Rối loạn tâm thần trong mùa dịch - Khi nào cần đưa đi khám?

05-06-2021 09:09 | Sức khỏe tâm hồn
google news

SKĐS - Đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến tâm lý con người khiến người ta dễ mắc các bệnh lý về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn. Đồng thời sống trong đại dịch cũng là rào cản gây chậm trễ điều trị.

Hậu quả có thể nặng nề ...

Theo GS. Cao Tiến Đức - Nguyên chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103: Trầm cảm, lo âu, rối loạn tress sau sang chấn là những bệnh lý tâm thần dễ mắc trong đại dịch COVID-19. Những bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra hậu quả nặng nề.

Một số trường hợp mắc các rối loạn trên có thể tự khỏi nhưng hầu hết sẽ tiến triển thành mạn tính, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe từng cá nhân của người đó và các mối quan hệ xung quanh. Hậu quả là: Cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến công việc, học tập, các mối quan hệ trong gia đình và xã hội...  Chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. Nguy hại hơn, đến một lúc nào đó sự căng thẳng đến giới hạn không chịu đựng được sẽ xuất hiện những hành vi tiêu cực như tự sát. Không những người bị bệnh tự sát mà nguy hiểm hơn gây ra yếu tố tự sát mở rộng, trước khi tự sát muốn giết cả người thân như mẹ hoặc con bởi tâm lý lo sợ  khi mình chết không ai chăm mẹ, trông con… thường gặp ở những người bị trầm cảm.

GS. TS. BS Cao Tiến Đức - Nguyên chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103. 

Những rào cản...

Bản thân khi bị bệnh, người bệnh rất khó nhận thức được các vấn đề về tâm thần của mình, do đó người nhà, người thân cần phải để ý phát hiện, đưa bệnh nhân đi khám kịp thời để tránh những hậu quả nặng nề có thể xảy ra.

Không chỉ trong đại dịch COVID-19, mà bình thường bệnh lý tâm thần cũng rất đáng quan ngại. Bằng kinh nghiệm nhiều năm khám chữa bệnh, BS. Đức nhận thấy: Các bệnh lý tâm thần khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn, việc chữa trị khó khăn, kéo dài. Bởi, bản thân người bệnh không nhận thức được mình có vấn đề, bị mắc bệnh lý tâm thần. Thêm nữa là những người thân của người bệnh không chấp nhận người thân mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần, ngay cả những bệnh lý rất nhẹ có thể chữa được nhưng người nhà và bệnh nhân không chấp nhận điều trị.

Cùng với sự kỳ thị của xã hội với người bệnh tâm thần khiến người ta e ngại, sợ hãi không dám đi khám càng làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra trong đại dịch càng có nhiều yếu tố khiến người ta lo sợ hơn, đến bệnh viện thì sợ có thể lây COVID-19, những người ở vùng dịch thì viện cớ ở vùng dịch không đi khám được... Tất cả những yếu tố này là rào cản cho việc phát hiện, khám, điều trị bệnh lý tâm thần trong đại dịch.

Sự kỳ thị của xã hội với người bệnh tâm thần là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Phát hiện thế nào và khi nào cần đưa đi khám?

Theo GS. Cao Tiến Đức, bệnh lý tâm thần có thể khởi đầu bằng các triệu chứng tâm thần như buồn chán, mệt mỏi, lo sợ, hoang tưởng ảo giác, kích động hoặc có hành vi nguy hiểm như tự sát hoặc tấn công người xung quanh. Nhiều trường hợp, bệnh lý tâm thần lại bắt đầu bằng các triệu chứng cơ thể như: Đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, huyết áp, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đau vai gáy, cơ, xương khớp… Nếu người bệnh sau khi đi khám các chuyên khoa không phát hiện bệnh lý cơ thể thì cần được thăm khám về sức khỏe tâm thần.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn