1. Rối loạn giọng tuổi dậy thì là gì?
Rối loạn giọng tuổi dậy thì là tình trạng giọng nói trẻ em vẫn tồn tại sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn.
Tuy chỉ gặp với tỷ lệ khoảng 1/900.000 nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, những rối loạn này có thể trở thành vĩnh viễn không hồi phục.
Rối loạn giọng tuổi dậy thì dẫn đến mặc cảm về tâm lý, cản trở giao tiếp xã hội, học tập, làm việc, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống.
2. Nguyên nhân của rối loạn giọng tuổi dậy thì
- Tâm lý: Trẻ nam đang nói giọng trẻ con mà chuyển đột ngột sang giọng trầm khiến nhiều em thấy ngại, cố "níu kéo" giọng cũ của mình, dẫn đến mất khả năng phát âm chính xác về cao độ.
- Tổn thương thực thể: Rãnh dây thanh bẩm sinh, bệnh về nội tiết, sinh dục, thượng thận, tuyến yên…
- Môi trường: Trẻ nam sống trong gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, hay viêm nhiễm đường hô hấp… đến tuổi dậy thì cũng dễ bị rối loạn giọng.
3. Cơ chế của rối loạn giọng tuổi dậy thì
Cao độ là một trong các đặc trưng của giọng nói, được thể hiện qua tần số cơ bản F0. Bình thường, nữ giới và trẻ em có tần số cơ bản F0 dao động trong khoảng 200-300 Hz, nên giọng có tính chất thanh, cao. Trong khi đó, nam giới tuổi trưởng thành có F0 khoảng 100 Hz, thấp hơn một nửa quãng giọng, nên có tính trầm ấm. Ở độ tuổi dậy thì, trẻ nam sẽ có quá trình phát triển sinh lý, chuyển F0 từ tần số cao xuống F0 tần số thấp.
Rối loạn giọng tuổi dậy thì là bệnh lý rối loạn về chuyển đổi cao độ của giọng nói từ cao xuống trầm xảy ra ở độ tuổi dậy thì. Hậu quả là sau đó, trẻ nam vẫn có giọng cao, thanh mảnh, giọng yếu kèm theo giọng thở - mà trong dân gian hay được gọi là giọng "ái nam ái nữ".
Theo các nghiên cứu trên thế giới, nguyên nhân chủ yếu bệnh lý này là do yếu tố tâm lý, tính cách trẻ gây ra. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ liên quan đến bệnh lý nội tiết hay tổn thương tại dây thanh.
4. Chẩn đoán rối loạn giọng tuổi dậy thì như thế nào?
Trẻ bị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng nhằm đánh giá các đặc điểm ảnh hưởng đến giọng nói:
- Tiền sử, diễn biến của rối loạn giọng nói.
- Khám các cơ vùng cổ có vai trò tham gia vào quá trình phát âm (cơ ngoại thanh quản).
- Nội soi hoạt nghiệm thanh quản.
- Đo thời gian phát âm tối đa (MPT).
- Mức độ rối loạn giọng bằng các thang điểm GRBAS và VHI-10.
- Phân tích chất thanh.
Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở y tế đã triển khai đầy đủ các phương pháp đánh giá nói trên, giúp phát hiện và chẩn đoán mức độ rối loạn giọng tuổi dậy thì, từ đó đề ra biện pháp điều trị phù hợp và hiệu quả cho từng trường hợp cụ thể.
Trẻ cũng nên được khám chuyên khoa Nội, Nhi để phát hiện thiểu năng các đặc tính sinh dục phụ thứ phát và làm xét nghiệm định lượng nồng độ hormon testosteron trong máu. Nếu nồng độ testosteron giảm, bệnh nhân sẽ được bổ sung hormon để cải thiện tình trạng bệnh.
5. Điều trị rối loạn giọng tuổi dậy thì được thực hiện như thế nào?
- Tư vấn tâm lý: bệnh nhân được giải thích về cơ chế phát âm và bệnh lý của mình, cách điều trị và tiên lượng.
- Bài tập luyện giọng: mỗi đợt tập bắt đầu bằng một buổi 45 phút với tần suất 1 buổi/tuần. Sau đó, bệnh nhân tự tập ở nhà 2 lần/ngày, mỗi lần 30 phút.
Số buổi tập thay đổi tùy theo mức độ rối loạn giọng và tiến triển điều trị của từng người bệnh. Sau 3 đợt tập, bệnh nhân sẽ được ghi âm đánh giá giọng nói; sau 5 đợt tập sẽ được ghi âm và nội soi hoạt nghiệm kiểm tra.
Các bài tập gồm có:
- Bài tập thư giãn: bài tập thở, tập ngáp, massage cơ vùng cổ…
- Bài tập cộng hưởng: humming hạ thấp âm vực, rung môi...
- Kỹ thuật phát âm “boom” khi nuốt.
- Kỹ thuật ấn sụn giáp kết hợp ho, đằng hắng.
- Hạ thấp thanh quản kết hợp phát âm nguyên âm.
- Phản hồi nghe nhìn…
- Bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, điều trị bằng luyện giọng kết hợp tư vấn tâm lý tỷ lệ thành công cao gần 95%.
- Một số ít bệnh nhân không đáp ứng với luyện giọng và điều trị tâm lý có thể xét phẫu thuật chỉnh hình dây thanh.
6. Lời khuyên của bác sĩ
Rối loạn giọng tuổi dậy thì ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ, giảm chất lượng cuộc sống, giao tiếp, học tập và làm việc. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ có rối loạn giọng tuổi dậy thì, phụ huynh nên sớm cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Điều trị rối loạn giọng tuổi dậy thì chủ yếu là tư vấn tâm lý kết hợp các bài tập luyện giọng. Khả năng thành công phụ thuộc vào việc chẩn đoán đúng, sớm (tốt nhất là trước 20 tuổi), tư vấn và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa đối với từng trường hợp cụ thể cũng như sự tuân thủ của bệnh nhân.
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân, sau khi kết thúc liệu trình điều trị tại bệnh viện, người bệnh sẽ được theo dõi và khám lại để đánh giá mức độ hồi phục giọng nói.
Trong sinh hoạt hàng ngày, để duy trì giọng nói khỏe mạnh, người bệnh cần:
- Uống nhiều nước,
- Có chế độ ăn ngủ điều độ, tránh lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá…),
- Tránh các thói quen dễ gây tổn thương thanh quản (la hét, đằng hắng giọng, nói trong môi trường ồn…).