Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa trầm cảm và bệnh Parkinson, nhưng chưa để ý xem liệu có mối liên kết giữa rối loạn lưỡng cực và bệnh Parkinson hay không.
Tuy nhiên, gần đây, tác giả nghiên cứu chính Mu-Hong Chen, Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc tại Đài Loan và đồng nghiệp - đã quyết định điều tra về mối liên hệ này. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Thần kinh học…
Ở người mắc bệnh Parkinson, các tế bào thần kinh ở một số bộ phận của não dần dần chết đi, dẫn đến các triệu chứng bao gồm run, cứng, di chuyển chậm và khó khăn trong việc giữ thăng bằng, nuốt và nói. Những người mắc bệnh Parkinson thường dùng thuốc levodopa để giúp làm chậm quá trình thoái hóa não.
Chen và các đồng nghiệp đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe của 56.340 người bị chẩn đoán rối loạn lưỡng cực ở Đài Loan. Tất cả đã nhận được chẩn đoán của họ vào năm 2001-2009. Các nhà nghiên cứu đã so sánh những dữ liệu này với hồ sơ sức khỏe của 225.360 người ở Đài Loan mà không có chẩn đoán về rối loạn lưỡng cực hoặc bệnh Parkinson.
Các nhà khoa học đã theo dõi cả hai nhóm cho đến năm 2011. Sau khi phân tích dữ liệu, họ phát hiện ra rằng 0,7% số người mắc chứng rối loạn lưỡng cực đã phát triển bệnh Parkinson trong suốt nghiên cứu và chỉ có 0,1% nhóm đối chứng phát triển nó. Những người tham gia được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực khi bắt đầu nghiên cứu có khả năng mắc bệnh Parkinson cao hơn gần bảy lần so với những người không bị rối loạn lưỡng cực.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy một số khác biệt giữa người bị rối loạn lưỡng cực phát triển bệnh Parkinson và những người bệnh không bị rối loạn lưỡng cực bị Parkinson. Đó là, những người có rối loạn lưỡng cực phát triển Parkinson ở độ tuổi trẻ hơn (trung bình là 64) so với những người không có rối loạn lưỡng cực (trung bình là 73 tuổi); dường như mức độ nghiêm trọng của rối loạn lưỡng cực cũng ảnh hưởng đến mức độ rủi ro mắc Parkinson. Những người phải đến bệnh viện do rối loạn lưỡng cực thường có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao nhất ở giai đoạn sau trong cuộc đời. Cụ thể, những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực phải nhập viện từ 1-2 lần/năm có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao gấp 4 lần so với những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực nhập viện 1 lần hoặc ít hơn /năm. Với những người phải nhập viện hơn 2 lần/năm, có khả năng mắc bệnh Parkinson cao gấp 6 lần so với những người nhập viện ít hơn 1 lần/năm vì chứng rối loạn lưỡng cực.
Tuy nhiên, có một số hạn chế chính của nghiên cứu này. Một là, đối tượng nghiên cứu là những người đang được chăm sóc y tế, còn rất nhiều người bị chứng này mà không có sự chăm sóc y tế; hai là, cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe sử dụng để nghiên cứu không bao gồm các thông tin về tiền sử gia đình, các yếu tố môi trường… có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển bệnh Parkinson của người tham gia.
Chen nói rằng cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định liệu bệnh rối loạn lưỡng cực và Parkinson có cơ thế nào giống nhau, có thể giúp giải thích mối liên hệ này được không. Ông giải thích: "Những cơ chế này có thể bao gồm các thay đổi trong gene, các quá trình gây viêm, hoặc vấn đề với sự trao đổi tín hiệu giữa các tế bào não. Nếu chúng ta có thể xác định nguyên nhân gốc rễ của mối liên hệ này, chúng ta có thể phát triển các phương pháp chữa được cả hai bệnh."