Rối loạn nhịp tim, chủ quan không tái khám khiến suýt tử vong

30-04-2021 14:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rối loạn nhịp tim là tình trạng nguy hiểm gây nên các dấu hiệu mệt mỏi, thậm chí ngất xỉu, ngừng tim khiến người bệnh tử vong.

Những người có tiền sử bệnh tim mạch cần được kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Khi có dấu hiệu bất thường, cần đền khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà vì có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, thậm chí có thể tử vong do điều trị không kịp thời.

Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu-Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, bệnh nhân T.T.T. (57 tuổi, trú tại Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng, khó thở, hồi hộp, đau ngực, tim đập nhanh, mệt mỏi.

Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử bị rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh kịch phát cách đây 2 năm và đã được điều trị ngoại trú, thời gian gần đây không sử dụng thuốc đều, không đi kiểm tra, khi có các biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực.

Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Rối loạn nhịp tim/cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất. Sau khi được xử trí kịp thời, bệnh nhân tạm ổn định và chuyển tuyến Trung ương điều trị.

Theo các bác sĩ, rối loạn nhịp tim là tình trạng nguy hiểm gây nên các dấu hiệu mệt mỏi thậm chí ngất xỉu, ngừng tim khiến người bệnh tử vong. Do vậy, cần có các biện pháp phòng tránh, trang bị kiến thức nhận biết cũng như xử trí kịp thời để giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe.

Những người có tiền sử bệnh tim mạch cần được kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ

Rất nhiều người đã từng hoặc đang gặp phải tình trạng rối loạn nhịp tim, với nhiều dạng khác nhau như nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm. Trong đó, có những trường hợp bệnh lý, với các vấn đề phát sinh phức tạp như tim đập nhanh huyết áp thấp, nhịp tim chậm huyết áp thấp…

Qua trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ khuyến cáo: Nếu nghi ngờ bị rối loạn nhịp tim, cảm giác nhịp tim nhanh, hồi hộp đánh trống ngực người bệnh cần được thăm khám tại chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Để phòng tránh rối loạn nhịp tim, cần duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống điều độ, tránh sử dụng rượu bia, tập thể dục thường xuyên. Những người có tiền sử bệnh tim mạch cần được kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Khi có dấu hiệu bất thường, cần đền khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà vì có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, thậm chí có thể tử vong do điều trị không kịp thời, không đúng cách nên không đạt hiệu quả.

Nguyên nhân gây loạn nhịp tim

Theo PGS.TS Tạ Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai; Ở người trưởng thành, nhịp đập của tim bình thường sẽ nằm trong khoảng 60-100 lần/phút lúc nghỉ ngơi. Nếu có một tác động nào đó khiến trái tim đập bất thường: quá nhanh, quá chậm, hoặc lúc nhanh lúc chậm, hay bỏ nhịp sẽ gọi là rối loạn nhịp tim. Trong cuộc sống hằng ngày, rối loạn nhịp có thể xuất hiện khi bạn có rối loạn tâm lý, căng thẳng, stress, lao động gắng sức hay sử dụng một số chất kích thích như uống rượu, chè, coffee, hút thuốc lá…

Bên cạnh đó, các bệnh lý tim mạch như : thiếu máu cơ tim, các bệnh lý van tim, viêm cơ tim, các bệnh tim bẩm sinh… cũng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung động trong tim và gây rối loạn nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim còn có thể gặp ở một số bệnh lý hoặc nguyên nhân khác nhau như: tăng huyết áp, rối loạn mở máu, đái tháo đường, béo phì, cường giáp, thiếu máu, rối loạn cân bằng toan kiềm – điện giải, do thuốc, thậm chí là các thuốc chống loạn nhịp tim. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không xác định được nguyên nhân rõ ràng.

Cần làm gì khi bị rối loạn nhịp tim?
Ngoài việc đến khám và tư vấn hay điều trị trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau đây:

Thực hiện thay đổi một số thói quen trong lối sống, điều này sẽ giúp cải thiện được tình trạng rối loạn nhịp tim như: nên ăn các loại thực phẩm tốt cho tim: rau xanh, cá, hạn chế mỡ động vật và cholesterol...; tăng cường hoạt động thể chất; bỏ hút thuốc lá; hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đặc...; giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống.

Ngoài ra, khi đã có chỉ định thì cần tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.



Hùng Anh
Ý kiến của bạn