Theo như lời kể của gia đình thì vào khoảng 1 giờ ngày 07/04/2021, bé C. đang ngủ thì giật mình thức dậy, than đau ngón giữa bàn tay phải, người nhà thấy có vết trầy nhẹ và sưng nề ở đốt 2 của ngón giữa bàn tay phải.
Khi nhập viện, ngón tay giữa đau nhiều hơn, ghi nhận bóng nước quanh đốt 2 của ngón 3 bàn tay phải.
Sau khi kiểm tra xung quanh, bà của bé không phát hiện thấy con vật lạ xung quanh màn. Do điều kiện ở nhà lá, nền đất, nên bà của bé nghĩ nhiều đến bé bị rết cắn.
Sau 7 giờ theo dõi tại nhà, vết cắn sưng nề, lan rộng cả bàn tay lên đến cẳng tay, bé được đưa đến điều trị tại cơ sở y tế tư nhân, tay phải có bớt đau, bớt sưng nề ít.
Đến chiều 9/4/2021, tay bé sưng nề lan đến vùng cánh tay, ngón tay giữa đau nhiều hơn nên được đưa đến khám tại bệnh viện.
Sau 7 giờ theo dõi tại nhà thì sưng nề lan rộng cả bàn tay lên đến cẳng tay.
Tại đây, bé đã được các bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, ghi nhận bóng nước quanh đốt 2 của ngón 3 bàn tay phải.
Kết quả xét nghiệm máu bất thường cộng với tình trạng lâm sàng diễn tiến nhanh chỉ trong vài giờ.
Mặc dù, chưa thấy con vật cắn, nhưng theo dõi rắn cắn vẫn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là khi môi trường xung quanh đã ghi nhận những lần phát hiện rắn lục.
Bé nhanh chóng được thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn, kết quả có rối loạn đông máu nặng, tiểu cầu giảm nhiều phù hợp với nhận định ban đầu. Các bác sĩ nhanh chóng truyền 4 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục cho bé và theo dõi sát dấu hiệu lâm sàng.
Sau hơn 24 tiếng theo dõi, tay phải của C. không sưng nề thêm, không xuất huyết nhưng tình trạng rối loạn đông máu chưa cải thiện, bé đã được truyền thêm 4 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục.
Sau 6 tiếng truyền huyết thanh lần 2, các xét nghiệm về đông cầm máu của bé dần trở về bình thường, không xuất huyết da niêm, ăn uống khá hơn.
Theo BS CK II Trần Thiên Lý, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Nhi cho biết, tại bệnh viện đã ghi nhận nhiều bệnh nhi bị rắn cắn, chủ yếu do rắn hổ và rắn lục, các ca bệnh sẽ nhiều hơn vào mùa mưa và mùa rắn sinh sản.
Đa số các trường hợp bị rắn cắn khi đang chơi ngoài sân vườn; một vài trường hợp khi đang ngủ, tay hoặc chân bé thò ra khỏi mùng nên bị rắn cắn hoặc rắn chui vào tận trong mùng màn cắn bé.
Kiểm tra nhà cửa, các dụng cụ, vật dụng có thể làm nơi lẩn trốn của rắn
Dọn sạch cỏ, bụi cây thấp để rắn không lẩn trốn sát nhà
Mang giày, ủng khi đi vào ban đêm. Không đưa tay vào các lỗ hay hang hốc hay các chỗ mà rắn có thể ẩn nấp.
Tránh đe dọa, tấn công hay cố tình tìm cách bắt giữ rắn
Đối với trẻ em, tránh nằm ngủ dưới đất. Khi ngủ nên mắc mùng chèn kỹ dưới chiếu giúp tránh muỗi, rắn và các côn trùng khác.
Sau khi bị rắn cắn không nên sử dụng các biện pháp dân gian như đắp lá, chích rạch da lấy nọc rắn,… vì có thể làm chậm trễ việc sử dụng huyết thanh và gây nhiễm trùng vết thương. Nên: trấn an bệnh nhân, bất động chi (tay, chân) bị cắn và đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.