Hà Nội

Rối loạn tiền đình - Làm sao tránh?

01-12-2017 10:31 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tiền đình là một hệ thống thuộc thần kinh nằm ở phía sau ốc tai, có vai trò quan trọng trong duy trì tư thế, dáng bộ, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình.

Dây thần kinh số 8 là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi chúng ta di chuyển, cúi, xoay... hệ thống tiền đình sẽ nghiêng, lắc để giữ thăng bằng cho cơ thể. Tổn thương dây thần kinh số 8 do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch làm cho cơ thể mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn... Đó chính là hội chứng rối loạn tiền đình.

Biểu hiện của bệnh rối loạn tiền đình

Rối loạn chức năng tiền đình là bệnh lý khá thường gặp trong lâm sàng. Đây không phải là một cấp cứu nội khoa nhưng những trường hợp nặng, khởi bệnh cấp tính có ảnh hưởng nhiều tới khả năng lao động và tâm lý người bệnh.

Biểu hiện của rối loạn tiền đình đầu tiên là cảm giác chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn. Nặng hơn người bệnh sẽ mất thăng bằng không giữ được tư thế, ù tai, không thể bước đi, dễ ngã.

Rối loạn tiền đình Cảnh giác với biểu hiện chóng mặt.

Chóng mặt: Ban đầu cảm giác chóng mặt chỉ thoáng qua nhưng càng về sau thì cảm giác này càng tăng dần và tần suất cũng tăng theo. Cảm giác cơ bản sẽ là đầu óc lâng lâng, quay cuồng và nặng trĩu, bạn thường dễ mất thăng bằng và bị ngã.

Mất thăng bằng: Cơ thể bạn mất thăng bằng và không thể đứng vững được.

Mất ý thức hoặc ngất: Người bệnh sẽ có cảm giác mất ý thức hoặc đột nhiên bị ngất, đi cùng đó là đổ mồ hôi, buồn nôn, thị lực giảm nhưng chỉ là thoáng qua.

Loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng rối loạn tiền đình có thể khác nhau, tuy nhiên chúng đều nguy hiểm và khó mô tả. Những người bị ảnh hưởng bởi rối loạn tiền đình có dấu hiệu thiếu tập trung, lười biếng, quá lo lắng hoặc tìm kiếm sự chú ý. Họ có thể gặp khó khăn trong hoạt động tại nơi làm việc hay trường học, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên hàng ngày hoặc thậm chí là ra khỏi giường vào buổi sáng.

Tại sao bị rối loạn tiền đình?

Hệ thống tiền đình nằm ở mê đạo thuộc tai trong, có ba vòng bán khuyên nằm theo ba chiều không gian tại tai trong. Các thụ thể của hệ thống tiền đình là các tế bào có tiêm mao tiếp nhận cảm giác gia tốc góc hoặc gia tốc thẳng do sự di chuyển của đầu trong không gian nhờ sự di chuyển của nội dịch trong các vòng bán khuyên. Sự nhận biết này thông qua hai cơ quan là bào nang và bao nang. Thần kinh tiền đình sẽ dẫn truyền thông tin này tới các nhân tiền đình ở cầu não. Có bốn nhân tiền đình ở cầu não, các nhân này còn tiếp nhận các thông tin về thị giác và cảm giác sâu, có đường liên hệ với các nhân thuộc tiểu não. Các nhân này xử lý các thông tin về điều hoà các phản xạ chống trọng lực để giữ thăng bằng của cơ thể, cho vỏ não có thông tin về vị trí của đầu trong không gian.

Tham gia vào chức năng tiền đình còn có các chất dẫn truyền trung gian hoá học. Ở trung ương và ngoại vi có 3 chất là: Glutamat (có tác dụng duy trì sự phóng điện ổn định của neuron tiền đình trung ương, tham gia điều biến cung phản xạ tiền đình), acetylcholin (là chất kích thích tại các si – náp), GABA (tác nhân ức chế các mép nhân tiền đình giữa, đường liên hệ tế bào Purkinje tiểu não với các nhân tiền đình). Ở trung ương có thêm 3 chất khác là dopamin (có chức năng làm tăng bù trừ tiền đình), norepinephrin (có vai trò điều biến cường độ các đáp ứng trung ương đối với kích thích tiền đình, tạo điều kiện cho việc bù trừ của hệ thần kinh trung ương) và histamin (về vai trò của histamin các tác giả cho rằng chất trung gian hoá học này chỉ có ở trung ương, nhưng vai trò của nó với chức năng tiền đình chưa được biết rõ).

Tất cả sự rối loạn hoặc không đồng bộ các thông tin của hệ thống tiền đình sẽ gây tình trạng chóng mặt và các triệu chứng kèm theo.

Rối loạn tiền đình thường do nhiều nguyên nhân gây nên. Căn cứ vào vị trí tổn thương có thể có các nguyên nhân chính sau:

Tổn thương tiền đình trung ương: Bao gồm các bệnh lý như thiểu năng tuần hoàn não hệ sống – nền; thiếu máu não cục bộ tạm thời; đột qụy não; chấn thương sọ não; parkinson; xơ não tuỷ rải rác...

Tổn thương tiền đình ngoại vi: Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính; bệnh Ménière; viêm thần kinh tiền đình; bệnh lý tai...

Ngộ độc các thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng lao. Ngoài ra còn có nguyên nhân liền quan đến yếu tố tâm lý...

Làm thế nào để chẩn đoán?

Bác sĩ kết hợp thông tin về bệnh sử và các triệu chứng kết hợp với khám lâm sàng để tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán nhằm đánh giá chức năng hệ tiền đình và loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng. Sau đó, bác sĩ có thể tiến hành các quy trình kiểm tra, bao gồm:

Ghi điện rung giật nhãn cầu (ENG): Quy trình này chỉ một nhóm các xét nghiệm hoặc xét nghiệm điện và sử dụng các điện cực nhỏ đặt lên vùng da xung quanh mắt nhằm đo chuyển động của mắt để đánh giá các dấu hiệu của rối loạn chức năng tiền đình hay các vấn đề về thần kinh.

Xét nghiệm xoay vòng: Xét nghiệm xoay vòng là một cách khác để đánh giá mắt và tai trong làm việc với nhau như thế nào. Những xét nghiệm này cũng sử dụng kính video hoặc các điện cực để theo dõi chuyển động của mắt.

MRI: MRI sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh cắt ngang các mô cơ thể được quét. MRI não có thể phát hiện các khối u, đột quỵ và sự bất thường về mô mềm khác mà có thể gây chóng mặt hoặc ngất.

Âm ốc tai (OAE): Xét nghiệm âm ốc tai cung cấp thông tin về các tế bào lông trong ốc tai làm việc như thế nào bằng cách đo sự đáp ứng của các tế bào tóc với một loạt các cú nhấp được tạo ra bởi một loa nhỏ chèn vào trong ống tai.

Rối loạn tiền đìnhThiếu máu não cục bộ tạm thời là một nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

Điều trị như thế nào?

Trước tiên là phải để bệnh nhân ở tư thế nằm đầu thấp, cố định đầu, nơi ít ánh sáng, tránh di chuyển. Nếu bệnh nhân có nôn nhiều phải cho thuốc chống nôn đường tiêm như papaverin 40mg hoặc primperan 10mg tiêm bắp; truyền dịch, bù nước - điện giải nếu có điều kiện.

Chống chóng mặt bằng các nhóm thuốc:

Các thuốc nhóm kháng histamin: Vừa có hiệu quả tới chứng chóng mặt, vừa làm giảm triệu chứng nôn và buôn nôn. Tác dụng phụ của nhóm này là có thể gây ngủ nhẹ nên không dùng trong khi điều khiển phương tiện giao thông.

Acetylleucin: Có cả dạng viên và tiêm tĩnh mạch; dạng tiêm tĩnh mạch nên tiêm chậm vì nếu tiêm nhanh có thể gây hồi hộp, trống ngực, mạch nhanh. Thường được dùng ở giai đoạn cấp tính.

Nhóm ức chế calci chọn lọc mạch máu não: Hay sử dụng nhất hiện nay là flunarizin, nên uống trước khi ngủ vì cũng có tác dụng an thần nhẹ. Các thuốc khác có thể dùng như cinnarizin.

Nhóm benzodiazepin: Đây là các thuốc trấn tĩnh nhẹ, có thể dùng trong trường hợp bệnh nhân quá lo lắng vì chóng mặt. Tuy nhiên, có thể gây quen và lệ thuộc thuốc nên phải có hướng dẫn kỹ, tránh lạm dụng thuốc.

Nhóm tăng tuần hoàn tiền đình, tuần hoàn não: Nhóm này thường được sử dụng sau giai đoạn cấp, thường để điều trị duy trì, sử dụng lâu dài.

Tập bù trừ tiền đình: Thường tập khi nghĩ tới chóng mặt tư thế lành tính. Nếu chóng mặt do thiểu năng động mạch đốt sống – thân nền thì không nên tập vì có thể gây thiếu máu não. Nên tập có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Có thể áp dụng cách tập tại chỗ sau đây:

Khi cấp tính: Tập ở tư thế nằm, đưa mắt sang hai bên, lên xuống, thực hiện động tác chậm rồi nhanh dần, nhìn một vật di chuyển qua lại trước mắt 20cm.

Khi qua giai đoạn cấp: Tập ở tư thế đứng, đang ngồi từ từ đứng dậy, sau đó đi, lên xuống cầu thang, xoay người kết hợp mở mắt và nhắm mắt.


BS. Nguyễn Đăng Khánh
Ý kiến của bạn