Hà Nội

Rối loạn lo âu “ăn mòn” cuộc sống của bạn

05-04-2021 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Lo âu, lo lắng là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên khi đã lo lắng quá mức, dẫn đến bệnh lý rối loạn lo âu thì cuộc sống của chúng ta sẽ dần bị ăn mòn. BS Nguyễn Quang Vy - Chuyên khoa Thần kinh, BV Đa khoa Medic Bình Dương chỉ ra thế nào là lo âu bệnh lý để mọi người khám, chữa bệnh kịp thời.

Mọi người hay nói “ai không biết lo xa ắt phải buồn gần” nên những người thường hay lo xa, lo đủ thứ thường coi đây là chuyện bình thường. Tình trạng lo lắng như vậy khi nào là bình thường, khi nào là bệnh lý?

BS Nguyễn Quang Vy:

Câu nói “ai không biết lo xa ắt phải buồn gần” được dịch từ câu: “nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu”. Đây là những kinh nghiệm được đúc kết của cha ông ta từ cuộc sống và được coi đó là điều bình thường. Nhưng với y học, ngoài những lo lắng bình thường như vậy, không ít lo lắng thuộc về bệnh lý mà chúng ta cần phải nhận biết.

Trong cuộc sống, khi đứng trước những khó khăn, trở ngại hoặc đối đầu với những mối đe dọa vô hình hay hữu hình từ tự nhiên, từ xã hội, chúng ta nỗ lực tìm biện pháp khắc phục để vượt qua chúng, đó là phản ứng lo âu tự nhiên của con người và đó không phải là lo âu bệnh lý.

Nhưng nếu chúng ta cường điệu hóa các mối lo âu đó, cứ dùng dằng suy nghĩ hoài dù các mối nguy hiểm, đe dọa đã qua và chúng ta có những thái độ hay ứng xử quá mức thì đó là lo âu bệnh lý.

Nói rõ hơn, nếu lo lắng có chủ đề, có nội dung rõ ràng như: công việc, bệnh tật, tài chính, tình cảm và lo lắng chỉ xảy ra nhất thời (trong thời điểm đó) được coi là bình thường. Chẳng hạn trong công việc xây dựng căn nhà sợ trời mưa khi đang đổ móng làm nền, sợ giá vật liệu gia tăng, sợ không kịp tiến độ về thời hạn. Nếu không may “trái gió, trở trời” đi khám bệnh bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, về nhà sốt lạnh run, tra tìm kiếm trên mạng lại nghĩ đến khả năng biến chứng nhiễm trùng máu. Có lúc, chỉ đơn giản ngày mai đóng tiền nhà trọ mà lương chưa lãnh hay gia đình chưa gửi lên thì biết ăn nói sao với chủ nhà trọ. Đặc biệt hơn, với người ta yêu thương đang có “tín hiệu phát sóng” của người thứ 3… Tất nhiên, khi giải quyết trọn vẹn, êm xuôi những vấn đề đó thì lo lắng cũng tiêu tan. Ai cũng đã từng trải qua những hoàn cảnh trớ trêu như thế, nên nó là lo âu bình thường.

Nhưng nếu những biến cố trên đã qua, mọi chuyện đã trở lại quỹ đạo bình thường mà vẫn lo lắng, thấp thỏm không yên. Nhà đã xây xong lại sợ sụp đổ vì móng xây không chắc chắn. Càng ngày càng cường điệu hơn bởi những điều phi thực tế ấy. Có những trường hợp nghĩ rằng sẽ có ngày tận thế và chuẩn bị hành trang cho sự chết. Thậm chí nghĩ đến ngày li dị dù bây giờ chưa có người yêu… Rồi hốt hoảng, hồi hộp, tim đập nhanh, cáu gắt… mà khi bác sĩ khám bệnh thì các cơ quan nội tạng sau kiểm tra đều… bình thường! Đó là những biểu hiện của rối loạn lo âu bệnh lý.

Tuy nhiên, có 1 số rối bệnh rối loạn tâm thần thường có liên quan đến rối loạn lo âu bệnh lý mà người thăm khám cần phải chẩn đoán chính xác những bệnh tâm thần đó và giải quyết bệnh tâm thần chứ không phải giải quyết rối loạn lo âu.

Một người có thể nhận biết mình đang bị rối loạn lo âu không?

BS Nguyễn Quang Vy:

Một số người có thể nhận biết được và thường thuộc dạng lo âu bình thường, nhưng đa số phải được các bác sĩ chuyên khoa khám và xác định rối loạn lo âu bình thường hay bệnh lý.

Những biểu hiện của rối loạn lo âu bệnh lý là: sự sợ hãi, có những căng thẳng về vận động như: bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau đầu kiểu căng cơ, tay chân run rẩy khó kiểm soát, đau thượng vị, chóng mặt... những triệu chứng này lặp đi, lặp lại kéo dài hàng tháng, hàng năm.

Dĩ nhiên vấn đề này cần phải được giải quyết bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Nhiều người cho rằng cố gắng chịu đựng thì sẽ bình ổn được tâm trạng của mình nên thường không đi khám bệnh. Với tình trạng lo âu quá mức hay rối loạn lo âu, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả gì?

BS Nguyễn Quang Vy:

Khi nói đến cụm từ “cố gắng chịu đựng”, ta đã hình dung có vấn đề bất ổn chứ không còn là bình ổn được nữa và xin thưa rằng đừng “cố gắng chịu đựng” thêm. Hãy nhanh chóng tiếp cận với bác sĩ của mình, vì cần có sự can thiệp của những người hiểu biết về chuyên môn, tìm hiểu nguyên nhân, đặc biệt là loại trừ những bệnh loạn thần.

Chúng ta không thể tự “đoán già, đoán non” rồi tự điều trị cho chính mình hay cho người thân. Những sai lầm này làm cho rối loạn lo âu kéo dài dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc an thần hoặc hành vi tự sát. Trong khi đó, nếu được các bác sĩ can thiệp thì bệnh nhân đáp ứng với điều trị khá tốt.

Các thuốc thường dùng để điều trị rối loạn lo âu?

BS Nguyễn Quang Vy:

Khi cần đến thuốc để điều trị rối loạn lo âu, phải đảm bảo nguyên tắc:

- Đơn trị liệu (dùng 1 loại thuốc)

- Khởi đầu là liều thấp rồi thăm dò tăng dần

- Hạn chế lạm dụng thuốc

Có các nhóm thuốc chính:

a) Thuốc giải lo âu:

- Thuốc giải lo âu gây ngủ nhóm Benzodiazepam: Diazepam, Lorazepam…

- Thuốc giải lo âu Non-Benzodiazepin: Etifoxin HCL, Zopiclon...

- Thuốc giải lo âu không gây buồn ngủ: Tofisopam

b) Thuốc chống trầm cảm:

Nhóm SSRI, nhóm SNRI, nhóm 3 vòng hay các nhóm khác để điều trị trầm cảm phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

c) Thuốc kháng histamin

d) Các thuốc phối hợp

- Thuốc an thần kinh: Olanzepine, Sulpiride…

- Các thuốc ức chế beta: Propranolol

- Thuốc dinh dưỡng thần kinh: Ginkgo biloba, Piracetam...

- Thuốc bổ gan: BAR, Boganic...

- Vitamin nhóm B

Một số sai lầm trong điều trị của người bệnh rối loạn lo âu, khiến cho bệnh lâu khỏi không?

BS Nguyễn Quang Vy:

Trong thực hành khám chữa bệnh hàng ngày, sai lầm của là chỉ chữa bệnh thể xác mà quên tâm hồn.

Vì vậy, để đáp ứng điều trị tốt cần phối hợp:

- Tâm lý trị liệu: Tư vấn thấu đáo, giải thích chỉn chu, hướng dẫn thư giãn, có sự hỗ trợ của gia đình, xã hội.

- Thời gian điều trị phải đủ, không đốt cháy giai đoạn hay ngưng điều trị đột ngột.

- Phát hiện và điều trị sớm.

Xem thêm >>> Cách chống lo âu, điều hòa thần kinh thực vật & không gây lệ thuộc thuốc hiệu quả


Ý kiến của bạn