Các rối loạn tâm thần này gây tác động sâu sắc không chỉ cho bản thân người bệnh với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau từ giảm hiệu suất làm việc, học tập, giảm cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, mất việc, nguy cơ tan vỡ hôn nhân, giảm chất lượng cuộc sống... Nặng nề nhất là người bệnh có thể xuất hiện ý định và hành vi tự sát.
Sự đa dạng của rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, cáu gắt, lo lắng, dễ xúc động, cảm thấy bi quan và tuyệt vọng.
Lo âu và trầm cảm do stress kéo dài có chiều hướng gia tăng
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai: Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một trong những dạng rối loạn tâm thần thường gặp. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí có thể lo lắng rất không phù hợp. Người bệnh mệt mỏi, giảm động lực và buồn chán. Nếu tình trạng này kéo dài ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người bệnh.
Mức độ căng thẳng phụ thuộc nhiều yếu tố như nhân cách, sự kiện gây căng thẳng như thất bại, sự đe dọa, bệnh tật… và sức đề kháng của cơ thể. Các yếu tố này có thể xảy ra đơn lẻ hoặc đồng thời ở mỗi người và được phân loại vào các yếu tố bên ngoài hoặc bên trong cơ thể như:
Yếu tố bên ngoài: bao gồm các sự kiện lớn trong cuộc sống như mất việc, mất mát người thân hoặc do các môi trường sống như ánh sáng hoặc tiếng ồn quá mức;
Yếu tố bên trong: xảy ra trong cơ thể, do chính bản thân tự tạo áp lực vào cuộc sống, ví dụ như có những kỳ vọng không thực tế, tiêu cực với bản thân hoặc sử dụng quá mức caffeine hay bia, rượu và thiếu ngủ liên tục.
Các triệu chứng rối loạn lo âu và trầm cảm có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan bộ phận như thần kinh, ngực bụng, và cơ da. Biểu hiện chủ đạo của rối loạn lo âu là lo lắng, lo sợ quá mức, còn trầm cảm là giảm khí sắc, buồn bã, chán nản, giảm quan tâm thích thú.
Stress kéo dài không chỉ gia tăng các bệnh lý rối loạn tâm thần, mà còn là kẻ thù của nhiều bệnh nội khoa mạn tính!
Thuốc thường dùng điều trị
Sau khi đã kiểm tra và thăm khám, ngoài trị liệu tâm lý, một số nhóm thuốc thường được bác sĩ kê đơn có thể kể tới như:
- Nhóm thuốc bình thần: Benzodiazepin, Tofisopam, …
- Nhóm thuốc chống trầm cảm: SSRI, Mirtazapin, chống trầm cảm 3 vòng, …
- Tăng cường dinh dưỡng não: Vitamin, ion hóa trị 2, …
Việc sử dụng thuốc cần tuân theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn cũng như đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
http://grapsy.vn/benh-nhan
Website gồm các trắc nghiệm tâm lý giúp bước đầu sàng lọc các rối loạn tâm thần thường gặp như rối loạn lo âu và trầm cảm cho người dùng không phải là cán bộ y tế.
Xin lưu ý rằng các Trắc nghiệm này chỉ có ý nghĩa tầm soát. Việc chẩn đoán xác định nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, sau khi đã được hỏi bệnh và thăm khám, bao gồm việc đánh giá mức độ suy giảm chức năng của bệnh nhân.
PV