Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn

27-12-2019 10:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trước nay chúng ta thường nghe nói về rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em. Thực tế, khoảng một nửa số trẻ được xác định mắc ADHD tiếp tục có các triệu chứng này ở tuổi trưởng thành.

Điều quan trọng là phải biết các dấu hiệu của ADHD ở tuổi trưởng thành, như thế người bệnh có thể được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Triệu chứng của ADHD ở người trưởng thành

ADHD ở người trưởng thành có thể dẫn đến: Tâm trạng lơ đãng, hay mơ màng. Khó tập trung. Dễ dàng chán nản, bỏ cuộc. Hay lo ngại. Phiền muộn. Lòng tự trọng thấp. Tính bốc đồng, dễ nổi nóng và khó kiểm soát cơn giận. Kỹ năng tổ chức kém, khó thực hiện các công việc mang tính chất tập thể. Thường bị muộn giờ, lỗi hẹn, không đảm bảo được về mặt thời gian. Hay quên đồ, mất đồ. Gặp nhiều vấn đề rắc rối trong các mối quan hệ. Gặp rắc rối trong giải quyết, thực hiện công việc. Tất cả những điều này có tác động lớn đến cuộc sống bình thường hàng ngày, trong công việc và đời sống xã hội.

Vấn đề ở trường

ADHD có thể gây ra một số vấn đề ở trường, chẳng hạn như: Gặp rắc rối liên tục; Không theo kịp bạn bè; Học đi học lại không qua nổi lớp; Bỏ học.

Vấn đề trong công việc

ADHD có thể khiến: Hiệu suất trong công việc kém; Thay đổi công việc liên tục; Không thành công trong công việc; Không hài lòng với công việc.

Những vấn đề trong cuộc sống

Người trưởng thành mắc ADHD dễ dẫn tới nghiện ngập như: nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu, lạm dụng ma túy, kèm theo đó là sự lo lắng, phiền muộn, trầm cảm, thậm chí gây ra những việc vi phạm pháp luật.

Vấn đề về mối quan hệ

Người mắc ADHD có thể gặp nhiều vấn đề trong hôn nhân, dễ dẫn tới ly hôn, ly thân, kết hôn nhiều lần. Đối với gia đình, người mắc ADHD cũng hay xảy ra mâu thuẫn, sống chia tách.

Chẩn đoán

ADHD ở tuổi trưởng thành cần phải được chẩn đoán càng sớm càng tốt và điều trị đúng cách để có thể có một cuộc sống bình thường nhất có thể. Tuy nhiên, chẩn đoán ADHD ở người trưởng thành không dễ dàng vì một số dấu hiệu và triệu chứng của ADHD như trầm cảm, lo lắng, kém tập trung, các vấn đề về mối quan hệ,... cũng có thể do các nguyên nhân khác. Phỏng vấn cá nhân các thông tin về lịch sử gia đình, lịch sử cá nhân, các mối quan hệ, công việc..., các bài kiểm tra tâm lý sẽ giúp bác sĩ đánh giá và chẩn đoán.

Cần chẩn đoán phân biệt với nhiều bất thường tâm thần - thần kinh khác.

Điều trị thế nào?

Thuốc

Thuốc thường được sử dụng để điều trị ADHD ở người trưởng thành là amphetamine hoặc methylphenidate. Những chất kích thích này hoạt động bằng cách điều chỉnh mức độ các chất dẫn truyền thần kinh khác nhau trong não.

Ngoài ra còn có thể kê đơn một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chống oxy hóa không kích thích,...

Vì mỗi cá nhân là duy nhất, nên việc điều trị cần phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh, người giám sát, chăm sóc và bác sĩ để xác định đúng loại thuốc và liều lượng cần thiết, phù hợp. Ngoài ra, phải chú ý tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng các loại thuốc điều trị ADHD.

Tư vấn tâm lý

Một khi được chẩn đoán mắc ADHD ở tuổi trưởng thành, điều rất quan trọng là được giáo dục về rối loạn này và học cách đối phó với nó. Chẳng hạn như: Cải thiện lòng tự trọng; Tìm hiểu làm thế nào để giảm sự bốc đồng; Học cách kiểm soát cơn giận tốt hơn; Học cách quản lý thời gian tốt hơn; Tìm hiểu làm thế nào để tổ chức tốt hơn mọi thứ; Học cách có mối quan hệ tốt hơn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...

Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Ngoài việc điều trị, một số mẹo sau đây có thể rất hữu ích với người mắc ADHD: Hãy lập danh sách những việc cần làm mỗi ngày. Sử dụng danh sách để kiểm tra và không làm quá nhiều việc trong một ngày. Viết ghi chú trên miếng dán để ghi nhớ những việc quan trọng cần làm mỗi ngày. Lập một cuốn sổ ghi các cuộc hẹn, những điều cần được ghi nhớ và luôn mang bên mình. Dành thời gian để sắp xếp thông tin quan trọng. Thiết lập thói quen trong công việc cũng như sinh hoạt để không bị nhầm lẫn hay quên. Sống khỏe mạnh bằng cách ăn uống tốt và hoạt động thể chất. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng như nghỉ ngơi. Tiếp nhận tất cả sự giúp đỡ cần thiết từ các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.


BS. Trịnh Hồng Minh
Ý kiến của bạn