Rối loạn kinh nguyệt nên uống thuốc gì?

22-11-2023 11:12 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Kinh nguyệt bình thường là dấu hiệu cho thấy chức năng tử cung và buồng trứng của người phụ nữ khỏe mạnh. Nhưng nhiều chị em bị rối loạn kinh nguyệt do nhiều nguyên nhân khác nhau, vậy có thuốc nào điều trị?

1. Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường ở chị em trong độ tuổi sinh sản. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài khoảng 28 ngày, nhưng có thể dao động từ 21 đến 35 ngày tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng khi chu kỳ kinh nguyệt bị đảo lộn, không đều, hoặc có các bất thường khác liên quan đến kinh nguyệt.

Rối loạn kinh nguyệt, thường bao gồm:

  • Mất kinh: Đây là tình trạng không có kinh trong ít nhất ba tháng.
  • Thiểu kinh: Lượng máu kinh ra ít, dưới 2 ngày.
  • Rong kinh: Kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài.
  • Chảy máu tử cung bất thường: Đây là tình trạng ra máu/chảy máu xảy ra giữa các kỳ kinh.
  • Đau bụng kinh: Đau bụng kinh ( hay còn gọi là thống kinh ) thường đi kèm các triệu chứng khác như buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu và đau lưng dưới.

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, bao gồm: Căng thẳng, thay đổi cân nặng, các bệnh lý tiềm ẩn như hội chứng buồng trứng đa nang, u tuyến yên, u tuyến thượng thận, cường giáp, suy giáp, và các bệnh lý nội tiết khác.

Rối loạn kinh nguyệt ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tâm lý và sinh hoạt của chị em. Do đó khi phát hiện các bất thường, quan trọng nhất là nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra để xác định nguyên nhân cụ thể và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.

 Rối loạn kinh nguyệt nên uống thuốc gì?- Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt.

2. Thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt

Điều trị rối loạn kinh nguyệt phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Dưới đây là một số thuốc thường được chỉ định:

- Thuốc tránh thai đường uống: Trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt do nội tiết tố gây ra, việc sử dụng thuốc tránh thai có thể được đề xuất. Thuốc tránh thai có chứa hormone estrogen và progesterone, có thể giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm đau và giảm lượng máu kinh ra nhiều. Thuốc bổ sung hormone cũng có thể được các bác sĩ chỉ định cho các trường hợp kinh nguyệt không đều do rối loạn nội tiết tố.

- Thuốc giảm đau: Nếu đau bụng kinh là một trong những triệu chứng chính, thuốc giảm đau như paracetamol hoặc các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen hay naproxen có thể giúp giảm đau.

- Thuốc sắt: Nếu ra máu nhiều có thể cần phải bổ sung sắt để tái tạo máu và giúp chu kỳ kinh nguyệt dần trở lại bình thường.

- Thuốc điều trị khác: Đối với những tình trạng nền như hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ tử cung hay bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, việc điều trị chính bệnh gốc có thể giúp cải thiện rối loạn kinh nguyệt.

Ngoài ra các bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp kết hợp để giảm các triệu chứng như điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc thay đối lối sống.

 Rối loạn kinh nguyệt nên uống thuốc gì?- Ảnh 2.

Khi gặp các vấn đề về rối loạn kinh nguyệt, quan trọng nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc.

3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt cần lưu ý

Các loại thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt có thể có tác dụng phụ khác nhau. Ví dụ, thuốc tránh thai đường uống có thể gây buồn nôn, đau vú, tăng cân, đau đầu và đau nửa đầu, tiết dịch âm đạo và ra máu giữa kỳ kinh. Thuốc chống chỉ định với người viêm gan, cao huyết áp cao, tim mạch, phụ nữ mang thai, cho con bú, đau nửa đầu... Việc sử dụng rượu và các loại thuốc khác có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc tránh thai. Do đó, cần thông báo cho bác sĩ biết về loại thuốc đang dùng hoặc dự định dùng.

Nếu dùng thuốc kháng viêm để giảm đau có thể gặp các tác dụng phụ như khó chịu ở dạ dày, nhức đầu, chóng mặt...

Để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cần thảo luận với bác sĩ để đảm bảo lựa chọn điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người. 

4. Các nguyên tắc điều trị rối loạn kinh nguyệt

Bên cạnh dùng thuốc, việc điều trị nên kết hợp với thay đổi lối sống để có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và khỏe mạnh hơn. Cần lưu ý:

- Thứ nhất, nên tạo cho mình một chế độ ăn uống phù hợp, đủ vitamin và các khoáng chất thiết yếu, nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Ăn uống đầy đủ, đa dạng tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ được cải thiện rõ rệt. Tăng cường canxi và carbohydrate trong chế độ ăn uống cũng giúp giảm một số triệu chứng rối loạn kinh nguyệt.

- Thứ hai, các chất kích thích như rượu, caffeine, nicotine, muối và đường có ảnh hưởng xấu đến chu kỳ kinh nguyệt và quá trình rụng trứng, vì vậy, tốt nhất là nên hạn chế hoặc không dùng.

- Thứ ba, tập thể dục cũng là một cách để giảm bớt một số triệu chứng liên quan đến rối loạn kinh nguyệt vì làm tăng năng lượng, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Vì vậy, hãy cố gắng duy trì tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Các yếu tố tâm lý như căng thẳng, stress, lo lắng, sợ hãi… gây ức chế hoạt động của tuyến yên ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, dẫn đến kinh nguyệt không đều.

Cuối cùng, khi có hiện tượng bất thường thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị và tư vấn phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc theo đơn thuốc của người khác hay theo các chỉ dẫn không đáng tin cậy.

Chớ xem thường tình trạng rối loạn kinh nguyệtChớ xem thường tình trạng rối loạn kinh nguyệt

SKĐS - Rối loạn kinh nguyệt có thể ở tuổi dậy thì, sinh con hoặc ở độ tuổi rối loạn tiền mãn kinh. Có những rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng sinh lý và chức năng sinh sản của chị em phụ nữ nếu không được chữa trị kịp thời.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Ích mẫu - Vị thuốc quý chữa bệnh phụ nữ.

Bs. Đào Thị Thảo
Ý kiến của bạn