Mãn kinh là tình trạng sinh lý không tránh khỏi ở phụ nữ độ tuổi 50. Người được coi là mãn kinh nếu trong vòng 1 năm qua không có kinh nguyệt. Giai đoạn tiền mãn kinh ở phụ nữ, khoảng 1/4 số người sẽ có rất nhiều triệu chứng cơ thể gây khó chịu, vẫn được gọi là rối loạn tiền mãn kinh.
Ngày nay, rối loạn tiền mãn kinh được Hội Tâm thần học Mỹ xếp vào các rối loạn tâm thần, chúng được coi là một dạng đặc biệt của trầm cảm. Các triệu chứng thường thấy: khí sắc giảm, nghĩa là bệnh nhân ít biểu hiện cảm xúc trên nét mặt, vì thế nét mặt của họ trông đơn điệu, các nếp nhăn như giãn ra và mờ đi; mất hứng thú và sở thích. Bệnh nhân giảm rõ rệt các ham muốn và sở thích cũ. Họ có thể không còn thích gì cả; mệt mỏi, nhất là về buổi sáng; khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ, hay dậy sớm, giấc ngủ không sâu, hay có ác mộng; buồn rầu, chán nản, bi quan mà không có bất cứ nguyên nhân gì; hay cáu gắt vô cớ; chú ý kém, trí nhớ kém; ăn uống thất thường, hay mất cảm giác ngon miệng; đặc biệt, họ hay có các cơn đau đầu, chóng mặt, cơn bốc hỏa ở vùng cổ, mặt khiến họ rất khó chịu.
Đau đầu, chóng mặt, bốc hỏa... là các rối loạn tiền mãn kinh (ảnh minh họa).
Các triệu chứng trên ngày càng nặng dần khiến bệnh nhân rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lao động, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Thuốc nào điều trị?
Do xếp rối loạn tiền mãn kinh là một dạng đặc biệt của trầm cảm, nên Hội Tâm thần học Mỹ không khuyến cáo sử dụng liệu pháp bổ sung hormon cho các bệnh nhân bị rối loạn tiền kinh nguyệt.
Gabapentin: Đây là thuốc giảm đau thần kinh, hỗ trợ điều trị bệnh động kinh. Thuốc có tác dụng rất nhanh trên các cơn bốc hỏa, tình trạng cáu gắt vô cớ của bệnh nhân. Tuy nhiên, thuốc tác dụng kém trên triệu chứng mất ngủ, chán nản, chú ý và trí nhớ kém. Thuốc thường được uống buổi sáng và buổi tối.
Sertralin: Đây là thuốc chống trầm cảm ức chế hấp thu có chọn lọc serotonin. Thuốc này rất ít tác dụng phụ (chủ yếu là khô mồm, đắng miệng, đầy bụng trong thời gian đầu dùng thuốc). Thuốc làm giảm rất nhanh các triệu chứng mất ngủ, đau đầu, bốc hỏa, chóng mặt, chán nản, bi quan... Thuốc không độc với gan, thận, cơ quan tạo máu... Chỉ cần uống thuốc một lần duy nhất vào buổi tối.
Paroxetin: Cũng giống như sertraline, thuốc paroxetin cũng là thuốc chống trầm cảm thế hệ mới, có tác dụng rất tốt trên rối loạn trầm cảm nói chung và rối loạn tiền mạn kinh nói riêng. Thuốc làm giảm nhanh triệu chứng lo âu, cơn bốc hỏa, đau đầu, chóng mặt, ngủ kém... Cũng như sertralin, thuốc paroxetin không gây tăng cân cho bệnh nhân khi dùng lâu dài. Thuốc thường được uống buổi tối.
Fluoxetin: Cũng là thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI (ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin). Tuy nhiên, thuốc có thời gian tác dụng rất dài, gây mất ngủ (nên không dùng buổi tối), gây chán ăn (rất có lợi cho người béo vì sẽ gây sút cân). Lúc đầu dùng thuốc, bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, buồn nôn, khô miệng... Có thể khắc phục tác dụng phụ này bằng cách dùng kết hợp với diazepam trong tuần đầu điều trị. Thuốc được uống ngay sau bữa ăn sáng.
Lưu ý: Các triệu chứng của rối loạn tiền mãn kinh giảm rất nhanh khi dùng thuốc, nhưng bệnh nhân phải uống thuốc kéo dài (tối thiểu 3 năm) để tránh tái phát. Các thuốc vừa nêu trên đều không quá đắt, không độc hại cho các cơ quan trong cơ thể như tim, gan, thận, tủy xương... khi dùng lâu dài.
PGS. TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện 103)