Hà Nội

Rối loạn tiền đình, chớ coi thường

17-08-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Rối loạn tiền đình (RLTÐ) tên đầy đủ là Hội chứng rối loạn chức năng tiền đình. Các triệu chứng của bệnh chỉ xảy ra thoáng qua nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần.

Rối loạn tiền đình (RLTÐ) tên đầy đủ là Hội chứng rối loạn chức năng tiền đình. Các triệu chứng của bệnh chỉ xảy ra thoáng qua nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Ðiều đó gây khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. RLTÐ có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tuổi trưởng thành chiếm tỉ lệ cao hơn cả. Hiện nay, chứng bệnh này còn tấn công nhiều vào nhóm người lao động trí óc, làm việc văn phòng

Người làm việc văn phòng là đối tượng của chứng RLTĐ.

Tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai, là một hệ thống có vai trò quan trọng trong duy trì thăng bằng, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Khả năng giữ thăng bằng cơ thể tùy thuộc vào các cảm giác đến từ ba vùng chính là mắt, tai trong và các thớ thịt, khớp xương.

Khi bị RLTĐ, người bệnh có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu như:

Chứng RLTĐ thường xảy ra vào lúc nửa đêm, gần sáng. Khi người bệnh tỉnh dậy không ngồi lên được do hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và có thể nôn. Người lao đao, choáng váng, mất thăng bằng, đi dễ bị ngã, cũng có trường hợp bị sang chấn. Khi thay đổi tư thế như nghiêng người từ trái qua phải hoặc ngược lại là chóng mặt, buồn nôn. Nhẹ thì thoáng qua nhưng nếu nặng thì không thể thay đổi tư thế được và nôn.

Khi mắc RLTĐ, người bệnh nên chọn tư thế nằm cho thích hợp (đầu nghiêng sang trái hoặc phải hoặc nằm ngửa), tránh thay đổi tư thế và nên tránh ánh sáng chói như ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn hoặc tránh tiếng động...

Các loại rối loạn tiền đình và nguyên nhân

Rối loạn tiền đình ngoại biên: Chiếm tới 90 - 95% bệnh nhân bị rối loạn tiền đình.

Biểu hiện đặc trưng của RLTĐ ngoại biên là chóng mặt khi thay đổi tư thế, cơn chóng mặt thường thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, chúng xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Bên cạnh đó rối loạn tiền đình ngoại biên còn có thể có biểu hiện tình trạng chóng mặt thật nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng được, không thể từ nằm sang ngồi được. Đặc biệt cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung... Chóng mặt hay xảy ra ở những người làm việc văn phòng, ngồi nhiều trong phòng lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính. Do ngồi nhiều trong phòng lạnh, vùng cột sống cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên.

Rối loạn tiền đình trung ương: Là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Rối loạn tiền đình trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do động mạch mang máu đến nuôi não bộ bị thiểu năng bởi tình trạng xơ mỡ động mạch... Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh thường nhẹ như mất ngủ, người mệt mỏi, vì thế ít bệnh nhân để ý điều trị bệnh. Thời gian sau, những người bị rối loạn tiền đình sẽ thấy mọi vật xung quanh nhưng sẽ có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn, nhất là vào buổi đêm về sáng.

Hội chứng rối loạn tiền đình nếu không điều trị tích cực sẽ kéo dài, tái diễn liên tục, để lại những di chứng mất thăng bằng, lảo đảo, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, suy yếu mệt mỏi một thời gian, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.

Lời khuyên của thầy thuốc

Người bệnh RLTĐ cần cảnh giác với các triệu chứng như: cơn nhức đầu bất thình lình, mờ mắt, giảm thính giác, nói khó khăn, tay chân run rẩy, lảo đảo muốn ngã, đau ngực hoặc nhịp tim nhanh chậm bất thường... thì phải đi khám ngay, rất có thể đó là dấu hiệu các bệnh nặng như tai biến mạch não, u não...

Mời độc giả đón đọc phần 2:"Cách tập chữa rối loạn tiền đìnhvào lúc 8h ngày 18/8/2015

BS. Hoàng Yến

 

 


Ý kiến của bạn