RLTĐ là những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8. Nếu bộ phận này bị tổn thương sẽ khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch, cơ thể bị mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai… Trong chẩn đoán, một số dấu hiệu của RLTĐ có thể kể đến như:
Chóng mặt: Cảm giác đồ vật xung quanh quay tròn. Thường kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã, khó chịu.
Mất thăng bằng: Mức độ có thể rất mãnh liệt khiến bệnh nhân không thể đứng được. Thường gặp trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên hoặc có thể ở mức độ vừa phải, được phát hiện thông qua các nghiệm pháp khác.
Rung giật nhãn cầu: Là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục có nhịp, khá đều đặn và sự liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau.
BS.CKI. Đào Duy Khoa chia sẻ, triệu chứng cơ bản RLTĐ là thấy mọi thứ đảo lộn, lộn nhào, tương tự như trạng thái khi chúng ta quay một vòng xong rồi dừng lại. Lúc đó có cảm giác bị lật nhào, chóng mặt. Thế nhưng, chóng mặt còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như căng thẳng, tác dụng không mong muốn của thuốc… chứ không phải tất cả các trường hợp chóng mặt đều do RLTĐ. Người bệnh cần được chẩn đoán bởi các bác sỹ có chuyên môn, không nên tự ý dùng thuốc hoặc nghe mách bảo của người khác hay tự ý dùng thuốc để tự chữa bệnh.
Rối loạn tiền đình thường có triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng
Cá nguyên nhân gây RLTĐ
Rối loạn tiền đình có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tuy nhiên đều có liên quan đến những tổn thương trên hệ thống tiền đình:
RLTĐ ngoại biên: Do viêm thần kinh tiền đình do siêu vi gây ra, viêm tiền đình, bệnh meniere, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp.
RLTĐ trung ương: Thường gặp nhất là migraine, nhiễm trùng não, suy động mạch cột sống thân nền. Xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác.
Hiện nay, tỷ lệ mắc chứng RLTĐ đang có xu hướng gia tăng ở nước ta. Mức độ nặng nhẹ có thể khác nhau, nhưng đều gây nên những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe, sinh hoạt, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
BS.CKI. Đào Duy Khoa cho biết thêm, RLTĐ chỉ là một triệu chứng của một nguyên nhân bệnh. Tùy theo nguyên nhân bệnh mà sẽ gặp ở độ tuổi khác nhau. Ví dụ, chóng mặt do đột quỵ não thường hay gặp ở người già, chóng mặt do tư thế có thể gặp ở cả người trẻ, hoặc các bệnh viêm nhiễm thì thường gặp ở người trẻ, người có sức khỏe, đề kháng yếu. Ở phụ nữ mang thai, ốm nghén dẫn đến chán ăn, đặc biệt trong 3 tháng đầu, cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng, gây thiếu máu lên não khiến thai phụ chóng mặt, choáng váng. Các yếu tố tâm sinh lý thay đổi, lo lắng, mệt mỏi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận tiền đình, dễ dẫn tới hội chứng rối loạn tiền đình khi đang mang thai. Ngoài ra, những thay đổi về sinh lý, tâm lý… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến RLTĐ. Do đó, song song với việc điều trị RLTĐ, việc xác định chính xác nguyên nhân là vô cùng quan trọng.
Do đó, bệnh nhân RLTĐ do đột quỵ thì nguyên nhân gốc là đột quỵ thì cần chữa đột quỵ. Bệnh nhân bị viêm mê nhĩ sử dụng thuốc chống mặt, thuốc chống viêm. Sang giai đoạn di chứng thì phải điều thị bằng phương pháp vật lý trị liệu, các bài tập phục hồi chức năng tiền đình
Việc điều trị RLTĐ có hiệu quả tốt khi xác định chính xác nguyên nhân để điều trị tận gốc, trong trường hợp điều trị triệu chứng điều trị thuốc cho bệnh nhân bớt chóng mặt. Thời gian điều trị bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào phân loại, mức độ bệnh, khả năng đáp ứng với các biện pháp điều trị, có thể phục hồi chỉ trong một hai ngày hoặc kéo dài vài tháng. Do đó khi phát hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh cần thăm khám sớmđể xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của RLTĐ
RLTĐ là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản sau:
Luyện tập thể dục đều đặn, hợp lý.
Giảm căng thẳng, lo âu.
Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô. Nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt.
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Không sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
So với các bệnh huyết áp, tim mạch… RLTĐ không gây ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, những nguy hiểm gián tiếp của RLTĐ, điển hình là những nguy hiểm do té ngã khi xuất hiện cơn chóng mặt do RLTĐ là vô cùng nguy hại, đặc biệt là với nhóm người lớn tuổi. Do đó, với bệnh nhân bị RLTĐ, việc phòng chống nguy hiểm khi xuất hiện cơn chóng mặt cũng cần được quan tâm. Khi có triệu chứng chóng mặt cần hạn chế những tình huống cần giữ thăng bằng như lái xe, leo trèo, hành động thay đổi tư thế đột ngốt, giữ cân bằng cao độ… có thể gây ra chấn thương.