Thuốc gây tiểu không tự chủ như thế nào?
Bình thường khi bàng quang chứa đầy nước tiểu sẽ gửi tín hiệu lên hệ thần kinh trung ương kiểm soát bàng quang và lập tức cơ vòng bàng quang sẽ giãn ra để nước tiểu thoát ra ngoài. Sau khi tiểu xong, bàng quang xẹp xuống và cơ vòng bàng quang sẽ co lại không cho nước tiểu thoát ra. Ngoài cơ vòng bàng quang tham gia bài tiết nước tiểu, còn có sự phối hợp của cơ bàng quang và sự hỗ trợ của các cơ sàn chậu. Tuy nhiên khi quá trình này bị rối loạn sẽ gây ra tiểu không tự chủ. Một số loại thuốc điều trị bạn đang sử dụng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hoặc làm tăng nặng tình trạng này.
Thuốc ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, không chỉ ở khu vực thuốc có tác động điều trị (đây được gọi là phản ứng phụ của thuốc) mà còn có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng tiểu không tự chủ bằng những cách sau đây: Làm cho cơ thể sản xuất nhiều nước tiểu, việc kiểm soát lượng nước tiểu tăng lên; làm suy yếu khả năng của bàng quang, gây bí tiểu dẫn đến tiểu không tự chủ; ảnh hưởng đến việc các cơ, cơ chế nén và giữ cho nước tiểu không bị rò rỉ từ bàng quang; gây táo bón, gây căng thẳng bất thường cho bàng quang dẫn đến rò rỉ nước tiểu và gây nhầm lẫn tín hiệu hệ thần thần kinh trung ương góp phần gây khó khăn cho việc kiểm soát bàng quang.
Một số thuốc có thể tác động đến cơ bàng quang gây tiểu tiện không tự chủ.
Cẩn trọng với một số loại thuốc
Thuốc chủ vận adrenergic hoặc thuốc chẹn alpha (thuốc điều trị tăng huyết áp và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính-BPH)) có thể làm giãn các cơ cổ bàng quang, dẫn đến rò rỉ nước tiểu.
Các loại thuốc kháng cholinergic (ví dụ như kháng histamin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống loạn thần, benztropine) có thể làm giãn các cơ của thành bàng quang, bàng quang không co lại và hoàn toàn trống rỗng. Điều này có thể dẫn đến bí tiểu và tiểu không tự chủ. Một số thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm nhận thức về sự cần thiết phải đi vệ sinh.
Thuốc chẹn kênh canxi có thể làm giảm khả năng co bóp của cơ bàng quang, theo thời gian, điều này có thể dẫn đến bí tiểu và tiểu không tự chủ.
Thuốc lợi tiểu làm tăng tần suất đi tiểu. Bằng cách tăng sản xuất nước tiểu, và một tác dụng phụ tiềm ẩn là gây tiểu không tự chủ. Nếu không kiểm soát được vào ban đêm, bạn hãy trao đổi với bác sĩ nếu thuốc lợi tiểu theo toa có thể được sử dụng vào buổi sáng, điều này sẽ làm tăng lượng nước tiểu sớm hơn vào ban ngày thay vì vào ban đêm. Tìm một thời điểm thích hợp để uống thuốc sẽ làm giảm tình trạng này.
Thuốc an thần và opioid làm thay đổi nhận thức của một người, điều này có thể dẫn đến mất kiểm soát chức năng (khó khăn về thể chất để có thể đi vệ sinh kịp thời). Opioids cũng có thể gây táo bón và bí tiểu.
Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau với thuốc và một số người sẽ không gặp phải tác dụng phụ là tiểu không tự chủ từ các loại thuốc khác nhau nêu trên.
Làm gì để phòng ngừa và kiểm soát?
Nếu bạn nghi ngờ thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rò rỉ nước tiểu hoặc gây ra hiện tượng này, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Bác sĩ có thể xác định lại xem các loại thuốc này có nên được điều chỉnh liều lượng, thời điểm uống thuốc hoặc dừng lại. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc mà không được sự đồng ý của bác sĩ.
Ngoài ra các bài tập cơ sàn chậu (Kegel) cũng được coi là phương pháp hữu ích để cải thiện tình trạng này. Các bài tập này được thiết kế để tăng cường cơ sàn chậu vì khi cơ sàn chậu bị suy yếu thường là nguyên nhân gây căng thẳng không tự chủ, trong đó có hiện tượng nước tiểu bị rò rỉ, đặc biệt là khi ho, hắt hơi hoặc cười...