Rối loạn lo âu bệnh tật đó là khi có thể bạn hoàn toàn chẳng có triệu chứng gì hết, cũng có thể bạn cho rằng một cảm giác bình thường hoặc một triệu chứng nào đó rất nhỏ là dấu hiệu của một bệnh hiểm nghèo, cho dù các bác sĩ đã khám bệnh rất kỹ và kết luận rằng chẳng có gì nghiêm trọng.
Dấu hiệu của rối loạn lo âu bệnh tật
Có nhiều bạn than phiền rằng lúc nào mình cũng lo lắng, sợ hết bệnh này đến bệnh kia, sợ ung thư, sợ u não, sợ đột quỵ. Chỉ đau bụng nhẹ là sợ, hoặc chỉ nổi một vết ngứa nhỏ trên da cũng sợ. Đặc biệt lên google đọc xong lại càng sợ.
Đi khám thì bình thường không ra bệnh, nhưng về nhà yên tâm được vài ngày là lại sợ tiếp, sợ hay là bác sĩ bỏ sót bệnh của mình, hay có phương pháp nào hiện đại hơn để tìm ra bệnh mà mình chưa thử…
Tất cả những dấu hiệu đó có thể bạn mắc rối loạn nghi bệnh đó. Trong chuyên ngành tâm thần gặp rất nhiều, và điều trị không hề khó, thường hiệu quả điều trị rất tốt. Chỉ có điều gây khó khăn đó là bạn đi khám quá nhiều nơi ở các chuyên khoa khác nhau: tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu…mà không đến đúng chuyên khoa tâm thần thì sẽ không thể điều trị hiệu quả được.
Triệu chứng chính xác định rối loạn lo âu bệnh tật
Triệu chứng của rối loạn lo âu bệnh tật thường liên quan đến việc bạn bận tâm quá mức rằng mình đang mắc một bệnh gì đó nghiêm trọng, cho dù chỉ dựa vào những cảm giác bình thường của cơ thể (như tiếng sôi bụng), hoặc những dấu hiệu rất nhỏ (như chỉ là một chấm nhỏ trên da). Các triệu chứng gồm:
- Bận tâm rằng mình đang mắc một tình trạng bệnh tật nào đó rất trầm trọng.
- Lo lắng rằng những triệu chứng rất nhỏ, hoặc những cảm giác cơ thể có nghĩa là bạn đang mặc bệnh rất nặng.
- Dễ cảnh giác với mọi vấn đề sức khỏe.
- Không tin tưởng sau mỗi lần khám bác sĩ hoặc khi làm xét nghiệm không ra bệnh.
- Lo lắng quá mức về một bệnh nào đó hoặc cho rằng mình có nguy cơ cao bị bệnh đó vì bệnh đó di truyền trong gia đình.
- Căng thẳng quá nhiều về những bệnh tật có thể mắc làm cho bạn giảm năng suất làm việc.
- Kiểm tra đi kiểm tra lại các dấu hiệu bệnh tật trên cơ thể của bạn.
- Thường xuyên đi khám quá mức để cảm thấy an tâm, hoặc ngược lại có trường hợp tránh không đi khám vì sợ phát hiện ra mình bệnh nặng.
- Tránh mọi người, địa điểm, những hoạt động mà cho rằng có nguy cơ về sức khỏe.
- Nói quá nhiều về tình trạng sức khỏe của mình hoặc những bệnh có thể mắc.
- Thường xuyên đọc trên internet về nguyên nhân của các triệu chứng hoặc những bệnh có thể mắc.
Khi nào cần đi khám?
Đúng là các triệu chứng có thể liên quan đến bệnh lý về cơ thể thật, nên bạn cần đến khám tại bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nếu bác sĩ cho rằng các triệu chứng là do rối loạn lo âu bệnh tật, bạn sẽ được chuyển đến một bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Nguyên nhân chính xác của rối loạn lo âu bệnh tật chưa được biết rõ, tuy nhiên những yếu tố sau có thể đóng vai trò:
- Niềm tin: Bạn đã từng trải qua một gia đoạn không chắc chắn, không thoải mái về các triệu chứng của cơ thể. Dẫn đến bạn gán ghép tất cả những cảm giác của cơ thể đều là nghiêm trọng, bạn tìm kiếm bằng chứng để khẳng định rằng bạn đang có một bệnh nghiêm trọng.
- Gia đình: Bạn có nguy cơ mắc rối loạn lo âu bệnh tật cao hơn nếu cha mẹ bạn hay lo lắng quá mức về sức khỏe của họ và con cái.
- Những trải nghiệm: Bạn có thể mắc một bệnh nào đó nghiêm trọng khi còn bé, do đó những cảm giác của cơ thể hiện nay lại khiến bạn sợ.
Yếu tố nguy cơ của rối loạn lo âu bệnh tật
Rối loạn lo âu bệnh tật thông thường bắt đầu ở giai đoạn sớm trưởng thành hoặc trung niên, có thể nặng lên khi về già. Đối với người già, rối loạn lo âu bệnh tật thường là sợ bị mất trí nhớ.
Những yếu tố nguy cơ thường gồm:
- Có thời gian có những áp lực trong cuộc sống.
- Có lần tưởng như bị mắc bệnh gì đó rất trầm trọng nhưng sau đó bác sĩ kết luận không phải.
- Có tiền sử bị lạm dụng ở trẻ em.
- Hồi trẻ em có mắc bệnh nghiêm trọng hoặc cha mẹ có bệnh nghiêm trọng.
- Nhân cách, chẳng hạn như có xu hướng hay lo lắng.
- Sử dụng internet liên quan đến chủ đề sức khỏe quá nhiều.
Hệ lụy của chứng rối loạn lo âu bệnh tật
Những biến chứng liên quan tới rối loạn lo âu bệnh tật gồm:
- Gây ảnh hưởng đến những mối quan hệ với các người thân trong gia đình, vì việc lo lắng quá nhiều khiến các thành viên khác không thoải mái.
- Giảm năng suất lao động do lo lắng quá nhiều hoặc phải thường xuyên xin nghỉ làm.
- Ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, có thể mất khả năng làm việc.
- Ảnh hưởng đến tài chính do đi khám quá nhiều lần.
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội