Mỗi loại thuốc có thể gây ra một hoặc nhiều tác dụng phụ, thường gặp nhất là rối loạn tiêu hoá ví dụ tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày thực quản…
Tác dụng phụ của thuốc là những phản ứng không mong muốn hoặc có hại mà một người có thể trải qua sau khi sử dụng một loại thuốc. Ví dụ, một số bệnh nhân sau khi bắt đầu sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hô hấp, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra tuỳ theo loại thuốc, đặc điểm của từng bệnh nhân cụ thể, hoặc các yếu tố khác ví dụ như chế độ ăn uống, rượu, thuốc lá... nhưng cũng có thể do dùng sai thuốc, sử dụng thuốc không đúng cách hoặc lạm dụng thuốc.
Tác dụng phụ nói chung là nhỏ so với những lợi ích điều trị, nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể phải nhập viện, dẫn đến kéo dài thời gian điều trị. Đây là lý do tại sao cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc nhân viên y tế và phải luôn đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
1. Các tác dụng phụ gây rối loạn tiêu hoá thường gặp của thuốc
Thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa theo nhiều cách khác nhau, từ táo bón, tiêu chảy đến kích thích niêm mạc dạ dày, thậm chí gây chảy máu và loét dạ dày.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Cơ vòng thực quản dưới nằm giữa thực quản và dạ dày, cho phép thức ăn đi vào dạ dày sau khi nuốt. Một số loại thuốc cản trở hoạt động của cơ vòng, làm tăng khả năng trào ngược các chất có tính axit cao trong dạ dày vào thực quản.
Các loại thuốc có thể gây trào ngược thực quản phổ biến bao gồm: Thuốc theophylline, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc kháng cholinergic và thuốc tránh thai.
- Táo bón: Táo bón có thể do nhiều loại thuốc gây ra. Những loại thuốc này ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh và cơ ở ruột già (đại tràng), dẫn đến việc đại tiện khó khăn hơn. Thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến chất lỏng trong ruột và làm cho phân cứng lại.
Các loại thuốc thường gây táo bón bao gồm: Thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng cholinergic, sắt và thuốc kháng axit có chứa nhôm.
- Tiêu chảy: Tiêu chảy là tác dụng phụ thường gặp của nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Những thay đổi do kháng sinh gây ra ở vi khuẩn đường ruột cho phép sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn là Clostridium difficile (C. difficile), là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy do kháng sinh. Sự hiện diện của C. difficile có thể gây viêm đại tràng.
Hầu hết mọi loại thuốc kháng sinh đều có thể gây tiêu chảy do C. difficile nhưng phổ biến nhất là ampicillin, clindamycin và cephalosporin.
Colchicin là loại thuốc phổ biến để điều trị gout, cũng là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy do thuốc. Ngoài ra, lạm dụng các thuốc nhuận tràng có thể gây tổn thương dây thần kinh và cơ đại tràng, gây tiêu chảy.
- Kích ứng niêm mạc dạ dày: Một trong những tổn thương phổ biến nhất do thuốc gây ra là kích ứng niêm mạc dạ dày. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen thường được sử dụng để giảm đau và viêm, có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Đôi khi sự kích thích này có thể dẫn đến viêm dạ dày, loét, chảy máu hoặc thủng niêm mạc. Ngoài ra, nên lưu ý rằng tình trạng kích ứng dạ dày có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Người lớn tuổi đặc biệt có nguy cơ bị kích ứng do NSAID vì họ có nhiều khả năng thường xuyên dùng các thuốc giảm đau này để điều trị viêm khớp và các tình trạng mạn tính khác.
2. Làm gì để giảm thiểu nguy cơ thuốc gây rối loạn tiêu hóa?
Để giảm thiểu nguy cơ rối loạn tiêu hoá khi sử dụng thuốc, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cần trao đổi với bác sĩ và/hoặc dược sĩ để biết thông tin về các tác dụng phụ và các biện pháp phòng ngừa nhất định (đặc biệt là về liều lượng, thời gian uống, ảnh hưởng của thức ăn...).
- Các tác dụng phụ thường gặp được ghi rõ trong thông tin hướng dẫn sử dụng của thuốc hoặc được bác sĩ và dược sĩ cung cấp khi kê đơn thuốc. Vì vậy, cần đọc kỹ tờ hướng dẫn trong gói mỗi loại thuốc. Tôn trọng liều lượng quy định cũng như các khuyến nghị được bác sĩ, dược sĩ đưa ra.
- Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tránh gặp tác dụng phụ gây rối loạn tiêu hoá khi sử dụng thuốc, cần lưu ý:
- Uống nhiều nước: Đảm bảo duy trì đủ lượng nước trong cơ thể bằng cách uống đủ nước hàng ngày.
- Không bỏ bữa: Hãy duy trì chế độ ăn uống đều đặn và không bỏ bữa để giữ cân bằng hệ tiêu hoá.
- Tránh thức ăn và đồ uống gây kích thích: Đồ ăn quá cay, nhiều dầu mỡ và đồ uống chứa caffeine, và các chất kích thích khác có thể tác động đến tiêu hoá.
- Không uống rượu: Nên tránh uống rượu khi đang dùng một số loại thuốc, đặc biệt là NSAID vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kích ứng niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ loét và chảy máu đường tiêu hóa.
- Cẩn thận hơn khi dùng thuốc với các đối tượng:
- Trẻ sơ sinh và trẻ em: Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ. Khả năng chuyển hóa và loại bỏ thuốc của chúng chưa được phát triển đầy đủ, điều này có thể làm thay đổi hiệu quả và khả năng dung nạp của thuốc;
- Người già hoặc người bệnh nặng do quá trình chuyển hóa và đào thải thuốc có thể bị thay đổi;
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Nếu tác dụng phụ xuất hiện, hãy liên hệ ngay với bác sĩ và/hoặc dược sĩ để được hướng dẫn phải làm gì. Không nên tự ý ngừng hoặc thay đổi thuốc.
Tùy thuộc vào cường độ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ này, bác sĩ có thể đề nghị: Giảm liều quy định, ngừng điều trị, thay thế thuốc bằng một loại thuốc khác hoặc tiếp tục điều trị sau khi cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Rối Loạn Tiêu Hóa: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị | SKĐS