1. Vì sao bị rối loạn tiền đình?
Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình… Khi một nguyên nhân nào đó gây tổn thương hệ thống này, bệnh nhân có thể gặp rối rối loạn tiền đình.
Các biểu hiện thường gặp nhất của rối loạn tiền đình là chóng mặt, mất thăng bằng. Ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như: Ù tai, nhìn mờ, buồn nôn, tim đập nhanh, vã mồ hôi… Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người già. Ngày nay, với áp lực từ công việc và cuộc sống, rối loạn tiền đình đang có xu hướng trẻ hóa.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
Có 2 loại rối loạn tiền đình thường gặp: Rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương:
Rối loạn tiền đình ngoại biên:
Nguyên nhân thường do viêm dây thần kinh tiền đình (do virus Zona, thủy đậu, quai bị), rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng ure huyết, suy giáp...), viêm tai giữa cấp và mạn, hội chứng Meniere (phù nề vùng tai trong), tác dụng không mong muốn của thuốc (streptomycin, gentamycin...), rượu, ma túy.
Rối loạn tiền đình trung ương:
Nguyên nhân thường do thiểu năng tuần hoàn sống nền, hạ huyết áp tư thế, xơ cứng rải rác, u tiểu não, chấn thương, nhức đầu Migraine, bệnh Parkinson, tai biến mạch máu não…
2. Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình có nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người đang điều khiển phương tiện giao thông hoặc làm việc trên cao. Do vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng. Vật lý trị liệu, thay đổi lối sống và dùng thuốc là ba trụ cột trong điều trị rối loạn tiền đình. Ngoài ra, phẫu thuật có thể được cân nhắc nếu điều trị nội khoa không tối ưu.
Điều trị không dùng thuốc
Liệu pháp phục hồi tiền đình
Đây một hình thức trị liệu chuyên biệt (đã được dùng hơn 60 năm qua) nhằm giảm bớt các hậu quả do rối loạn tiền đình. Liệu pháp này được chỉ định cho bệnh nhân chóng mặt tăng lên khi di chuyển vòng quanh, đặc biệt là thay đổi nhanh tư thế của phần đầu (cúi xuống hoặc ngửa lên). Ngoài ra, còn dành cho tình trạng chóng mặt khi ở các môi trường kích thích thị giác như trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim hay xem TV.
Mục tiêu của bài tập là thông qua việc lặp đi lặp lại các chuyển động cụ thể hoặc các kích thích thị giác gây chóng mặt cho bệnh nhân với cường độ giảm nhẹ. Nếu tuân thủ tốt và kiên trì thì sau một thời gian, mức độ chóng mặt có thể giảm do não bộ học cách bỏ qua tín hiệu bất thường.
Một số động tác trong bài tập
- Thở chậm: Mỗi nhịp từ 4 – 6 giây, thả lỏng trước khi bắt đầu, nhẹ nhàng nhún vai và xoay tròn vài vòng.
- Lắc: Quay đầu qua lại hai bên khoảng 10 lần trong 10 giây, thực hiện khoảng 2 chu kỳ.
- Gật đầu: Gật đầu lên xuống khoảng 10 lần trong 10 giây. Đồng thời, di chuyển đầu càng xa càng tốt và cũng thực hiện khoảng 2 chu kỳ.
- Lắc, nhắm mắt: Thực hiện bài tập lắc khi nhắm mắt khoảng, 10 lần trong 10 giây, 2 chu kỳ.
- Gật đầu, nhắm mắt: Thực hiện bài tập gật đầu khi nhắm mắt, 10 lần trong 10 giây, 2 chu kỳ.
- Lắc/nhìn chằm chằm: Giơ một ngón tay lên trước mặt và thực hiện bài tập lắc trong khi nhìn chằm chằm vào ngón tay đó (cố gắng không nhìn lệch ra khỏi ngón tay), 10 lần trong 10 giây, 2 chu kỳ. Điều này áp dụng tương tự với bài tập gật đầu/nhìn chằm chằm.
Điều trị rối loạn tiền đình bằng thuốc
Việc sử dụng thuốc trong điều trị rối loạn tiền đình phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân đang ở giai đoạn cấp tính (trong vòng 5 ngày) hay mãn tính. Trong giai đoạn cấp tính thì nên ưu tiên các loại thuốc điều trị triệu chứng như giảm chóng mặt và buồn nôn. Trong giai đoạn mãn tính thì các liệu pháp phục hồi tiền đình lại được ưu tiên hơn so với dùng thuốc.
Việc sử dụng thuốc điều trị rối loạn tiền đình phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân ở giai đoạn cấp tính hay mãn tính.
* Các thuốc điều trị triệu chứng bao gồm nhóm ức chế tiền đình và nhóm chống nôn:
- Các thuốc ức chế tiền đình
Benzodiazepines bao gồm diazepam (valium), clonazepam, lorazepam và alprazolam là những thuốc thường được kê đơn để điều trị cho lo âu và trầm cảm. Với liều lượng nhỏ, thuốc này cũng có tác dụng ức chế tiền đình nên cực kỳ hữu ích trong việc kiểm soát chứng chóng mặt cấp tính. Do thuốc có thể gây nghiện nên hạn chế thời gian sử dụng. Tuy nhiên, cũng không nên dừng thuốc đột ngột vì có thể gặp hội chứng cai thuốc.
Thuốc kháng histamine bao gồm meclizine (antivert), dimenhydrinate, diphenhydramine (benadryl) và promethazine. Những loại thuốc này giúp ngăn ngừa say tàu xe và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng (kể cả khi được dùng sau khởi phát triệu chứng). Ngoài ra, tác dụng phụ có thể gặp là khô miệng và mờ mắt.
Thuốc kháng cholinergic điển hình là scopolamine. Sử dụng đơn liều nhóm thuốc này rất hiệu quả để dự phòng và điều trị say tàu xe, chóng mặt. Có tác dụng phụ nổi bật là khô miệng, giãn đồng tử và an thần.
- Các thuốc chống nôn
Thuốc chống nôn là loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát nôn và buồn nôn. Loại dùng đường uống được chỉ định với trường hợp buồn nôn nhẹ và bệnh nhân ngoại trú. Các thuốc như prochlorperazine (compazine), promethazine (phenameth, phenergan, metoclopramide (reglan, domperidone chống nôn khá hiệu quả nhưng tác dụng phụ bao gồm an thần, rối loạn trương lực cơ hoặc nhanh đói (do đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày).
Các thuốc điều trị theo nguyên nhân
- Viêm dây thần kinh tiền đình: Đây nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng tiền đình cấp tính (chóng mặt cấp tính kèm rung giật nhãn cầu). Bệnh nguyên là do sự tái hoạt của virus Herpes trong dây thần kinh tiền đình. Điều trị gồm methylprednisolone (medrol) và có thể kết hợp với các thuốc kháng virus.
- Migraine tiền đình: Gần đây đã được công nhận là một nguyên nhân chủ yếu gây chóng mặt. Điều trị dự phòng dựa trên các phác đồ điều trị đau nửa đầu. Có thể gồm các thuốc chẹn β như propranolol hoặc metoprolol; thuốc chẹn kênh canxi như verapamil, thuốc chống trầm cảm như amitriptyline, fluoxetine hoặc venlafaxin; thuốc chống co giật như valproate hoặc topiramate, và chất ức chế anhydrase carbonic như acetazolamid.
- Bệnh Ménière: Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây chóng mặt có nguồn gốc từ tai. Việc điều trị cần chấm dứt các cơn chóng mặt, loại bỏ triệu chứng ù tai và bảo tồn tình thính lực. Có thể dùng các thuốc lợi tiểu nhẹ như dyazide hoặc maxide (hydrochlorothiazide-triamterene) và Betahistine để điều trị.
3. Lời khuyên của bác sĩ
Điều trị rối loạn tiền đình là một quy trình tương đối phức tạp, do đó cần được tham vấn kỹ lưỡng từ các bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa được kê đơn.
Hoạt động thể chất cũng giúp phục hồi hệ thống tiền đình. Do đó, nên tăng cường chơi thể thao, khiêu vũ, đi dạo ở mức độ phù hợp với bản thân. Ngoài ra, tập yoga, thái cực quyền, sử dụng tinh dầu tự nhiên cũng được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tinh thần, cảm xúc và sự thăng bằng.
Dinh dưỡng hợp lý như uống đủ nước (nước, sữa và nước trái cây ít đường), tránh các thực phẩm và đồ uống có hàm lượng muối hoặc đường cao (đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn) và bổ sung thêm các loại vitamin.
Không sử dụng thuốc lá, hạn chế caffein và rượu.
Tránh căng thẳng mệt mỏi và khám sức khỏe định kỳ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phó Thủ Tướng: Chống dịch nhưng không được hạn chế lưu thông | SKĐS