1. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là gì?
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng nặng nhất của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), được phân biệt bằng những thay đổi tâm trạng và các triệu chứng thể chất. Giống như hội chứng tiền kinh nguyệt, các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường xuất hiện sau khi rụng trứng. Các triệu chứng này sẽ thuyên giảm ngay sau khi kinh nguyệt xuất hiện.
- 1. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là gì?
- 2. Nguyên nhân của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
- 3. Các biện pháp điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
- 4. Phân biệt giữa hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
- 5. So sánh các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
- 6. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có phải là một vấn đề sức khỏe tâm thần?
- 7. Thuốc điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Một số triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt tương tự như của hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm các triệu chứng thể chất như đầy hơi và căng ngực.
Tuy nhiên, các triệu chứng cảm xúc của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt giống với chứng trầm cảm nặng, bao gồm: Mệt mỏi, vô vọng, có ý định tự tử, không quan tâm đến các hoạt động hàng ngày, mất ngủ, cũng như lo lắng, tức giận và cáu kỉnh.
Những tâm trạng cực đoan này có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người phụ nữ.
2. Nguyên nhân của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Mặc dù nguyên nhân chưa được hiểu rõ ràng, nhưng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có thể liên quan đến sự dao động nội tiết tố xảy ra giữa ngày rụng trứng và ngày hành kinh. Thực tế rối loạn này gây ra những thay đổi tâm trạng nghiêm trọng không khác trầm cảm. Tiền sử và khám sức khỏe cẩn thận có thể giúp loại trừ các nguyên nhân có thể khác.
3. Các biện pháp điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Mặc dù không có cách chữa khỏi, nhưng các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có thể được kiểm soát, cho phép những người mắc bệnh có cuộc sống bình thường hơn.
Một số loại thuốc đã được phê duyệt để sử dụng trong điều trị, bao gồm một số thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen cho chứng chuột rút và thuốc lợi tiểu thường được kê đơn để giảm giữ nước.
Thay đổi chế độ ăn uống, chế độ tập thể dục và kỹ năng thư giãn cũng là những liệu pháp hữu ích. Nhiều phụ nữ được hưởng lợi từ việc bổ sung dinh dưỡng như canxi, magiê và vitamin B6.
4. Phân biệt giữa hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt là một tình trạng tương đối phổ biến. 3/4 phụ nữ có kinh nguyệt báo cáo một số triệu chứng về thể chất và / hoặc cảm xúc trong những ngày trước khi hành kinh. Những triệu chứng này có thể là về thể chất, như chuột rút, đầy hơi, căng tức vú, nhức đầu, thèm ăn và rối loạn giấc ngủ. Phụ nữ cũng có thể gặp một số triệu chứng tâm lý, bao gồm thay đổi tâm trạng, lo lắng, buồn bã, cáu kỉnh và khó tập trung.
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt ít phổ biến hơn, chỉ khoảng 5% phụ nữ hành kinh cho biết tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều. Hội chứng này được phân loại là một rối loạn tâm thần tương tự như trầm cảm nặng. Một số bác sĩ và nhà nghiên cứu cho rằng những thay đổi nội tiết tố trong 2 tuần trước khi có kinh nguyệt làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn tâm trạng vốn đã có, dẫn đến rối loạn này.
5. So sánh các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Mặc dù có một số điểm tương đồng, nhưng các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn nhiều, và ở một số phụ nữ giống với các triệu chứng của trầm cảm.
Chẩn đoán được thực hiện dựa trên số lượng các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, cũng như thời gian liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Khám sức khỏe được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng và kiểm tra tâm lý được thực hiện để loại trừ sự tồn tại của các rối loạn tâm thần khác.
Các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường gây suy nhược, ảnh hưởng đến thói quen hàng ngày và các mối quan hệ với gia đình và bạn bè. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi rõ rệt, không quan tâm đến các hoạt động thú vị trước đây, cảm giác vô vọng, khóc tự phát, ý định tự tử, lo lắng nghiêm trọng, cáu kỉnh, khó tập trung, khó ngủ, thèm ăn và các triệu chứng thể chất như chuột rút, đầy hơi và căng ngực. Các triệu chứng xuất hiện khoảng 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt và cải thiện ngay sau khi bắt đầu có kinh.
6. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có phải là một vấn đề sức khỏe tâm thần?
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường được định nghĩa là một rối loạn nội tiết, có nghĩa là nó là một rối loạn liên quan đến hormone. Nhưng cũng như các triệu chứng về thể chất, những người bị hội chứng này cũng trải qua một loạt các triệu chứng sức khỏe tâm thần khác nhau như trầm cảm, cảm giác lo lắng thậm chí muốn tự tử.
Vì những lý do này, nó được liệt kê là một vấn đề sức khỏe tâm thần trong DSM-5, một trong những hướng dẫn chính mà các bác sĩ sử dụng để phân loại và chẩn đoán các vấn đề sức khỏe tâm thần.
7. Thuốc điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Mục tiêu của điều trị là làm giảm các triệu chứng và khôi phục tâm trạng bình thường trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Một số loại thuốc được phê duyệt đặc biệt để điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm như fluoxetine, sertraline và paroxetine... Những loại thuốc này có thể được dùng liên tục trong tháng hoặc chỉ vào 10 đến 14 ngày trước mỗi kỳ kinh.
- Thuốc tránh thai, đặc biệt là sự kết hợp của progesterone và estrogen, có thể có hiệu quả để kiểm soát tác động của rụng trứng đối với các triệu chứng.
- Các chất bổ sung canxi cacbonat và vitamin B 6 đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện các triệu chứng.
- Thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen thường được sử dụng để giảm chuột rút, trong khi thuốc lợi tiểu được sử dụng để chống lại tình trạng giữ nước.
Lưu ý, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng thuốc nhằm tìm ra loại thuốc an toàn, phù hợp với cơ thể. Tập thể dục thường xuyên có thể có tác động tích cực đến các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.
Thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể hữu ích, bao gồm loại bỏ hoặc cắt giảm caffeine và rượu trong khi tăng khẩu phần chất xơ và carbohydrate. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Mời độc giả xem thêm video:
WHO giải đáp về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi