Rối loạn hoảng sợ: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng bệnh

25-10-2024 15:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rối loạn hoảng sợ là bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ. Tình trạng này diễn ra với tần suất và mức độ tăng dần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người.

1. Rối loạn hoảng sợ là gì?

Rối loạn hoảng sợ là bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ. Những tình huống, sự kiện khiến người bệnh hoảng loạn thường rất đa dạng. 

Tình trạng này diễn ra với tần suất và mức độ tăng dần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người.

Cơn hoảng loạn tấn công thường chỉ diễn ra trong 15 giây nhưng những hệ lụy sau đó vẫn tiếp diễn trong 5 đến 30 phút, thậm chí có thể kéo dài cả tiếng. Người bệnh trong cơn hoảng loạn nếu không được kiểm soát và hỗ trợ đúng cách sẽ xuất hiện các hành vi bốc đồng, kích động, làm hại đến bản thân và những người xung quanh. Các triệu chứng rối loạn hoảng sợ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ tình huống nào.

Bản thân người bệnh có thể nhận thấy nỗi hoảng sợ của họ là vô lý nhưng không làm cách nào để kiểm soát được. Một số người sẽ né tránh việc ra ngoài để không làm bùng phát cơn hoảng sợ. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tinh thần, công việc và các mối quan hệ của người bệnh.

Rối loạn hoảng sợ: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Các triệu chứng tâm thần chính bệnh rối loạn hoảng sợ kịch phát là sợ hãi cùng cực và cảm giác sắp chết, sắp phát điên.

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn hoảng sợ

Hiện tại các nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân chính xác gây rối loạn hoảng sợ. Sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh, những sự kiện từ quá khứ mang tính kinh hoàng hoặc các vấn đề xung quanh cuộc sống của người bệnh được cho là có nguy cơ gây rối loạn hoảng sợ.

Cụ thể, các yếu tố được cho là có liên quan đến chứng rối loạn hoảng sợ bao gồm:

  • Sự thiếu hụt các chất hóa học trong não bộ như serotonin và epinephrine được cho là mối liên hệ trực tiếp với những người bị rối loạn hoảng sợ. Các chất dẫn truyền thần kinh này được biết đến với cái tên là hormone hạnh phúc, khi cơ thể tiết ra serotonin và epinephrine bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn. Thiếu hụt serotonin và epinephrine sẽ làm gia tăng các căng thẳng, mệt mỏi cũng như các vấn đề tâm lý khác.
  • Dù không tìm thấy các gen mang tính chất di truyền chứng rối loạn hoảng sợ nhưng cách giáo dục, trò chuyện và tương tác với con hằng ngày ở những phụ huynh mắc chứng rối loạn hoảng sợ có thể khiến con dễ bị ảnh hưởng và gia tăng nguy cơ mắc bệnh hơn.
  • Ở những người từng gặp các sự kiện kinh hoàng, chẳng hạn như bị bắt cóc, tai nạn giao thông, cưỡng hiếp hoặc mắc các bệnh nguy kịch có thể bị ám ảnh bởi những điều này và trở nên dễ hoảng sợ, giật mình, lo âu hơn.
  • Ở những người nghiện bia rượu, chất kích thích sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
  • Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Người bị căng thẳng, stress quá mức vì gia đình, công việc, tình cảm Caffeine, nicotine và các chất khác có thể làm tăng cơn hoảng loạn.
  • Các thuốc như steroid, ống xịt thuốc dùng cho bệnh hô hấp, thuốc tuyến giáp, thuốc giảm cân, thuốc dị ứng, ho và cảm lạnh cũng có thể góp phần gây ra bệnh

3. Triệu chứng bệnh rối loạn hoảng sợ

Các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ xuất hiện trên cả mặt tinh thần lẫn thể chất. Điều này có thể tác động đến các hành vi của người bệnh. Một số người chỉ xuất hiện các triệu chứng lo âu, hoảng sợ quá mức trong một vài tình huống nhưng cũng có người trở nên hoảng loạn với tất cả mọi thứ.

Rối loạn hoảng sợ: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Bệnh nhân có thể cảm thấy bối rối và khó tập trung.

Những triệu chứng của bệnh rối loạn hoảng sợ bao gồm:

  • Cảm giác bồn chồn, hồi hộp, tim đập nhanh.
  • Vã mồ hôi kể cả khi trời đang rất lạnh.
  • Run rẩy, chân không đứng vững, tay không cầm nắm được.
  • Thở hụt hơi, khó thở như khi vừa leo cầu thang dài.
  • Cảm giác nghẹn cổ họng.
  • Đau ngực, khó chịu ngực, một số người có cảm giác như đau tim hay sắp chết đến nơi.
  • Cảm giác khó chịu ở bụng, buồn nôn, có thể nôn.
  • Chóng mặt, mất thăng bằng, chuếnh choáng, ngất.
  • Ớn lạnh, rùng mình hoặc cũng có thể có cảm giác nóng bừng.
  • Có cảm giác như da bị châm chích, tê ngứa râm ran như bị kiến bò.
  • Cảm thấy như đang không ở hiện tại, tâm trí lâng lâng tách rời khỏi thực tại.
  • Bị mất kiểm soát với các cảm xúc, hành vi của bản thân.
  • Sợ chết, lo rằng sắp có chuyện xấu xảy ra và cảm thấy tuyệt vọng Khi gặp các sự kiện. hoảng loạn có thể trở nên kích động, la hét, hoảng loạn.
  • Gõ ngón tay xuống bàn hoặc có xu hướng cầm nắm, siết chặt một thứ gì đó.

Những dấu hiệu về mặt tâm lý này đã hình thành một số biểu hiện né tránh trong các hành vi người bệnh. Cụ thể:

  • Làm gì cũng rón rén, nhẹ nhàng, chậm chạp vì sợ nhịp tim tăng nhanh.
  • Người bị rối loạn hoảng sợ thường có xu hướng quan tâm quá mức đến sức khỏe, họ có thể mua máy đo nhịp tim, máy đo huyết áp và đem ra đo thường xuyên, nếu thấy các chỉ số quá cao sẽ càng trở nên hoảng loạn hơn.
  • Né tránh những địa điểm, vị trí mà họ đã từng gặp cơn hoảng loạn vì sợ những cảm xúc đó sẽ quay trở lại. Chẳng hạn nếu họ đã từng bị giật mình, ám ảnh vì những con chim ở công viên thì họ sẽ không bao giờ quay trở lại đó, thậm chí có xu hướng tìm đường khác để không phải đi qua công viên đó.
  • Thường khó khăn trong việc ở một mình hay đi ra ngoài một mình hoặc bắt buộc phải có người thân bên cạnh nếu ra ngoài.
  • Thường chỉ muốn ở trong nhà, không muốn ra ngoài, kể cả đi làm.

4. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Rối loạn hoảng sợ kịch phát được xem như là 1 triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội, các tình huống gây hoảng sợ kịch phát trong lo âu bị chia cắt… không được chẩn đoán là rối loạn hoảng sợ kịch phát.

Rối loạn hoảng sợ thường gặp ở lứa tuổi thiếu niên, nhưng phổ biến ở lứa tuổi 18-19 và tỷ lệ nữ giới bị bệnh cao hơn nam giới, người phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống.

Người có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn hoảng sợ như:

  • Trải qua những đau buồn trong cuộc sống (mất người thân, người yêu,…).
  • Bị tổn thương tâm lý trầm trọng trong quá khứ như bị lạm dụng tình dục, thân thể hoặc bị tai nạn nghiêm trọng.
  • Có những biến cố lớn trong đời như ly hôn hoặc trầm cảm sau sinh.
  • Nghiện thuốc lá hoặc lạm dụng caffeine.
  • Tiền sử gia đình có người bị cơn hoảng loạn hoặc mắc chứng rối loạn hoảng sợ.

5. Phòng ngừa bệnh rối loạn hoảng sợ

Để phòng ngừa bệnh rối loạn hoảng sợ có thể áp dụng một số biện pháp sau: 

  • Ngủ đủ giấc, tập thể dục hàng ngày và xây dựng chế độ ăn uống điều độ; 
  • Cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc sống; 
  • Học thiền, xoa bóp, yoga, thái cực quyền và các bài tập làm giảm stress; 
  • Cần tới ngay các cơ sở y tế nếu gặp phải cơn hoảng loạn thường xuyên hoặc có tác dụng phụ từ thuốc, bị trầm cảm hoặc có ý định tự tử.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh rối loạn hoảng sợ:

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh rối loạn hoảng sợ theo Hội Tâm thần học Mỹ (DSM IV) là có ít nhất 4/13 triệu chứng trong các triệu chứng sau:

  • Mạch nhanh, đánh trống ngực.
  • Ra nhiều mồ hôi.
  • Run tay, run chân.
  • Cảm giác nghẹt thở.
  • Cảm giác thở nông.
  • Đau hoặc khó chịu ở ngực.
  • Buồn nôn hoặc đau bụng.
  • Cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng.
  • Giải thể thực tế hoặc giải thể nhân cách.
  • Sợ mất kiểm soát và phát điên.
  • Sợ chết.
  • Cảm giác chết lặng.
  • Lạnh cóng hoặc nóng bừng.

6. Các biện pháp điều trị rối loạn hoảng sợ

Tất cả bệnh nhân mắc rối loạn hoảng sợ đều nên giảm stress bằng cách theo đổi các sở thích cá nhân hoặc tham gia các hoạt động thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh.

Có nhiều phương pháp điều trị kết hợp có thể làm giảm hoặc mất chứng rối loạn hoảng sợ như:

  • Liệu pháp hành vi như phương pháp phản hồi sinh học Bệnh nhân học cách thay đổi sức cơ hoặc sóng não bằng cách kiểm soát hơi thở Phương pháp khác như thư giãn cơ tăng dần, tưởng tượng, thiền hoặc thôi miên.
  • Các thuốc an thần cũng được cân nhắc chỉ định nhưng có thể gây tác dụng phụ như buồn ngủ hoặc nghiện thuốc. Người có tiền sử sử dụng các chất kích thích không nên cho dùng các thuốc này.
  • Người bệnh cần đến các bệnh viện có chuyên khoa về tâm thần hay các trung tâm tâm lý để làm một số xét nghiệm nhằm kiểm tra chính xác bệnh. Bác sĩ sẽ cho người bệnh làm một số bài test, xác định với người bệnh thời điểm xuất hiện các triệu chứng ( trên 6 tháng) nếu đạt đầy đủ các tiêu chí sẽ được chẩn đoán là rối loạn hoảng sợ.
  • Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối những chỉ định từ bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý để đảm bảo việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, tránh các hệ lụy đáng tiếc khác xuất hiện. Việc điều trị thường kéo dài ít nhất 6 tháng, tuy nhiên cũng có những người phải gặp gỡ bác sĩ thường xuyên để ngăn nguy cơ tái phát các triệu chứng.
Cơn hoảng sợ kịch phát gia tăng giữa dịch COVID-19Cơn hoảng sợ kịch phát gia tăng giữa dịch COVID-19

SKĐS - Trước đại dịch COVID-19, cũng đã có bệnh nhân đến tìm đến bác sĩ với các cơn hoảng sợ kịch phát. Tuy nhiên, trong đại dịch, căn bệnh này có chiều hướng gia tăng.


BSCKII. Nguyễn Cảnh Hùng
Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An
Ý kiến của bạn