Hà Nội

Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì

22-02-2015 12:33 | Giới tính
google news

SKĐS - Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn.

Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Điều này  khiến cho người bệnh bị mặc cảm và hạn chế giao tiếp. Bệnh nhân cũng dễ tổn thương khi bị chọc ghẹo hoặc bị hiểu lầm giới tính khi nói chuyện qua điện thoại.

Nam giới dễ mắc hơn nữ giới

Đối với nam giới, sự thay đổi giọng này kéo dài từ 3 - 6 tháng, sau đó ổn định và thành giọng đàn ông. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp đã qua tuổi vỡ giọng  nhưng giọng nói vẫn chưa được hoàn chỉnh, vẫn thanh, cao, rè, thường xuyên vót lên như nữ giới và đôi khi tắt ngấm không thành lời. Biểu hiện này được xem là hiện tượng rối loạn giọng nói.

Một bệnh nhân đang được luyện giọng nói tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM.            Ảnh: MT

Đối với nữ giới sự “lỗi giọng” này cũng xảy ra ở các em nữ, khiến giọng các em trầm, khàn và gặp khó khăn khi hát những nốt cao… nhưng quá trình diễn ra chậm hơn và không rõ ràng như nam giới.

Nguyên nhân do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân rối loạn giọng  trong đó ở tuổi dậy thì thông thường là do sự tác động của những yếu tố nội tiết đã làm cho giọng nói biến đổi đột ngột. Tuy nhiên ở trẻ nam thường gặp hơn và thay đổi giọng thường xuất hiện cùng lúc với sự phát triển nhanh của cơ thể và thường kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Ngoài ra, khi các em nam sống trong gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, viêm nhiễm đường hô hấp… đến tuổi dậy thì cũng dễ bị rối loạn giọng.

Tuy nhiên, ở một số trường hợp rối loạn giọng nói còn có thể là do những bệnh lý về dây thanh như liệt nhẹ thanh quản, có rãnh bẩm sinh ở thanh quản...

Về điều trị

Rối loạn giọng nói ảnh hưởng nhiều đến tấm lý của trẻ, nhiều trẻ không tự tin thậm chí ảnh hưởng cả đến học hành... nhiều phụ huynh thấy con bị rối loạn giọng nói đã tìm cách chữa trị theo lời mách bảo, theo truyền miệng,… phản khoa học khiến cho bệnh không khỏi mà còn nguy hiểm đến tính mạng.

Tại cơ sở y tế, người bệnh có thể sẽ được chỉ định luyện thanh âm để điều trị rối loạn giọng ở tuổi dậy thì. Phương pháp này đơn giản, ít tốn kém, khả năng thành công cao bằng cách được nhà chuyên môn tại các khoa thanh âm hướng dẫn để nói ra được giọng chuẩn. Lứa tuổi tốt nhất để luyện giọng là trước 20 tuổi, bởi càng lớn, giọng nói đã ổn định và thành thói quen, việc điều chỉnh sẽ khó khăn.

Nếu rối loạn giọng do rối loạn hoóc-môn sinh dục ở nam, có thể đến khám tại các bệnh viện nam khoa để làm xét nghiệm testosteron. Nếu nồng độ testosteron giảm, kết hợp với việc thiểu năng các đặc tính sinh dục phụ thứ phát, bệnh nhân sẽ được bổ sung hoóc-môn để cải thiện tình trạng bệnh. Song song đó là phối hợp với luyện giọng. Đối với những trường hợp rối loạn giọng do dây thanh không kín, phát triển không đều, liệt dây thanh... thì có thể phẫu thuật.

Chính vì vậy, khi trẻ bị rối loạn giọng, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là chia sẻ để trẻ hiểu, rối loạn là một quá trình tự nhiên trong phát triển, ai cũng từng trải qua. Nếu tình trạng kéo dài hoặc kèm theo những biểu hiện bất thường thì cần đưa trẻ đến sơ sở y tế chuyên khoa khám để tìm hiểu nguyên nhân gây rối loạn, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Việt

 

 

 


Ý kiến của bạn