây mất kinh, giảm huyết áp thế đứng khi tiêm tĩnh mạch liều cao.

Thuốc kháng thụ thể 5 HT3: anzemet, zophren: là thuốc đối kháng chọn lọc lên thụ thể 5 HT3 của serotonin, đây là thuốc chống nôn mạnh, thường dùng trong chống nôn do dùng thuốc chống ung thư, hoặc nôn sau phẫu thuật. Tác dụng phụ: nhức đầu, táo bón, cơn phừng mặt, nóng thượng vị, chóng mặt, tăng men transaminase thoáng qua.

Trong một số trường hợp, nhất là trong trào ngược dạ dày thực quản, tùy theo điều kiện cụ thể của bệnh nhân, cần cân nhắc sử dụng thêm các nhóm thuốc tạo màng ngăn dạ dày - thực quản (alginat, dimeticol), thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc thực quản (sucralfat), thuốc kháng acid, thuốc kháng thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton, kháng sinh, các thuốc an thần và vitamin nếu thấy cần thiết.

Tóm lại, rối loạn vận động thực quản là vấn đề khá phức tạp, chẩn đoán điều trị còn gặp khó khăn, do vậy, người bệnh cần gặp bác sĩ sớm khi có các biểu hiện bất thường ban đầu, tránh để tình trạng mắc bệnh kéo dài sẽ gây khó khăn cho điều trị.        

ThS. Nguyễn Bạch Đằng


Ý kiến của bạn