Rối loạn lipid (mỡ máu): Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

11-05-2024 09:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rối loạn lipid máu là tình trạng bất thường lượng lipid có ở trong máu, mô tả nhiều dạng rối loạn phổ biến như mức cholesterol LDL, chất béo trung tính cao hoặc mức cholesterol HDL thấp.

Người bị rối loạn lipid máu cần lưu ý gì?Người bị rối loạn lipid máu cần lưu ý gì?

SKĐS - Rối loạn lipid máu là một trong những nguy cơ dẫn đến các vấn đề về tim mạch cùng nhiều biến chứng khác.

Rối loạn lipid máu có thể dẫn đến bệnh tim mạch và các biến chứng nguy hiểm khác. Bài viết dưới đây cung cấp các thông tin về nguyên nhân, biến chứng, ai có nguy cơ mắc bệnh, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa rối loạn lipid máu.

1. Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu gồm hai nhóm: Nguyên phát và thứ phát. Cụ thể:

Nguyên nhân nguyên phát:

Là tình trạng rối loạn mỡ máu liên quan đến đột biến gen đơn hoặc đa gen, dẫn đến sản xuất quá mức hoặc giảm thanh thải LDL; hoặc trong quá trình sản xuất thiếu hoặc thanh thải quá mức HDL.

Tăng mỡ máu có tính chất gia đình: Nguyên nhân di truyền phổ biến nhất ở cả cholesterol LDL cao và chất béo trung tính cao. Nếu bệnh sử ghi nhận rối loạn mỡ máu có tính gia đình, người bệnh có thể phát triển những dấu ấn rối loạn nồng độ mỡ trong máu ở tuổi thiếu niên hoặc tầm 20 tuổi.

Nguyên nhân thứ phát:

Các nguyên nhân có thể gây rối loạn mỡ máu bắt nguồn từ thói quen, tổ chức lối sống như:

  • Tiêu thụ quá nhiều calo, chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa;
  • Thói quen sử dụng đồ uống kích thích, đồ uống có cồn;
  • Hút thuốc lá và các chế phẩm từ thuốc lá;
  • Mắc các bệnh lý thận mạn tính, đái tháo đường, suy giáp, xơ gan - mật nguyên phát, các bệnh gan ứ mật khác;
  • Sử dụng các loại thuốc có hoạt tính cao như thiazid, retinoid, các thuốc kháng retrovirus hoạt tính cao, cyclosporine, tacrolimus, estrogen và progestin và glucocorticoid…;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng Cushing, rối loạn đường ruột (IBS);
  • Nhiễm hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV và hội chứng thận hư.
Rối loạn lipid (mỡ máu): Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Rối loạn lipid máu là tình trạng bất thường lượng lipid có ở trong máu.

2. Biểu hiện của rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu có thể diễn tiến trong một thời gian dài mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Thường bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc nhập viện vì một lý do y tế khác.

Các triệu chứng của rối loạn lipid máu chỉ nhận thấy được khi lipid máu cao kéo dài gây biến chứng. Các dấu hiệu của tăng lipid máu là:

Dấu hiệu của rối loạn lipid máu biểu hiện bên ngoài:

  • Dạng ban vàng xuất hiện ở các nếp gấp ngón tay và lòng bàn tay.
  • Cung giác mạc quanh mống mắt.
  • Ban vàng mí mắt trên hoặc dưới.
  • U vàng gân xuất hiện ở các ngón, gân achille và khớp đốt bàn ngón tay.
  • U vàng dưới màng xương xuất hiện ở củ chày trước, đầu xương mỏm khuỷu.
  • U vàng da hoặc củ xuất hiện ở khuỷu và đầu gối.

Dấu hiệu của rối loạn lipid máu biểu hiện nội tạng:

  • Xơ vữa động mạch.
  • Nhiễm lipid võng mạc.
  • Gan nhiễm mỡ.
  • Viêm tụy cấp.

Để kiểm tra mức độ cao, thấp hay trong phạm vi lành mạnh của LDL, HDL, chất béo trung tính, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu. Tình trạng này sẽ thay đổi mỗi năm, do đó nên làm xét nghiệm máu hàng năm. Nếu đang dùng thuốc điều trị rối loạn lipid máu, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu thường xuyên hơn.

3. Rối loạn lipid máu có lây không?

Rối loạn lipid máu hay còn gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa mỡ máu là tình trạng mất cân bằng một hoặc nhiều thông số lipid, thường gặp là:

  • Tăng cholesterol.
  • Tăng triglyceride.
  • Tăng LDL-C.
  • Giảm HDL-C.

Rối loạn lipid máu không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây.

4. Cách phòng ngừa rối loạn lipid máu

Có thể dự phòng rối loạn lipid máu bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện lành mạnh.

  • Chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít ngọt, ít mặn; bổ sung chất béo tốt, rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…
  • Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân béo phì.
  • Tăng cường tập thể dục, chơi thể thao.
  • Xét nghiệm lipid máu định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý hiện có.

Khi phát hiện bị rối loạn lipid máu, người bệnh cần tích cực thay đổi lối sống và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ để dự phòng biến chứng, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Rối loạn lipid (mỡ máu): Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Rối loạn lipid máu có thể diễn tiến trong một thời gian dài mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

5. Điều trị rối loạn lipid máu

Việc điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân của rối loạn lipid máu và mức độ nghiêm trọng. Mục tiêu điều trị thường dựa vào đích LDL, đích LDL sẽ thay đổi phụ thuộc người bệnh là nhóm đối tượng nguy cơ cao, trung bình hay thấp.

Thay đổi lối sống là chỉ định đầu tiên để điều trị rối loạn lipid máu, mục tiêu là đưa các chỉ số lipid máu về mức bình thường. Thay đổi lối sống bao gồm:

  • Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
  • Tăng cường vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, cách tập luyện tùy theo tình trạng sức khỏe của bản thân.
  • Có chế độ ăn ít ngọt, ít chất béo bão hòa, đặc biệt là mỡ và da động vật.
  • Giảm cholesterol trong lòng đỏ trứng, bơ, tôm…
  • Tăng cường chất xơ, vitamin từ rau củ, trái cây.
  • Bổ sung chất béo tốt từ dầu thực vật, cá béo.
  • Hạn chế uống rượu bia.

Nếu việc thay đổi lối sống không hiệu quả, cần kết hợp sử dụng các loại thuốc hạ lipid máu để điều trị. Các nhóm thuốc như: Statin, fibrate, acid nicotinic, resin, ezetimibe, omega 3… Việc điều trị sẽ được cá nhân hóa cho từng đối tượng bệnh nhân cụ thể.

Mặc dù rối loạn lipid máu khiến người bệnh có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ, nhưng vẫn có thể tự bảo vệ mình bằng cách sống một lối sống lành mạnh hơn và dùng thuốc nếu cần. Hãy chắc chắn làm theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.

  • Bỏ thuốc lá.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Giảm stress.
  • Ăn thực phẩm lành mạnh hơn.
  • Hạn chế uống rượu.
  • Giữ cân nặng khỏe mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế dầu mỡ, phủ tạng động vật, tăng cường ăn rau xanh.
  • Chế độ ăn cần ăn nhiều rau, 500g mỗi ngày, trái cây ít ngọt, nên ăn nguyên cả xơ không nên ép nước uống. Ăn nhiều cá, đậu, nấm.
  • Cần hạn chế: Thịt các loại, phủ tạng động vật… Thay mỡ bằng dầu (dầu đậu nành, dầu mè, hướng dương, dầu bắp, oliu). Không nên thường xuyên ăn các món chiên xào. Các thực phẩm có hàm lượng cholesterol như óc động vật, mỡ, da, phủ tạng, lòng đỏ trứng, chân giò, bò gân... Hạn chế ăn thức ăn ngọt như chè, mứt kẹo, bánh kem, kem, nước ngọt, nước tăng lực, nước trái cây đóng hộp…
Một số bài tập tốt cho người bệnh rối loạn lipid máuMột số bài tập tốt cho người bệnh rối loạn lipid máu

SKĐS - Rối loạn lipid máu (còn gọi là rối loạn mỡ máu) là tình trạng thay đổi bất thường như tăng hay giảm các nồng độ chất béo (lipid) trong máu. Tình trạng này có thể làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ bởi sự cản trở trong lưu thông dòng máu.


BS Nguyễn Thị Thảo
Ý kiến của bạn