Rối loạn lipid máu - căn bệnh nguy hiểm hàng triệu người mắc phải

25-08-2022 18:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rối loạn chuyển hóa lipid máu gây nhiều tác hại xấu với sức khỏe như gây nên tình trạng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, ung thư…

Lipid máu hay còn gọi là "mỡ máu" là thành phần quan trọng trong cơ thể. Lipid máu bao gồm nhiều thành phần trong đó quan trọng nhất là cholesterol. Cholesterol là chất quan trọng của nhiều cơ quan, bộ phận cũng như các loại hormone giúp cơ thể phát triển và hoạt động bình thường.

Có 2 loại cholesterol chính là loại "tốt" HDL-C và "xấu" LDL-C. Loại xấu tăng nhiều hoặc mất cân đối giữa 2 loại là nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch.

Cholesterol có từ 2 nguồn: cơ thể tổng hợp (75%) và thức ăn có nguồn gốc động vật. Bên cạnh đó một thành phần khác của lipid máu cần được quan tâm là Triglycerid máu. Tăng Triglycerid máu thường gặp ở người thừa cân/béo phì, lười vận động, hút thuốc lá….

Tại sao rối loạn lipid máu gây nguy hiểm? - Ảnh 1.

Thông thường rối loạn lipid máu âm thầm, không biểu hiện triệu chứng nên đa số bệnh nhân thường không chú ý đến.

1.Nguyên nhân của rối loạn lipid máu

Nguyên nhân của rối loạn lipid máu do nguyên phát hoặc thứ phát, cụ thể.

Rối loạn lipid máu nguyên phát gồm các dạng sau:

-Do đột biến gen: Làm tăng tổng hợp quá mức hoặc giảm ly giải cholesterol, triglyceride, LDL-C do di truyền: thiếu hụt men lipase, rối loạn gen tổng hợp HDL-C, tăng triglyceride máu tiên phát, tăng lipid máu hỗn hợp mang tính gia đình.

-Rối loạn lipid máu thứ phát: Chế độ dinh dưỡng: ăn nhiều chất béo, nội tạng động vật, nghiện rượu,… Lối sống thụ động, hút thuốc lá; Một số bệnh lý: suy giáp, hội chứng thận hư, hội chứng Cushing, đái tháo đường, HIV… ngoài ra, do một số thuốc ( corticoid, ức chế miễn dịch, thuốc ngừa thai…) có thể dẫn đến rối loạn lipid.

2.Biểu hiện của rối loạn lipid máu

Thông thường rối loạn lipid máu âm thầm, không biểu hiện triệu chứng nên đa số bệnh nhân thường không chú ý đến, tuy nhiên khi rối loạn lipid máu nặng và kéo dài thì có các dấu hiệu điển hình có thể gặp trên lâm sàng.

Bệnh nhân có thể biểu hiện bằng các triệu chứng của bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh động mạch cảnh. Nồng độ TGs cao (> 1000 mg/dL [> 11.3 mmol/L]) có thể gây viêm tụy cấp. LDL-C có thể gây ra u mỡ vàng bám ở mi mắt; giác mạc, gân Achilles, khuỷu tay, khớp gối.

Rối loạn betalipoprotein có thể có u mỡ vàng ở lòng bàn tay hoặc thân người. Triglycerides máu tăng quá cao (> 2000 mg/dL [> 22.6 mmol/L]) còn có thể gây ra những mảng trắng như kem ở động, tĩnh mạch võng mạc. Ở mức độ cực kỳ cao, TGs có thể làm huyết tương trắng như sữa. Triệu chứng có thể gặp là bệnh nhân khó thở, lẫn lộn, dị cảm…

Rối loạn lipid máu được đặt ra ở những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng hoặc biến chứng của rối loạn lipid máu (ví dụ bệnh vữa xơ động mạch). Rối loạn lipid tiên phát được nghi ngờ ở những bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng của rối loạn lipid máu, bệnh vữa xơ động mạch xuất hiện sớm (trước 60 tuổi), tiền sử gia đình có người mắc bệnh động mạch hoặc cholesterol máu > 240 mg/dL (> 6.2 mmol/L). Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm các thành phần lipid máu: cholesterol toàn phần (TC), TGs, HDL-cholesterol (HDL-C) và LDL-cholesterol (LDL-C).

3.Tại sao rối loạn lipid máu gây nguy hiểm?

Rối loạn lipid máu gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Theo nghiên cứu rối loạn lipid máu, chủ yếu là nồng độ cholesterol cao, góp phần gây ra khoảng 56% bệnh tim thiếu máu cục bộ và 18% đột quỵ, dẫn đến tử vong hơn 4,4 triệu người hàng năm trên thế giới.

Tăng cholesterol máu đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đối với các bệnh tim mạch (bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não). Thông thường có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hay đi kèm nhau và thúc đẩy nhau tiến triển. Khi một người có nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp sẽ làm nguy cơ bệnh tim mạch tăng lên gấp nhiều lần.

Khi có quá nhiều LDL cholesterol lưu thông trong máu, sẽ từ từ lắng đọng vào thành các mạch máu. Cùng với một số chất khác, nó sẽ hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm lòng mạch bị hẹp dần hoặc tắc hoàn toàn.

Như vậy có thể nói rối loạn lipid máu là nguyên nhân dẫn tới quá trình xơ vữa động mạch làm hẹp lòng động mạch. Lượng máu không đủ cung cấp cho tim và não - hai cơ quan quan trọng của cơ thể. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...

Bên cạnh đó các mảng xơ vữa gây ra do rối loạn lipid máu khiến mạch máu bị thu nhỏ lại, thành mạch bị xơ vữa, không đàn hồi. Vì vậy lượng máu lưu thông chảy qua sẽ khó khăn đòi hỏi tim phải tăng co bóp dẫn tới huyết áp tăng cao.

Ngoài các biến chứng nguy hiểm kể trên, rối loạn lipid máu còn gây ra các biến chứng như gan nhiễm mỡ, béo phì, hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ bệnh lý đái tháo đường...

Rối loạn lipid máu là một bệnh lý diễn biến từ từ, ít có biểu hiện và cần phát hiện sớm nhằm ngăn ngừa những biến chứng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

4.Rối loạn lipid máu cần làm gì?

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì yếu tố quan trọng của việc điều trị rối loạn lipid máu là cải thiện lối sống và chế độ dinh dưỡng. Người bệnh cần từ bỏ lối sống tĩnh tại, chăm tập thể dục, chăm vận động. Lời khuyên dành cho người bệnh thường là, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, ít nhất 3 lần/tuần.

Ngoài ra người bệnh cần có một chế độ ăn hợp lý, cân bằng chất béo, đạm, đường, bột, khoáng chất, vitamin… bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể chế độ dinh dưỡng phù hợp với cá nhân.

Lời khuyên thầy thuốc

‎Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh tim mạch. Tuy nhiên là yếu tố có thể thay đổi được. Việc thay đổi cần chú ý đến lối sống bao gồm:

‎+ Chế độ ăn uống khỏe mạnh hợp lý: Hạn chế ăn các loại thức ăn có chứa các chất béo và cholesterol như bơ, sữa toàn phần, thịt xông khói, các phủ tạng động vật. Hạn chế dùng các loại thực phẩm có chứa trans-fat như các loại chiên rán, nhất là chiên rán với loại dầu, mỡ đã sử dụng nhiều lần như quẩy, thịt rán, mì ăn liền.

‎+ Tập thể dục đều đặn: Tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, đều đặn các ngày trong tuần, tập đủ mạnh ra mồ hôi (tùy theo bệnh lý đi kèm)

‎+ Loại bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu..

‎+ Giảm cân nếu thừa cân/ béo phì.

Video bạn có thể quan tâm

Cẩn Trọng- Dùng Nghệ Quá Liều Hại Sức Khỏe Như Thế Nào- - SKĐS


‎TS. BS. Bùi Văn Tân
Ý kiến của bạn