Hà Nội

Rối loạn lo âu hậu COVID ở trẻ – Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí

PGS.TS. Bùi Quang Huy

PGS.TS. Bùi Quang Huy

Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện quân y 103

10-07-2022 08:54 | Sức khỏe tâm hồn

SKĐS - Sau khi khỏi COVID-19, trẻ em vẫn có thể còn nhiều rối loạn tâm thần như mất ngủ, lo âu và trầm cảm, trong đó lo âu là phổ biến nhất. Việc phát hiện và xử trí đúng sẽ giúp trẻ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của dân số trên toàn thế giới, cả người lớn và trẻ em.

Trẻ em được tiêm vaccine phòng COVID-19 muộn hơn nhiều so với người lớn nên số trẻ bị nhiễm COVID-19 cũng không ít.

Những trẻ bị rối loạn lo âu sau khi nhiễm COVID-19 được gọi là "lo âu hậu COVID".

Lo âu được coi là một trong những triệu chứng kéo dài hơn của hội chứng Post-COVID (PCS).

Rối loạn lo âu hậu COVID ở trẻ  – nguyên nhân và các triệu chứng - Ảnh 2.

20% trẻ nhiễm COVID bị rối loạn lo âu sau khi khỏi bệnh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy từ 20% số trẻ em nhiễm COVID -19 bị rối loạn lo âu sau khi khỏi bệnh, đặc biệt là các bé gái.

Trẻ mới nhiễm (trong vòng 1 tháng) có tỷ lệ lo âu cao hơn trẻ đã nhiễm COVID trên 3 tháng.

Lo âu hậu COVID có các triệu chứng rất đa dạng và phong phú nên ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng học tập, các mối quan hệ gia đình và xã hội của trẻ.

1. Nguyên nhân gây rối loạn lo âu hậu COVID ở trẻ

Không có một nguyên nhân duy nhất nào gây ra lo âu sau khi khỏi COVID-19. Người ta nhận thấy một số yếu tố hay gặp sau:

  • Trẻ đã bị rối loạn lo âu trước khi mắc COVID-19, giờ bệnh tái phát hoặc nặng lên rõ ràng.
  • Trẻ bị cách ly xã hội để chống lây nhiễm trong thời gian mắc bệnh.
  • Trẻ không được đến trường, không được gặp bạn bè, thầy cô, không được vui chơi trong môi trường tự nhiên của chúng.
  • Học online cũng góp phần gây tăng lo âu ở trẻ do nhiều yếu tố như trang thiết bị máy tính, đường truyền không tốt, trẻ chóng mệt mỏi, khó hiểu bài hơn khi học trực tiếp.
  • Trẻ phải nằm viện dài ngày để điều trị bệnh.
  • Sự kỳ thị của những người xung quanh về việc bệnh nhân có virus.
  • Sợ lây truyền bệnh cho người khác.
  • Không chắc chắn có khỏi COVID-19.

Các triệu chứng COVID-19 của bệnh nhân càng tồi tệ, thì rối loạn lo âu sau COVID-19 càng nặng.

Rối loạn lo âu hậu COVID ở trẻ  – nguyên nhân và các triệu chứng - Ảnh 3.

Mệt mỏi - triệu chứng thường gặp của rối loạn lo âu hậu COVID ở trẻ. (Ảnh minh họa).

2. Các triệu chứng thường gặp của lo âu hậu COVID ở trẻ

Các triệu chứng của lo âu sau COVID bao gồm:

  • Luôn cảm thấy lo lắng và căng thẳng quá mức mà không thể kiểm soát;
  • Lo lắng và căng thẳng xuất hiện cả ngày, chỉ trừ lúc ngủ;
  • Luôn hồi hộp, tim đập nhanh, đỏ mặt, vã mồ hôi, đầy bụng, đái rắt; Run tay, đau mỏi cơ;
  • Dễ mệt mỏi khi phải gắng sức;
  • Khó tập trung chú ý, khó ghi nhớ;
  • Bồn chồn, đứng ngồi không yên;
  • Dễ cáu kỉnh;
  • Kết quả học tập giảm sút;
  • Ngại tiếp xúc với người khác;
  • Tự ti;
  • Sợ đám đông;
  • Không tin tưởng vào người khác;
  • Bắt buộc rửa tay nhiều lần;
  • Sợ phải ra khỏi nhà của mình;
  • Ám ảnh sợ bẩn;
  • Xa lánh những người yêu thương của trẻ.

Các triệu chứng này tồn tại hầu như hàng ngày, trong nhiều tuần, khiến trẻ thay đổi rất rõ ràng về tính cách.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có đủ các triệu chứng nêu trên. Người ta cho rằng chỉ cần trẻ có từ 4 triệu chứng nói trên trở lên đã đủ chẩn đoán là lo âu hậu COVID.

Rối loạn lo âu hậu COVID ở trẻ  – nguyên nhân và các triệu chứng - Ảnh 4.

Các bài tập thở giúp cải thiện triệu chứng lo âu hậu COVID ở trẻ. (Ảnh minh họa).


3. Rối loạn lo âu hậu COVID thường kéo dài bao lâu?

Các triệu chứng lo âu có thể kéo dài trong vài tháng sau khi khỏi COVID-19.

Một nghiên cứu năm 2021, có tới 25% bệnh nhân có triệu chứng lo âu kéo dài ít nhất 3 tháng sau khi khỏi COVID-19.

Mối liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 với lo âu mạnh hơn ở những người bị nhiễm gần đây (dưới 30 ngày) so với nhiễm xa hơn (trên 120 ngày).

Một nghiên cứu khác vào năm 2021 ghi nhận rằng các triệu chứng lo âu vẫn còn xuất hiện sau 7 tháng từ khi khỏi COVID-19.

Các triệu chứng lo âu có thể xấu đi theo thời gian, đó là lý do tại sao bệnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt.

4. Điều trị rối loạn lo âu hậu COVID ở trẻ

4.1. Liệu pháp tâm lý

+ Lo âu liên quan đến COVID-19 có nhiều ảnh hưởng hơn đến những trẻ ít kỹ năng đối phó với những hoàn cảnh khó khăn.

+ Liệu pháp nhận thức – hành vi cho phép trẻ phát triển các chiến lược để thiết lập lại các mối quan hệ và tăng khả năng chịu đựng của trẻ.

+ Nên thực hiện liệu pháp này hai lần một tuần và kết hợp với các bài tập thở sâu – sẽ giúp cải thiện các triệu chứng lo âu.

4.2. Liệu pháp hóa dược

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống lo âu trong một thời gian ngắn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nghỉ hè: Trẻ ăn gì đảm bảo sức khỏe và phòng bệnh mùa hè?


PGS. TS. Bùi Quang Huy
Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103
Ý kiến của bạn