Rối loạn giấc ngủ - từ chẩn đoán đến điều trị theo y học cổ truyền

SKĐS - Rối loạn giấc ngủ nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều hậu quả xấu đến cho người bệnh.

Chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo, cảm thấy mệt mỏi, tinh thần kém minh mẫn và không tập trung vào công việc, học tập sa sút, lao động kém hiệu quả... Rối loạn giấc ngủ thường là một triệu chứng sớm của bệnh tâm thần.

Ngủ là một trạng thái thông thường, tái diễn và đảo ngược dễ dàng, được đặc trưng bởi sự yên lặng tương đối và sự gia tăng đáng kể của ngưỡng đáp ứng với những kích thích bên ngoài so với lúc thức.Rối loạn giấc ngủ nguyên phát là rối loạn giấc ngủ không được gây nên bởi một rối loạn tâm thần khác, một bệnh nội khoa hoặc sử dụng chất.Có 2 rối loạn giấc ngủ nguyên phát chính là chứng khó ngủ (dyssomnias) và những rối loạn xảy ra trong giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn xảy ra gây trở ngại trong hoạt động chuyên môn và xã hội (mệt mỏi, khó tập trung trong học tập, lao động, chất lượng công việc kém,...). Người bệnh thường cảm thấy khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ hoặc cảm thấy không thoải mái, nhức đầu sau khi ngủ dậy.

Không có nguyên nhân thực thể nào được tìm thấy nhưng nguyên nhân tâm lý và cảm xúc là yếu tố nổi bật. Theo phân loại quốc tế bệnh tật lần thứ 10 (ICD –10) nhóm này bao gồm:

Rối loạn giấc ngủ là sự biến đổi về số lượng, chất lượng và thời gian ngủ do các nguyên nhân cảm xúc bao gồm mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ.

Giấc ngủ thất thường có sự kiện bất thường xảy ra trong lúc ngủ như trẻ con quấy khóc, mê sảng, mê mộng hoặc người lớn trong khi ngủ có miên hành, hoảng sợ, ác mộng.

Rối loạn giấc ngủ

Theo Y học cổ truyền rối loạn giấc ngủ thuộc phạm trù chứng Thất miên (mất ngủ), đầu thống (đau đầu), kiện vong (hay quên). Nguyên nhân do tâm tỳ yếu, gây thiếu huyết hoặc thận âm suy kém hoặc do hỏa của can đởm bốc hoặc do Vị khí không điều hòa, hoặc do sau khi bệnh nặng cơ thể bị suy nhược không ngủ được. Mỗi thể bệnh có cách điều trị khác nhau:

Tâm tỳ yếu: Do lao động hoặc suy nghĩ quá sức, hoảng hốt, tim hồi hộp hay quên, chân tay rũ mỏi, ăn uống kém, sắc mặt vàng úa.

Bài thuốc: Bá tử nhân 20g; củ mài (sao vàng) 40g; hạt sen (để tím sao) 40g; táo nhân (sao đen) 20g; long nhãn 20g; lá dâu non 20g; lá vông nem 20g. Long nhãn giã nhuyễn, các vị khác tán bột trộn đều viên bằng hạt ngô, sấy khô, bỏ lọ nút kín dùng dần.Người lớn uống 12g x 2 lần/ngày.

Châm cứu: Cách du, Tâm du, Tam âm giao và Thần môn. Châm bổ 1 lần/ngày, nên kết hợp cứu ấm.

Thận âm suy kém: Mất ngủ, buồn bực, ù tai, đau lưng, đàn ông kèm di tinh, phụ nữ kèm theo bạch đới.

Bài thuốc: Đậu đen (sao chín) 40g; vừng đen (sao đến khi hết nổ) 40g; lá vông (non) 40g; lá dâu tằm (non) 40g; lạc tiên (dây lá) 20g; vỏ núc nác (sao rượu) 12g; thảo quyết minh (hạt muồng muồng) (sao) 20g. Các vị thuốc chế xong đem đồ cho chín, giã nhuyễn, thêm ít đừng trộn hồ viên bằng hạt ngô, sấy khô bỏ lọ, nút kín dùng dần.Người lớn uống 20g x 2 lần/ngày.

Châm cứu: Thận du, Thái khê (châm bổ hoặc cứu), Tâm du, Nội quan (tả nhẹ).

Hỏa của can đởm bốc: Mất ngủ, thêm các chứng đầy tức ngực sườn, ợ hơi, cáu gắt, ngủ hay mơ.

Bài thuốc: hạt sen 40g; táo nhân (sao đen) 40g; thảo quyết minh 40g; tán nhỏ luyện với hồ, viên bằng hạt ngô, sấy khô bỏ lọ, nút kín dùng dần. Người lớn uống 20g x2 lần/ngày.

Châm cứu: Can du, Đởm du, Thái xung, Thần môn (châm tả).

Vị khí không điều hòa: Mất ngủ kèm theo đầy tức vùng vị quản, đầy bụng, ợ hơi. Trường hợp này chỉ tạm thời tiết chế ăn uống và ăn các thức ăn dễ tiêu kết hợp châm cứu. Châm: Trung quản, Túc tam lý, Nội quan, Phong long (châm tả), Thần môn (châm bổ).

Châm cứu điều trị rối loạn giấc ngủ: chủ yếu các huyệt: Bách hội, Thần môn, Nội quan (thanh tâm an thần), Tam âm giao (tư âm giáng hỏa), Tâm du (giáng hỏa), Thận du (tráng thủy giảm hỏa cho tâm thận tương giao thì thần yên, ngủ khỏe không có mộng mị), ngoài ra Ấn đường, Thái dương, Phong trì, An miên 1, An miên 2,.. vừa có tác dụng tại chỗ, vừa có hiệu quả điều trị rối loạn giấc ngủ.

Xoa bóp - bấm huyệt: Với đặc điểm là dùng bàn tay, ngón tay là chính xoa bóp - bấm huyệt tác động lên da, thịt, gân, khớp, kinh lạc, huyệt vị trên người để đạt mục đích phòng và chữa bệnh. Đối với rối loạn giấc ngủ, điều trị bằng xoa bóp - bấm huyệt tỏ ra rất có hiệu quả.Thủ thuật thực hiện chủ yếu ở vùng đầu. Cần thao tác chậm nhịp nhàng mềm mại sẽ có tác dụng ức chế thần kinh làm cơ thư giãn, giảm đau, an thần dễ ngủ.

Ấn day chân tóc: Dùng đầu ngón tay thực hiện kỹ thuật day ấn theo hình lò xo từ chân tóc lên đầu.

Chải đầu: Dùng các ngón tay chải đầu, theo hướng chải thẳng và chải ngang, vừa chải vừa kéo nhẹ chân tóc lên, có cảm giác hơi căng vùng đầu.

Vỗ đầu: Dùng thủ thuật chặt bằng ngón tay: 2 bàn tay chập lại tác động vùng đầu.

Gõ đầu: Dùng đầu các ngón tay gõ quanh đầu, theo hai hướng ngược chiều nhau, gõ hai vòng đối xứng với lực vừa phải

Bóp đầu: Ngón cái 1 bên các ngón tay còn lại 1 bên và thực hiện bóp lực vừa,  hai bàn tay bóp đầu theo hướng từ dưới lên trên.

Tìm điểm đau (a thị huyệt) và day điểm đau: tùy điểm đau cự án (day mạnh, nhanh, thời gian ngắn) hay thiện án (day nhẹ thời gian lâu) mà day cho thích hợp.

Ấn day bấm các huyệt: Đầu duy, Bách hội, Nội quan, Thần môn, Phong phủ, Phong trì. Tứ thần thông, Thái dương, Ế phong, An miên,… Tùy vị trí mà sử dụng huyệt hợp lý, với lực vừa phải

Rung: Hai tay ôm lấy đầu và thực hiện kỹ thuật rung với tần số nhanh. Tạo cảm giác dễ chịu.

Thời gian xoa bóp và bấm huyệt vùng đầu 20 phút, với lực vừa phải và đều tay. Tránh làm lúc nhanh lúc chậm, lúc nặng, lúc nhẹ mà không đạt yêu cầu cải thiện mất ngủ.

Tập luyện: Các động tác thư giãn, thở 4 thời: có tác dụng luyện ức chế thần kinh chủ động (thư giãn); cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế (thở 4 thời).

Ăn uống: Đa dạng, tránh sử dụng các chất kích thích nhất là trước khi đi ngủ,…

Theo y học cổ truyền trong điều trị rối loạn giấc ngủ là làm sơ thông kinh lạc, tâm thân tương giao, điều hòa tỳ vị, lưu thông khí huyết nhất là vùng đầu, làm cho dinh vệ được điều hòa, âm dương được thăng bằng, qua đó thiết lập lại sự cân bằng cho cơ thể, tạo điều kiện để có được giấc ngủ ngon. Khi các phương pháp trên chưa cải thiện nên đi khám thầy thuốc chuyên khoa để được các thầy thuốc thăm, khám, chẩn đoán xác định rối loạn giấc ngủ để và được tư vấn điều trị thích hợp.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn