Rối loạn tiêu hóa do ăn uống quá đà, thuốc nào điều trị?

04-02-2019 10:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Những bữa ăn quá nhiều các chất đạm, đường ngọt, mỡ khiến cơ thể không thể hấp thu. Bên cạnh đó nhịp sinh hoạt thay đổi, ăn không đúng bữa, ăn nhiều loại đồ ăn thức uống lạ làm cho cơ thể không thể hấp thu, gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa - bệnh thường gặp trong dịp Tết

Theo Ths Vân Anh, ngày Tết người dân thường ăn rất nhiều loại  thực phẩm  giàu năng lượng, đạm mỡ, khó tiêu dễ  bị đau bụng, đi ngoài. Trong mâm cơm ngày Tết thường có nhiều  loại thịt, hải sản, bánh chưng … cộng thêm việc uống rượu bia như là cách để chào đón năm mới đến khiến bạn dễ lâm vào tình trạng bị  rối loạn tiêu hóa, cơ thể cảm thấy đầy ứ, khó chịu.

Những món ăn ngày Tết nhiều năng lượng dễ gây đầy bụng, khó tiêu.

Tuy nhiên cần phân biêt rối loạn tiêu hóa với ngộ độc thực phẩm . Với cùng một biểu hiện đau bụng, đi ngoài, nhiều người không thể phân biệt được đây là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa chức năng hay ngộ độc thực phẩm.  Theo Ths Vân Anh, nếu ngộ độc thực phẩm hoặc đi ngoài do thực phẩm ô nhiễm  thường liên quan tới nhiều người, do ăn cùng mâm hoặc cùng loại thức ăn bị nhiễm khuẩn. Còn nếu khi ăn uống mà bị khó tiêu, trướng bụng, đau bụng thoáng qua mà không liên quan đến thực phẩm thì có thể là bị rối loạn tiêu hóa chức năng.

Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa

BS Nguyễn Trâm Anh cho rằng, rối loạn tiêu hóa là một hội chứng do sự co thắt bất thường của các cơ vòng ở hệ tiêu hóa gây nên triệu chứng đau bụng, đầy hơi và thay đổi đại tiện. Các triệu chứng thường gặp của rối loạn tiêu hóa bao gồm:

Đau bụng: Cơn đau bụng thay đổi tùy theo từng trường hợp như có cơn đau nhẹ, lâm râm, có khi lại quặn bụng từng cơn, nặng bụng, sình bụng, xót bụng, rát bụng hoặc đau nhiều như dao cắt... Cơn đau xảy ra liên tục, đau nhẹ suốt ngày, đau co thắt, đau nhức từng cơn.

Đầy hơi: Là một triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa; bụng có thể căng to ra như cái trống kèm theo biểu hiện ợ hơi hay trung tiện liên tục.

Thay đổi đại tiện: Thường tiến triển chậm nhưng càng về sau càng trở nên nặng, sự thay đổi thói quen vệ sinh hàng ngày có biểu hiện rõ như đi đại tiện thất thường. Người rối loạn tiêu hóa cảm thấy đau bụng từng cơn, có lúc táo bón, có khi tiêu chảy…

Thuốc nào để chữa rối loạn tiêu hóa?

- Oresol: Theo BS Trâm Anh, khi bị rối loạn tiêu hóa có kèm tiêu chảy, trước tiên cần bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol, nếu không có sẵn oresol có thể thay thế bằng nước cháo muối hoặc nước đường muối, pha 1 thìa cà phê muối với 8 thìa cà phê đường trong 1 lít nước để uống; không được dùng thuốc để cầm tiêu chảy trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chất độc.

-Men tiêu hóa: Có thể sử dụng men tiêu hoá chứa các enzym giúp tiêu hóa thức ăn, dùng trong trường hợp đầy hơi, trướng bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hoá… Do chúng ta ăn uống quá nhiều khiến cho men tiêu hoá của cơ thể không tiết ra đủ để tiêu hoá thức ăn cần bổ sung men tiêu hoá từ bên ngoài vào. Chỉ dùng từ 7-10 ngày, sau bữa ăn, không được lạm dụng thuốc sẽ ức chế các tuyến tiết ra men tiêu hóa có trong cơ thể.

- Thuốc nhuận tràng: Dùng trong trường hợp rối loạn tiêu hóa gây táo bón. Thuốc sẽ làm tăng nhu động ruột tác dụng lên cơ trơn ruột, tăng tích lũy ion và dịch thể trong đại tràng giúp cho việc đi ngoài dễ dàng hơn. Đây cũng là thuốc không được lạm dụng, thuốc nhuận tràng chỉ nên dùng không quá 1 tuần, bởi nếu người bệnh tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến đại tràng mất trương lực, giảm chức năng hoạt động, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

-Thuốc kháng axit: Một trong những nguyên nhân gây ra chứng đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu là do bệnh nhân bị thừa axit dịch vị ở dạ dày. Thuốc kháng axit dạ dày giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, thực quản, giúp điều trị chứng đầy bụng chậm tiêu. Nếu người bệnh có bệnh nền cần phải được tư vấn của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Trên đây là những loại thuốc thông thường để đối phó với chứng rối loạn tiêu hóa  mà bất cứ người nào cũng có thể gặp phải khi ăn uống trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Việc mua và sử dụng những loại thuốc này rất dễ dàng, tuy nhiên bác sĩ cũng lưu ý với những người có bệnh mạn tính hoặc có bệnh nền khi dùng bất cứ loại thuốc nào đều cần có sự tư vấn của bác sĩ.

BS Trâm Anh khuyên, khi tình trạng rối loạn tiêu hoá trở nên khó kiểm soát như người bệnh cảm thấy bị đau bụng dữ dội, đau quặn từng cơn, người mệt mỏi, mồ hôi vã, đau đầu, hoa mắt chóng mắt… cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Để hạn chế bị rối loạn tiêu hoá trong dịp Tết, mọi người nên ăn uống điều độ, ăn thực phẩm tươi mới, hạn chế ăn những món ăn lạ...


Hải Yến
Ý kiến của bạn