Rối loạn dung nạp glucose là gì?
Rối loạn dung nạp glucose là tên gọi của chứng đường glucose trong máu tăng cao hơn bình thường nhưng thấp hơn mức người bị bệnh đái tháo đường. Đây là sự kết hợp giữa rối loạn quá trình sản sinh insulin và giảm độ nhạy của insulin (kháng insulin). Những người có rối loạn dung nạp đường máu sẽ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường cũng như các bệnh tim mạch (bệnh động mạch ngoại biên, đột quỵ…). Nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể giúp ngăn cản hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh đái tháo đường và tim mạch…
Theo Hội Đái tháo đường Quốc tế (IDF), trong năm 2003, số người có rối loạn dung nạp glucose là 314 triệu người (8,2% những người trưởng thành) và đến năm 2025 dự báo con số này sẽ tăng lên 472 triệu (9% những người trưởng thành). Thêm vào đó, dữ liệu của IDF chứng minh rằng các cư dân ở những vùng địa lý khác nhau có tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose khác nhau. Vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương đứng cao nhất về số người trưởng thành mắc rối loạn này, tỷ lệ này cũng đang tăng nhanh ở châu Phi, Trung Đông, và vùng phía đông Địa Trung Hải. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của tác giả Đỗ Thị Ngọc Diệp và cộng sự cho thấy tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose tại thành phố Hồ Chí Minh là 10,8%. Có thể thấy rằng tỷ lệ này gia tăng đáng báo động cần có các biện pháp can thiệp phù hợp.
Cần phát hiện sớm các rối loạn dung nạp glucose trong cơ thể.
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn dụng nạp glucose
Để chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose có thể sử dụng xét nghiệm rối loạn dung nạp glucose và HbA1c.
Với xét nghiệm rối loạn dung nạp glucose (OGTT), người ta làm xét nghiệm đường huyết đói buổi sáng sau một đêm không ăn và làm xét nghiệm lần nữa sau 2 giờ uống một dung dịch chứa đường glucose được sử dụng chuyên biệt cho nghiệm pháp dung nạp glucose. Ở người bình thường, đường huyết 2 giờ sau khi uống đường thường dưới 7,8mmol/L (140mg/dL).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người có rối loạn dung nạp glucose là khi: đường máu đói nhỏ hơn 7 mmol/L; đường máu sau khi làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết 2 giờ từ 7,8 mmol/L đến 11,1mmol/L. Ngoài ra có thể sử dụng xét nghiệm HbA1c. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo mức độ HbA1c từ 42 - 47mmol/mol(6,0 - 6,5%) chỉ ra một nguy cơ cao của bệnh đái tháo đường. Ngoài ra cũng cần biết đến tình trạng rối loạn đường máu đói tức là khi đường máu đói sau một đêm nhịn ăn dao động từ 5,1 mmol/L – 7 mmol/L.
Yếu tố nguy cơ nào nào dẫn đến rối loạn dung nạp glucose
Tương tự như đái tháo đường typ 2, yếu tố làm tăng nguy cơ bị rối loạn dung nạp glucose bao gồm: thừa cân hoặc béo phì (hầu hết người có rối loạn dung nạp glucose đều có thừa cân hoặc béo phì); Tiền sử gia đình (bố, mẹ, anh chị em) có người bị đái tháo đường; Ít hoạt động thể lực; Có những yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch như tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu; phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang và thừa cân; mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai (đái tháo đường thai kỳ).
Dấu hiệu để nhận biết rối loạn glucose là gì?
Những người bị rối loạn dung nạp glucose thường không có triệu chứng. Người bệnh có thể phát hiện tình cờ tình trạng này thông qua thử máu trong những đợt kiểm tra sức khỏe hoặc vì một lý do nào khác. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu sàng lọc lượng đường trong máu của bạn bởi vì bạn có một số yếu tố nguy cơ cho tiền đái tháo đường hay bệnh tiểu đường. Ví dụ, nếu bạn có mức cholesterol cao, thừa cân, huyết áp cao, hoặc nếu bạn đã có một cơn đau tim, đột quỵ, bác sĩ có thể đề nghị bạn xét nghiệm máu để kiểm tra lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đái tháo đường, bạn nên đến bác sĩ sớm hơn. Các triệu chứng bao gồm khát nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, sút cân... Các triệu chứng này có xu hướng phát triển khá chậm, trong vài tuần hoặc vài tháng.
Nếu bạn có rối loạn dung nạp glucose, điều quan trọng là bạn cần được bác sĩ theo dõi thường xuyên và làm tuân thủ các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị và phòng bệnh
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nếu rối loạn dung nạp glucose được điều chỉnh có thể ngăn chặn quá trình tiến triển thành bệnh đái tháo đường. Ngoài ra điều trị sớm còn giúp ngăn ngừa sự phát triển của các biến cố tim mạch. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết bạn có bị rối loạn dung nạp glucose hay không và phương pháp điều trị thế nào nhằm giảm các biến cố bất lợi cho sức khỏe. Hiện nay có hai phương pháp điều trị được áp dụng, bao gồm thay đổi lối sống và phương pháp điều trị bằng thuốc.
Thay đổi lối sống: Thay đổi lối sống là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự tiến triển của rối loạn dung nạp glucose thành bệnh đái tháo đường.
Có chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh: tư vấn bác sĩ hoặc một chuyên gia dinh dưỡng để hiểu chi tiết làm thế nào để có một chế độ ăn uống lành mạnh. Về cơ bản, bạn nên cố gắng ăn một chế độ ít chất béo, chất béo bão hòa, giảm muối, ăn giàu chất xơ, trái cây và rau quả.
Giảm cân nếu bạn đang thừa cân: đặt mục tiêu cân nặng bình thường là không thực tế đối với nhiều người. Tuy nhiên, nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, việc giảm một một số cân sẽ giúp giảm mức đường trong máu của bạn (và có những lợi ích sức khỏe khác nữa).
Hoạt động thể chất thường xuyên: nếu có thể, bạn nên hoạt động thể lực tối thiểu 30 phút/ngày và ít nhất năm ngày một tuần. Ví dụ như đi bộ, bơi lội, đạp xe, chạy bộ, nhảy… Lý tưởng nhất là bạn nên thực hiện một hoạt động mà làm cho bạn tăng nhẹ nhịp thở và ra mồ hôi nhẹ. Hoạt động thể chất thường xuyên cũng làm giảm nguy cơ bị các bệnh tim mạch hoặc đột quỵ. Luôn luôn nhớ tư vấn bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu thực hiện hoạt động thể chất nếu bạn đã không hoạt động trong một thời gian dài.
Ngoài ra còn có những thay đổi lối sống khác mà bạn có thể làm để giảm nguy cơ bệnh tim mạch của bạn như ngừng hút thuốc lá, hạn chế tối đa các đồ uống có cồn như rượu, bia, kiểm tra huyết áp thường xuyên (đảm bảo huyết áp của bạn luôn trong giới hạn bình thường), kiểm tra cholesterol (nếu cao thì phải được điều trị để hạ thấp mức cholesterol của bạn).
Điều trị bằng thuốc: Một số thử nghiệm đã xem xét việc sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau với các loại thuốc cho người bị rối loạn dung nạp glucose để xem hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh đái đường và bệnh tim mạch. Thuốc được thử nghiệm bao gồm metformin, acarbose, thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II… Viện Quốc gia về chăm sóc sức khoẻ (NICE) đã khuyến cáo rằng metformin nên được sử dụng nếu thay đổi lối sống không thành công hoặc là không thể thực hiện thay đổi lối sống vì lý do khuyết tật hoặc vì lý do y tế.