Rối loạn lipid máu là tình trạng rối loạn hay dư thừa mỡ trong máu, ảnh hưởng đến 1 trong 4 thành phần quan trọng như: Cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL - Cholesterol và HDL - Cholesterol. Nếu rối loạn này kéo dài sẽ gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, tắc mạch…
Nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa lipid máu
Nguyên nhân chính là do chế độ dinh dưỡng không phù hợp, có quá nhiều mỡ động vật, thức ăn chứa nhiều cholesterol (nội tạng động vật, trứng, bơ, sữa) hoặc do chế độ ăn dư thừa năng lượng và sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích. Ngoài ra, rối loạn chuyển hóa lipid máu còn do ảnh hưởng của yếu tố di truyền, hội chứng thận hư, suy giáp hoặc đái tháo đường.
Vì vậy, rối loạn lipid máu có thể chữa được, tuy nhiên phần trăm hồi phục sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Điều trị rối loạn lipid máu nhằm giảm khả năng xảy ra các bệnh lý, hội chứng như mạch vành cấp tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thiếu máu não hoặc động mạch ngoại biên.
Phương pháp điều trị có thể thay đổi theo chỉ số LDL, HDL, chất béo trung tính. Cụ thể:
- Chỉ số cholesterol cao phần lớn được chỉ định điều trị bằng statin, loại thuốc này có khả năng cản trở quá trình sản xuất cholesterol trong gan.
- Nồng độ LDL - C và chất béo trung tính không giảm sau dùng statin, người bệnh sẽ được chỉ định thay thế bằng một số loại thuốc như Ezetimibe, Niacin, Fibrate, chất cô lập axit mật, Evolocumab và Alirocumab, Lomitapide và Mipomersen.
Với một số trường hợp phát hiện rối loạn mỡ máu sớm, chỉ số cholesterol chưa quá cao thì có thể điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn hàng ngày, kết hợp tập luyện thể dục đều đặn.
Những lưu ý khi chữa rối loạn lipid máu
Có thể nói việc nắm rõ rối loạn lipid máu nên ăn gì, kiêng gì là chìa khóa cho sức khỏe của bạn. Một chế độ ăn uống khoa học và cân đối chính là giải pháp quan trọng để kiểm soát rối loạn lipid máu.
Đặc biệt, mỗi người cần chú ý tới việc thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra mỡ máu nếu có nguy cơ cao mắc rối loạn lipid máu, điều này sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ, tránh những biến chứng khó lường.
Người bệnh nên bắt đầu bằng việc điều chỉnh thực đơn hàng ngày. Một chế độ ăn khoa học không chỉ tránh được mỡ xấu tăng cao, mà còn hỗ trợ người bệnh giảm mỡ máu bền vững. Người bị rối loạn lipid máu cần có chế độ ăn vừa đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vừa tránh làm tăng các chỉ số mỡ xấu.
Thực phẩm cho người bệnh rối loạn lipid máu
Người bệnh rối loạn lipid máu nên ăn nhiều rau quả bổ sung chất xơ: Thực đơn hàng ngày nên lựa chọn các loại trái cây tươi nhiều màu sắc, rau xanh lá, các loại nấm…
Tăng cường ngũ cốc chế biến thô: Các loại ngũ cốc chế biến thô như bánh mì đen, gạo thô… cũng thuộc nhóm thực phẩm giàu chất xơ, hỗ trợ giảm hàm lượng cholesterol trong máu.
Bổ sung thực phẩm giàu Omega-3, Omega-6 như cá trích, cá mòi, cá hồi… hoặc trong các loại dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu oliu. Mỗi tuần nên ăn cá khoảng 2 - 3 lần, thay thế dầu thực vật cho mỡ động vật.
Lựa chọn các loại sữa tách béo
Ăn các loại thịt gia cầm sẽ tốt cho người tăng lipid máu như gà, ngan, vịt… thay cho các loại thịt đỏ giàu cholesterol.
Người bệnh rối loạn lipid máu nên ăn tỏi, bởi tỏi có tác dụng làm tăng HDL cholesterol, giảm LDL cholesterol và triglyceride, dự phòng các biến chứng do rối loạn lipid máu như: Xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng tỏi trong chế độ ăn uống. Bởi ăn nhiều tỏi có thể dẫn đến viêm mí mắt hoặc viêm kết mạc, hoặc gây ảnh hưởng cho dạ dày.
Thực đơn ưu tiên các món hấp luộc
Bệnh nhân bị rối loạn lipid máu máu cần chú ý và hạn chế các thực phẩm sau đây:
- Mỡ, da, nội tạng động vật, gạch cua, gạch tôm.
- Sữa béo nguyên kem, sữa đặc.
- Lòng đỏ trứng, phô mai, bơ...
- Thịt gia cầm chưa loại bỏ da.
- Các loại bánh ngọt, bánh mặn làm từ lòng đỏ trứng và có chứa mỡ bão hòa.
- Hạn chế đường, đồ ngọt.
- Giảm muối trong các món ăn.
- Kiêng uống rượu bia.
- Đồ ăn chế biến sẵn nhiều chất béo như phô mai, xúc xích, thịt nguội...
- Dầu mỡ chứa nhiều chất béo bão hòa.
Ngoài ra, người bệnh rối loạn lipid máu còn cần bỏ thuốc lá, tránh căng thẳng thần kinh và có chế độ tập luyện thể dục thể thao đều đặn... Tập luyện tích cực sẽ giúp hình thể đẹp, ổn định huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tóm lại: Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh rối loạn mỡ máu và gặp các biến chứng nguy hiểm. Để phòng tránh bệnh rối loạn lipid máu bằng cách: Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, thêm rau xanh và trái cây tươi vào thực đơn hàng ngày nhằm tăng chất xơ cho cơ thể. Duy trì mức cân nặng ổn định, tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
Nếu có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, nước ngọt, đồ uống có ga, đồ có cồn... thì cần từ bỏ sớm. Tập thể dục đều đặn, chọn một bộ môn thể thao phù hợp với sức khỏe bản thân. Hạn chế tình trạng ngồi một chỗ quá lâu, nên đi lại hoặc vận động nhẹ trong thời gian làm việc hoặc học tập.
Ngoài ra, cần uống nhiều nước lọc, tối thiểu 2 lít/ngày. Sử dụng các loại chất béo không bão hòa như dầu oliu, dầu cá, dầu chiết xuất từ các loại hạt. Hạn chế nạp chất béo từ các loại thịt đỏ, các sản phẩm sản xuất từ sữa, đồ chiên rán.
Với trường hợp trong gia đình có người mắc bệnh rối loạn lipid máu, mỡ máu cao hoặc mỡ máu thấp, bạn cần chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, kịp thời phát hiện và điều trị.