Hà Nội

Rối loạn kinh nguyệt - chớ chủ quan

02-10-2019 16:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rối loạn kinh nguyệt là chỉ những biểu hiện bất thường về kinh nguyệt.

Là một trong những rối loạn thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt cũng như sức khỏe và nó là một trong những biểu hiện sớm của vô sinh.

Thông thường, phụ nữ khi đến tuổi bắt đầu có kinh là khoảng 12 - 16 tuổi. Mỗi chu kỳ kinh trung bình là 28 ngày, có thể thay đổi từ 21 - 35 ngày. Mỗi kỳ kinh ra máu thường kéo dài từ 3 - 4 ngày. Lượng máu trung bình mất đi sau mỗi chu kỳ kinh là từ 50 - 100ml. Nếu bất thường của kinh nguyệt về chu kỳ kinh, thời gian kinh kỳ, lượng máu kinh mất đi sau những ngày hành kinh quá ít hoặc quá nhiều, mức độ huyết sắc tố sau chu kỳ kinh thấp hơn mức bình thường là những biểu hiện của RLKN.

Nguyên nhân do đâu?

RLKN có rất nhiều nguyên nhân, tùy thuộc vào từng thể bệnh có những nguyên nhân khác nhau như: Nếu ở lứa tuổi dậy thì, những RLKN gặp là chu kỳ kinh không đều, khi dài khi ngắn hoặc vô kinh, rong kinh. Nguyên nhân là do vòng kinh không có rụng trứng vì sự điều chỉnh nội tiết của vỏ não xuống buồng trứng hay sự hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Khi đến tuổi trưởng thành, hệ thống điều chỉnh nội tiết từ vỏ não xuống buồng trứng đã hoàn chỉnh thì tình trạng RLKN sẽ được cải thiện. Ở lứa tuổi sinh đẻ, RLKN có thể do nguyên nhân liên quan đến thai nghén như dọa sẩy thai, thai ngoài tử cung, sẩy thai sót nhau, thai trứng, thai chết lưu...; Nguyên nhân không liên quan đến thai như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung. Ở tuổi tiền mãn kinh (thường xảy ra từ 45 - 50 tuổi, có thể kéo dài 2,3 - 5 năm tùy người) thì RLKN cũng thất thường có thể kéo dài, ngắn hoặc rong kinh... nhưng do hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm và có sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ (estrogen và progesteron) dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài, dây dưa. Nhưng đến thời kỳ mãn kinh thật sự (thường ở lứa tuổi từ 50 - 55), do buồng trứng ngưng hẳn hoạt động và ngưng tiết nội tiết tố nữ dẫn đến kinh nguyệt mất hẳn. Đây là những bệnh lý có thể xảy ra cả ở lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh. Ngoài ra, ở phụ nữ do làm việc, học tập, chuyển nơi ở, stress... có thể dẫn đến RLKN.

Ngoài ra, một số trường hợp sử dụng thuốc nội tiết thuốc tránh thai (nhất là loại thuốc tránh thai khẩn cấp) và sử dụng thuốc điều trị một số bệnh mạn tính (thuốc haloperidol điều trị bệnh tâm thần phân liệt...) dễ bị RLKN.

RLKN kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của người phụ nữ.

RLKN kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Những biểu hiện RLKN thường gặp

Vòng kinh không đều: Chu kỳ kinh quá ngắn hay quá dài đều cần đều gặp bác sĩ sản khoa để phát hiện và điều trị vô sinh sớm. Quá ngắn khi ít hơn 24 ngày. Quá dài khi nhiều hơn 35 ngày. Theo những tài liệu nghiên cứu gần đây, phụ nữ có vòng kinh không đều có tỷ lệ vô sinh gấp 1,2 - 1,3 lần người bình thường. Các bác sĩ chuyên khoa cũng chỉ ra rằng một chu kỳ không đều có thể là một dấu hiệu của các bệnh liên quan đến việc rụng trứng như: Rối loạn hormon làm trứng chín và rụng bất thường, có u ở tử cung, buồng trứng đa nang, bệnh u xơ tử cung, viêm khung chậu hay tử cung dị dạng...

Hiện nay, có rất nhiều chị em vẫn chủ quan về chu kỳ kinh nguyệt và không biết rằng RLKN ảnh hưởng đến khả năng có con mà càng điều trị muộn càng khó có thai.

Rong kinh kéo dài: Thông thường, kinh nguyệt chỉ kéo dài từ 3 - 5 ngày, nhiều nhất là 7 ngày. Nếu thời gian dài hơn được gọi là bất thường. Và hiện tượng này lặp lại ở hầu hết các lần hành kinh tiếp theo thì rất có thể đó là dấu hiệu của vô sinh. Có nhiều nguyên nhân gây rong kinh tùy theo lứa tuổi. Trong đó, rối loạn nội tiết tố trong cơ thể là một trong những nguyên nhân rong kinh chủ yếu, thường gặp ở độ tuổi dậy thì, lần đầu tiên có kinh hoặc tiền mãn kinh. Rong kinh do rối loạn sinh lý không có gì nguy hiểm. Nhưng rong kinh là bệnh lý lại gây những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể là các bệnh: u xơ cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm nội mạc tử cung, hội chứng đa nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, bướu nước buồng trứng, ung thư. Nếu để rong kinh kéo dài mới đi khám thì kết quả điều trị rất thấp, dễ bị rong kinh tái phát nhiều lần gây vô sinh.

Kinh nguyệt có màu đen: Hiện tượng ra máu đen, vón cục trong kỳ kinh có thể là do bạn mắc một bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục làm giảm khả năng thụ thai. Thông thường, máu kinh loãng và bạn sẽ thấy có cục máu đông xuất hiện khi chưa kịp tan trước khi đẩy ra ngoài. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp máu đen, vón cục là do bệnh lý, ví dụ như lạc nội mạc tử cung.

Đau bụng dưới khi có kinh hay còn gọi là hiện tượng thống kinh. Cơn đau nặng hay nhẹ tùy theo thể trạng của mỗi người. Đau bụng kinh dẫn tới huyết ứ làm cho kinh xuống bị trở ngại, không thông sẽ gây nên đau vùng bụng, nhất là vùng bụng dưới.

Dấu hiệu vô sinh ở nữ giới ngoài yếu tố dịch âm đạo bất thường, tuyến vú kém phát triển thì kinh nguyệt bất thường là điều bạn cần đặc biệt quan tâm.

Có thể dẫn đến hiếm muộn, vô sinh

Trước hết, RLKN gây bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày và dẫn đến những bệnh viêm nhiễm như: viêm âm đạo, u màng trong tử cung, viêm buồng trứng... Mặt khác, lượng máu trong những ngày có kinh mất đi quá nhiều sẽ gây nên bệnh thiếu máu, cơ thể sẽ dễ mệt mỏi, khó chịu.

Chu kỳ kinh quá dài hay quá ngắn cũng gây khó khăn cho việc thụ thai. Và hậu quả chung là vô sinh, hiếm muộn. Vì cơ thể phát triển bình thường, vòng kinh đều đặn và ổn định là yếu tố vô cùng quan trọng đối với khả năng sinh sản của phụ nữ.

RLKN là dấu hiệu của nhiều bệnh cản trở quá trình thụ thai như tắc ống dẫn trứng, u xơ tử cung, đa nang buồng trứng hoặc rối loạn hormon sinh dục. Bên cạnh đó, tình trạng RLKN sẽ khiến bạn rất khó khăn trong việc tính ngày rụng trứng để quan hệ tình dục.

Khi nào thì cần đi khám bác sĩ?

Nên thường xuyên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình. Khi vòng kinh bất thường như: quá dài, ngắn hay lượng máu mất đi trong những ngày có kinh quá nhiều cũng cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của người phụ nữ.


BS. Nguyễn Thị Thanh
Ý kiến của bạn