Rối loạn hoảng sợ là một bệnh tâm thần khá phổ biến. Tỷ lệ bệnh trong dân chúng là 1,6%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới. Nhóm tuổi có tỷ lệ bệnh cao nhất là 25 – 45, tuy nhiên bệnh có thể gặp ở cả những người có tuổi cao hơn nhóm tuổi trên.
Rối loạn hoảng sợ cần chẩn đoán và phân biệt với bệnh gì?
Theo Hội Tâm thần học Mỹ (DSM IV) để chẩn đoán cơn hoảng sợ kịch phát có một giai đoạn sợ hãi hoặc khó chịu rất mạnh mẽ, với 4 (hoặc hơn) triệu chứng trong các triệu chứng sau xuất hiện và phát triển nhanh chóng trong khoảng 10 phút.
- Mạch nhanh, đánh trống ngực.
- Ra nhiều mồ hôi.
- Run tay, run chân.
- Cảm giác nghẹt thở.
- Cảm giác thở nông.
- Đau hoặc khó chịu ở ngực.
- Buồn nôn hoặc đau bụng.
- Cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng.
- Giải thể thực tế hoặc giải thể nhân cách.
- Sợ mất kiểm soát và phát điên.
- Sợ chết.
- Cảm giác chết lặng.
- Lạnh cóng hoặc nóng bừng.
Có rất nhiều triệu chứng cơ thể như mạch rất nhanh, đau ngực hoặc khó chịu ở vùng trước tim, cảm giác ngạt thở hoặc thiếu không khí, chóng mặt hoặc mất thăng bằng, cảm giác mất thực tế (giải thể thực tế hoặc giải thể nhân cách), tê liệt, nóng hoặc lạnh cóng, ra nhiều mồ hôi, run chân tay hoặc run toàn thân.
Căn cứ vào sự có mặt của ám ảnh sợ khoảng trống, người ta chia hoảng sợ thành 2 loại: Hoảng sợ có ám ảnh sợ khoảng trống và hoảng sợ không có ám ảnh sợ khoảng trống.
Ám ảnh sợ khoảng trống là bệnh nhân sợ những nơi có khoảng trống rộng, những nơi xa lạ, không có chỗ thoát hoặc không có người giúp đỡ. Ví dụ bệnh nhân sợ đi ra chợ, đi ra phố, sợ đi qua cầu một mình…
Rối loạn hoảng sợ cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh tâm thần nội sinh và các rối loạn tâm thần thực tổn khác.
– Bệnh nhân trầm cảm: Ở bệnh nhân rối loạn hoảng sợ nhìn chung không có nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như trong trầm cảm, bệnh nhân thường than phiền khó vào giấc ngủ chứ không than phiền thức dậy sớm và không mất cảm giác ngon miệng, giao động khí sắc trong ngày cũng ít gặp. Đặc điểm hay gặp nhất ở bệnh nhân rối loạn hoảng sợ là không mất thích thú, điều luôn có ở bệnh nhân trầm cảm.
– Một số bệnh nhân lạm dụng rượu và thuốc cũng có các cơn hoảng sợ, nhưng những bệnh nhân này sau khi cai rượu và thuốc, thì các cơn hoảng sợ cũng mất đi.
– Cần phân biệt cơn hoảng sợ với rối loạn stress sau sang chấn: Bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn phải có tiền sử chấn thương tâm lý và có hành vi xa lánh các tình huống gợi lại chấn thương.
– Các bệnh lý van tim cũng gây ra cơn hoảng sợ: Cần nghe tim và siêu âm tim để loại trừ bệnh lý van tim.
– Đôi khi cần phân biệt giữa cơn hạ đường huyết và rối loạn hoảng sợ: Các bệnh nhân hạ đường huyết đều có cảm giác đói cồn cào, ra nhiều mồ hôi, thể trạng béo, nên làm xét nghiệm đường huyết để loại trừ cơn hạ đường huyết.
Cần làm gì khi rối loạn hoảng sợ?
Tiến triển của rối loạn hoảng sợ nếu không được điều trị sẽ rất khác nhau. Hiện tại, chưa có cách nào biết được bệnh nhân sẽ phát triển ám ảnh sợ khoảng trống hay không. Rối loạn hoảng sợ tiến triển dao động và có thể tự lui bệnh sau vài tháng đến vài năm, từ khi có cơn hoảng sợ. Đặc biệt, một số ít bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong hàng chục năm.
Theo dõi trong 7 năm các bệnh nhân rối loạn hoảng sợ được điều trị, chúng tôi nhận thấy phần lớn bệnh nhân tiến triển tốt. Tuy nhiên, có một số yếu tố tiên lượng xấu, bao gồm: Cơn hoảng sợ mạnh mẽ, có ám ảnh sợ khoảng trống, thời gian bị bệnh kéo dài, có trầm cảm phối hợp, sống đơn độc hoặc đã ly dị, tầng lớp thấp của xã hội… Nhìn chung, các nghiên cứu đều cho rằng sau 5 năm điều trị có 34% số bệnh nhân khỏi bệnh, 46% còn một ít triệu chứng, 20% chỉ đỡ ít hoặc thậm chí nặng thêm. Những bệnh nhân có nhân cách lo âu – sợ hãi hoặc đáp ứng điều trị ban đầu kém… đều có tiên lượng xấu.
Việc điều trị cũng tùy thuộc vào từng bệnh nhân, có thể sử dụng điều trị bằng thuốc; điều trị bằng liệu pháp tâm lý.
Sau khi điều trị cắt cơn hoảng sợ kịch phát bằng thuốc, một số bệnh nhân vẫn có thái độ cẩn trọng quá mức. Để khắc phục các rối loạn đánh giá và hành vi của bệnh nhân, người ta sử dụng biện pháp động thái tâm lý truyền thống. Liệu pháp này có thể có kết quả tốt trên một số bệnh nhân.
Khi kết hợp bằng thuốc chống trầm cảm và liệu pháp động thái tâm lý cho bệnh nhân rối loạn hoảng sợ trong 9 tháng, người ta nhận thấy tỷ lệ tái phát giảm đi. Liệu pháp động thái tâm lý cần tiến hành 2 lần/tuần, tối thiểu trong 3 tháng. Các triệu chứng hoảng sợ, lo âu, trầm cảm cũng giảm đi nhiều. Như vậy, liệu pháp động thái tâm lý không thay thế điều trị bằng thuốc.
Ngoài ra, liệu pháp nhận thức và liệu pháp hành vi cũng có thể được áp dụng trong điều trị cơn hoảng sợ kịch phát, tập thở để kiểm soát tình trạng tăng thông khí cấp tính và mạn tính. Ngoài ra, bệnh nhân học các bài tập và cách thư giãn… Nếu điều trị bằng liệu pháp hành vi tốt, có đến 80% số bệnh nhân hết cơn hoảng sợ sau 12 tuần.
Bình thường, khi khởi phát cơn hoảng sợ kịch phát, bệnh nhân bị thu hút vào các dấu hiệu bình thường của cuộc sống khi tim đột nhiên đập nhanh và không thể thở bình thường. Cảm giác phát điên, đau đầu và tin rằng mình sẽ chết.
Hầu hết bệnh nhân đều có lo âu và ám ảnh xa lánh ở các mức độ khác nhau, như là hậu quả của kinh nghiệm về cơn hoảng sợ. Khi đó, bệnh nhân thường xuất hiện và phát triển ám ảnh sợ khoảng trống, như thế chẩn đoán sẽ là hoảng sợ có ám ảnh sợ khoảng trống.
Hình ảnh lâm sàng của ám ảnh sợ khoảng trống rất đa dạng, có nhiều loại sợ hãi khác nhau và có nhiều hành vi xa lánh. Triệu chứng chính của bệnh là: Sợ đi ra khỏi nhà (bệnh nhân không dám đi ra khỏi nhà một mình), sợ phải ở một mình, sợ những khoảng trống, những nơi xa lạ với bệnh nhân.
Người có ám ảnh sợ khoảng trống thường không sử dụng được phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu, tàu điện ngầm, máy bay), nơi đông người, rạp hát, thang máy, quán ăn, siêu thị, cửa hàng, đi du lịch xa nhà. Nếu ám ảnh sợ khoảng trống nặng, bệnh nhân không thể rời khỏi nhà, thậm chí không dám ở nhà một mình.
Mời độc giả xem thêm video:
Các phương pháp chữa rối loạn lo âu, stress