Hà Nội

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ: Những biểu hiện nổi bật

15-07-2012 16:41 | Đời sống
google news

Rối loạn (RL) tăng động giảm chú ý là một trong những RL hay gặp nhất trong thực hành tâm thần ở trẻ em. Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng ở Hoa Kỳ thì khoảng 50% trẻ em đến khám tại chuyên khoa tâm thần được chẩn đoán RL này.

Rối loạn (RL) tăng động giảm chú ý là một trong những RL hay gặp nhất trong thực hành tâm thần ở trẻ em. Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng ở Hoa Kỳ thì khoảng 50% trẻ em đến khám tại chuyên khoa tâm thần được chẩn đoán RL này. Tuổi dễ nhận thấy nhất là từ 6-12 tuổi vì đây là tuổi học đường, điều kiện để cho mọi người như thầy cô giáo, cha mẹ thấy được sự không bình thường này cho dù RL có từ trước đó nhiều năm. RL này hay gặp nhiều ở trẻ trai hơn gái với tỷ lệ nam/nữ khoảng 4/1.

Cha mẹ cần quan tâm đến hành vi của con trẻ.
(Ảnh minh họa) 

RL tăng động giảm chú ý gồm có 2 nhóm triệu chứng nổi bật sau:

- RL tăng động: biểu hiện ngay từ lúc 3-4 tuổi, đó là những đứa trẻ mà cha mẹ chúng và người xung quanh nhận thấy chúng quá hiếu động so với trẻ bình thường khác. Chúng thường xuyên chạy nhảy vận động không ngừng, không biết mệt mỏi, chỉ trừ lúc ngủ có biểu hiện ngủ ít và khó ngủ hơn những trẻ khác. Chúng không thể ngồi yên được một chỗ. Nếu bắt ngồi thì chúng vặn vẹo, ngọ nguậy, đung đưa co duỗi chân tay không ngừng. Điều này rõ nhất khi trẻ ngồi trong lớp học trẻ không nghe cô giảng, trẻ hết quay bên nọ lại sang bên kia, tự nhiên lấy đồ của bạn, tự nhiên đứng lên, tự động bỏ chỗ không xin phép cô giáo, gây mất trật tự trong lớp. Khi cô giáo hỏi, trẻ thường trả lời ngay khi chưa nghe hết câu hoặc thường nói leo khi chưa đến lượt trả lời. Nếu càng bắt chúng ngồi yên chúng càng ngọ nguậy. Trẻ thường bị phạt nhưng dường như vẫn chứng nào tật nấy. Khi chơi với các bạn trẻ thường không bao giờ nhường nhịn và dễ dàng gây gổ đánh lộn nếu trái ý, trẻ không đủ kiên nhẫn chờ đợi tới lượt mình... nên trẻ thường được cho là học sinh cá biệt. Khi ở sân chơi, trẻ thường chạy nhảy leo trèo, trèo cây, trèo lên lan can đánh đu, trượt trên tay vịn cầu thang, bấp chấp nguy hiểm nên hậu quả này là hay bị bầm tím, gãy chân, gãy tay do ngã, do va đập, quần áo sộc sệch, nhàu rách. Khi đi trên đường phố, trẻ thường chạy lao qua đường không chú ý đến xe cộ cho nên dễ bị tai nạn giao thông. Khi ở công viên hay gần hồ ao, trẻ thường hay leo cây, chui vào bụi hoặc đuổi bắt bướm, chuồn chuồn gần mặt nước nên rất dễ ngã xuống nước có thể chết đuối. Những đứa trẻ này hình như không biết tuân thủ các nội quy quy định ở trường hay trong các trò chơi tập thể, trẻ dễ dàng tham gia vào các trò nguy hiểm mà không nghĩ đến hậu quả. Khi trẻ đến nhà người khác bất kể quen hay lạ, trẻ thường không ngại ngùng đi lăng xăng, sờ vật này lấy vật kia, như thể đi thám hiểm, bất chấp nguy hiểm như ngã, đổ vỡ, điện giật... làm cho bố mẹ và người lớn luôn phải nhắc nhở, canh chừng...

- RL chú ý: Trẻ thường không có khả năng tập trung chú ý vào bất cứ một công việc nào ở trường hay ở nhà khi cần phải kiên nhẫn một chút. Khi chơi cũng vậy trẻ thường không kiên trì, thường nhanh chán. Trẻ thường có vẻ như không nghe những lời dặn của thầy cô hay của bố mẹ, không để ý đến những quy định chung. Đối với công việc trẻ thường cẩu thả lơ là, làm qua loa đại khái, đi học thường quên không mang đồ dùng học tập hay mang thừa thứ này thiếu thứ kia, khi ra về thường quên ở lớp sách bút, quần áo và hay bị mất bút, vở, chữ viết thường xấu, nguệch ngoạc, viết không theo hàng lối, góc học tập hay đồ dùng của bản thân như quần áo, đồ chơi thường để bừa bãi, lộn xộn... Nếu bố mẹ kèm trẻ học thì trẻ không tập trung được lâu, hay quên, hay nhìn ra ngoài cửa sổ hay nhìn ra xung quanh, dễ phân tán tư tưởng khi có kích thích xung quanh hay ngọ nguậy cảm tưởng mọi thứ không vào đầu... nhiều thầy cô và phụ huynh phải kêu ca phàn nàn như đánh vật và mệt nhoài với trẻ.

Cha mẹ nên làm gì?

Trong thực tế hai hội chứng này thường kết hợp với nhau, hoặc một trong hai hội chứng chiếm ưu thế trong bệnh cảnh lâm sàng.

Người ta thường thấy khoảng 2/3 số trẻ được chẩn đoán RL tăng động giảm chú ý thường có kèm theo một rối loạn tâm thần khác như: các rối loạn về hạnh kiểm, các rối loạn chống đối với sự khiêu khích, các RL về học tập, các rối loạn lo âu, các RL cảm xúc.

Sự xuất hiện một RL tâm thần khác xảy ra cùng RL tăng động giảm chú ý thường làm cho RL này nói chung tiến triển xấu hơn. Ngược lại RL tăng động giảm chú ý có nguy cơ che giấu các RL khác như RL lo âu hay các RL cảm xúc như trầm cảm...

Hậu quả của RL tăng động giảm chú ý làm cho trẻ dễ bị bạn bè xa lánh, bị bỏ rơi, cô lập, kết quả học tập kém, bị lưu ban, bị thầy cô quở trách và liệt vào dạng học sinh cá biệt... điều này càng làm cho trẻ thiếu tự tin, cảm xúc không ổn định, lo âu, trầm cảm, chán học, bỏ học... hoặc một số trẻ có phản ứng trở nên cô độc, dễ giận dữ gây gổ, thách thức chống đối xung quanh, dễ sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện rượu ma túy khi lớn... Tóm lại, RL tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống xã hội, học tập, gia đình, nghề nghiệp của trẻ hiện tại và sau này. Vì thế, khi thấy trẻ có những biểu hiện của chứng RL này, cha mẹ nên đưa trẻ tới các chuyên khoa tâm thần của các bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị đúng hướng. Mặt khác, đối với những trẻ được xác định là RL tăng động giảm chú ý, gia đình và nhà trường cần hiểu rõ tâm lý của trẻ để có cách giáo dục và hướng dẫn trẻ thích hợp tránh gây áp lực không cần thiết, có thể dẫn tới tiến triển bệnh xấu hơn.

BS. Lê Đào Nghĩa

Ý kiến của bạn