Rối loạn thần kinh thực vật - nguyên nhân vì đâu?

31-12-2020 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Rối loạn thần kinh thực vật rất dễ nhầm với các bệnh lý khác, đôi khi triệu chứng xuất hiện ngắn rồi tự hết như “giả vờ” dẫn đến việc chẩn đoán khó khăn, điều trị không hiệu quả.

Khi trung tâm chỉ huy nhịp tim, tiêu hóa, tuần hoàn “nhiễu loạn”

Bạn có bao giờ thắc mắc, vì sao khi chúng ta chìm trong giấc ngủ say thì nhịp tim vẫn đập đều đặn, phổi thở, dạ dày co bóp tiêu hóa, mồ hôi vẫn tiết ra...?

Đó là nhờ hệ thần kinh thực vật - hệ thần kinh có vai trò cực kỳ quan trọng cho hoạt động của cơ thể, có khi còn là yếu tố quyết định thể trạng và sức khỏe một cá thể. Đây là cơ chế tuyệt vời của tạo hóa để cơ thể sống hoạt động hoàn hảo nhất mà tiết kiệm được năng lượng trong khi vẫn thực hiện đầy đủ chức năng hiệu quả gấp vạn lần những máy móc vi tính hiện có.

Theo BS.CK2 Trần Trung Thành - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sở dĩ được gọi là hệ thần kinh thực vật, thần kinh tự động (tự chủ) vì nó hoạt động độc lập với sự chỉ huy theo ý muốn của chúng ta. Chức năng của nó như trung tâm chỉ huy, kiểm soát hoạt động vô thức, điều chỉnh các hoạt động của cơ quan nội tạng cơ thể như nhịp tim, hô hấp, tiêu hóa, tiểu tiện và kích thích tình dục…

Sơ đồ cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh thực vật

Hệ thần kinh thực vật gồm thần kinh giao cảm và thần kinh phó giao cảm, có tác động đối ngược nhau để kiểm soát sự cân bằng hoạt động của các cơ quan. Trong một cơ thể khỏe mạnh và thể lực lẫn tinh thần, thần kinh giao cảm và phó giao cảm hoạt động cân bằng “bên tung, bên hứng” để các cơ quan hoạt động điều hòa, tạo phản ứng nhanh nhạy, chính xác với những tác động bên ngoài và phản ứng bên trong cơ thể.

Chẳng hạn như bạn đang ở trong nhà ấm nhưng ra ngoài trời lạnh, thần kinh giao cảm sẽ nhanh chóng kích thích để mạch máu ngoại vi co lại, nhịp tim, huyết áp tăng lên giúp cơ thể chịu được cái lạnh đột ngột. Hoặc khi bạn được mời bữa tiệc no nê, hệ phó giao cảm phải “tăng ca” tiết dịch, co bóp hệ tiêu hóa nhiều hơn để tránh quá tải.

Điều này có nghĩa là, nếu phản xạ tăng - giảm được kiểm soát tốt, sau khi giải quyết xong “sự cố”, nó tự động trở lại nhịp độ thăng bằng giữa thần kinh giao cảm và phó giao cảm, cơ thể yên ổn. Nhưng không phải lúc nào cũng “trơn tru” như vậy, do một nguyên nhân nào đó tác động khiến khả năng đáp ứng của thần kinh giao cảm hoặc phó giao cảm bị mất hoặc giảm đi, hoặc ngược lại phản ứng quá mức cần thiết dẫn đến sự mất cân bằng. Kết quả là rối loạn điều tiết một cơ quan nào đó.

Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như “giả vờ”

Theo BS.CK2 Trần Trung Thành, mọi chuyện “rắc rối” dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật do rất nhiều nguyên nhân, có thể do bệnh hoặc do tác dụng không mong muốn của một số thuốc điều trị. Trong đó có thể là do rối loạn có căn nguyên tâm lý, các bệnh lý liên quan đến tuổi tác, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, một số bệnh truyền nhiễm, bệnh lý di truyền, các bệnh tự miễn, một số bệnh ung thư (hội chứng cận ung thư), hoặc tổn thương dây thần kinh do phẫu thuật vùng cổ hoặc xạ trị là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật.

Rối loạn thần kinh thực vật có thể gặp ở bất kỳ ai, nhưng nguy cơ lớn nhất là ở những người có rối loạn tâm lý (stress, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, các rối loạn thần, suy nhược cơ thể kéo dài…); người mắc bệnh mạn tính như Parkinson, teo đa hệ thống…; người mắc các bệnh tự miễn, hội chứng Guillain Barré; người đang sử dụng các thuốc hướng thần kinh; người nghiện rượu. Đặc biệt, người bệnh đái tháo đường là yếu tố nguy có và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật, dần dần có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể.

Thứ nữa là những người ở độ tuổi chuyển tiếp: tuổi dậy thì, tuổi tiền mãn kinh, mãn dục khi cơ thể chưa kịp thay đổi “chế độ làm việc”, một vài bộ phận đã về hưu trong khi các cơ quan khác vẫn đương chức nên tổng thể mất đồng bộ.

Căng thẳng, hồi hộp, lo sợ… là những triệu chứng nhận biết rối loạn thần kinh thực vật (Ảnh minh họa)

Vấn đề của rối loạn thần kinh thực vật là triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, thậm chí, trên một số người các triệu chứng xuất hiện ngắn rồi tự hết như “giả vờ” nên người bệnh thường có xu hướng bỏ qua, không được chẩn đoán xác định đúng dẫn tới việc điều trị không hiệu quả.

BS.CK2 Trần Trung Thành cho biết: “Chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật thường thì không khó. Tình trạng này có thể là triệu chứng kèm theo các bệnh lý khác ví dụ đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh Parkinson…

Tuy nhiên, khi xuất hiện đơn độc, người bệnh có các triệu chứng thường rất mơ hồ như chóng mặt, mệt mỏi, căng thẳng; hồi hộp, lo sợ, đôi khi đưa đến trầm cảm nếu nặng; cảm giác khó thở, mất ngủ; có thể kèm theo rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô, hư móng, giảm hứng thú tình dục. Vì vậy, khi có các dấu hiệu này người bệnh cần đến bệnh viện, qua đó bác sĩ sẽ khám lâm sàng tỉ mỉ, kết hợp xét nghiệm máu và các test thần kinh thực vật để có chẩn đoán, điều trị cụ thể”.

“Chặn” hệ lụy rối loạn thần kinh thực vật

BS.CK2 Trần Trung Thành nhận định, rối loạn thần kinh thực vật ngày càng phổ biến. Mặc dù bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tác động rất lớn tới hoạt động sống hàng ngày, do đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hiện nay, việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật với các mục đích khác nhau bao gồm điều trị nguyên nhân gây bệnh và điều trị triệu chứng, làm giảm sự khó chịu cho người bệnh. Ví dụ bác sĩ có thể chỉ định các thuốc kiểm soát nhịp tim nhanh hay các thuốc chống trầm cảm nếu người bệnh có triệu chứng lo lắng nhiều. Điều trị đau bằng các thuốc giảm đau, giảm viêm, thuốc chống trầm cảm và chống động kinh. Điều trị hạ huyết áp tư thế có thể dùng fludrocortisone, tác dụng giữ nước và muối,…

Song song với việc dùng thuốc, người bệnh cần tạo tâm lý thoải mái, sắp xếp công việc - nghỉ ngơi hợp lý để cải thiện tình trạng rối loạn thần kinh thực vật (Ảnh minh họa)

“Rối loạn thần kinh thực vật không cần phải uống thuốc suốt đời mà người bệnh cần được tư vấn kỹ càng và cần sự tuân thủ theo sự hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Song song với việc sử dụng thuốc, điều quan trọng trong điều trị là nâng cao tinh thần, vì tình trạng lo lắng có thể làm tăng sự khó chịu, làm người bệnh cảm thấy bệnh nặng hơn. Do đó, người bệnh cần được tư vấn tâm lý thật tốt.” - BS Trần Trung Thành cho hay.

Để làm được điều này, trước tiên người bệnh cần có suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục và có lối sống lành mạnh. Không lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, trà đặc,... Đồng thời, không nên quá căng thẳng, cần biết cách thư giãn, kiểm soát căng thẳng và tâm trạng của bản thân. Sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Lưu ý, rối loạn thần kinh thực vật có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu nghi ngờ mình bị rối loạn thần kinh thực vật, cần đi gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và có phác đồ điều trị kịp thời.

Xem thêm >>> Cách chống lo âu, điều hòa thần kinh thực vật & không gây lệ thuộc thuốc hiệu quả


Ý kiến của bạn