Hiện nay, liệu pháp dùng thuốc vẫn là một biện pháp chủ yếu để điều trị các chứng bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn cảm xúc... Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người bệnh có thể gặp phải những rối loạn bất thường nguy hiểm cần thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Chứng lãnh cảm
Chứng lãnh cảm có thể xảy ra do việc sử dụng thuốc chống trầm cảm như citalopram, paroxetine, sertraline và fluoxetine ở liều cao. Đây là các thuốc thuộc nhóm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), hoạt động bằng cách giúp khôi phục lại sự cân bằng của serotonin (một chất tự nhiên) trong não. Các thuốc này khi dùng có thể gây buồn nôn, buồn ngủ, chóng mặt, ăn không ngon, suy nhược, tăng tiết mồ hôi, thay đổi cân nặng... Trong đó, tác dụng phụ làm giảm ham muốn tình dục rất được chú ý. Ngoài ra, một vài thuốc chống trầm cảm và an thần như risperidol hay một số thuốc an thần cổ điển có thể gây ra các vấn đề về khoái cảm ở cả nam và nữ. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh có thể được dùng cyproheptadine, một chất đồng vận giống seretonine trước khi quan hệ 1 giờ có thể có kết quả tốt. Một số nhà lâm sàng ghi nhận điều trị thành công khi sử dụng các thuốc tác dụng lên hệ dopamine như buprobion, 100-200mg/ngày chia thành nhiều liều. Buprobion không nên sử dụng một liều trên 150mg/lần vì có nguy cơ gây co giật.
Cảnh giác với chứng lãnh cảm khi dùng thuốc SSRI chữa trầm cảm.
Viêm phổi hít
Thuốc bình thần hay còn gọi thuốc giải lo âu là một nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng, trong đó quan trọng hàng đầu là nhóm benzodiazepine. Thuốc có tác dụng chống lo âu, làm giảm các phản ứng xúc cảm thái quá và giảm căng thẳng tâm thần, gây ngủ, giãn cơ làm giảm trương lực cơ do tác dụng trung ương, chống co giật. Khi nồng độ thuốc trong máu cao hơn liều an thần, đạt tới liều gây ngủ, người bệnh có thể gặp: uể oải, động tác không chính xác, lú lẫn, miệng khô đắng, giảm trí nhớ. Ngoài ra, do tác dụng phụ làm giảm tính di động của ống thực quản hoặc giảm phản xạ hầu họng được của thuốc gây ra viêm phổi hít với biểu hiện khó thở, sốt và có thể có các rối loạn tâm thần. Cần đề phòng viêm phổi hít ở bệnh nhân tâm thần nói chung, đặc biệt ở bệnh nhân có rối loạn ý thức.
Ngộ độc bromide
Ngày nay, kali bromid không được sử dụng như một thuốc để bình thần nữa. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc do thuốc đã được ghi nhận khi tình trạng này xảy ra ở các nhân công của nông trại tiếp xúc với thuốc trừ sâu có chứa metyl bromide. Các triệu chứng bao gồm cảm giác bỏng rát trong miệng và mắt, kèm theo buồn nôn, nôn. Tình trạng kéo dài có thể xuất hiện viêm da và các triệu chứng tâm thần như kích thích, khó chịu, hưng cảm và loạn thần. Xét nghiệm có thay đổi nồng độ cloride. Điều trị thường là bù natri cloride, lợi tiểu và tránh các tác nhân gây hại.
Sốt và giảm bạch cầu hạt
Thuốc clozaril hoạt động bằng cách khôi phục lại sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não, có tác dụng làm giảm ảo giác, giúp ngăn ngừa hành vi tự tử ở những người cố làm hại bản thân, được sử dụng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc. Khi dùng thuốc, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ trực tiếp là sốt. Bên cạnh đó, các thuốc clozapine, tegretol, valproic acid... có thể là nguyên nhân gây mất hoặc giảm bạch cầu hạt. Bạch cầu dưới 3.000 và bạch cầu hạt trung tính ít hơn 1.500 là một yếu tố thuận lợi cho nhiễm trùng cơ hội. Nếu sốt và nhiễm trùng cùng biểu hiện, cần đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu. Nhiễm trùng hay gặp là viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Được điều trị bằng các thuốc kháng sinh. Một số báo cáo cho thấy, clozapine có khả năng làm giảm bạch cầu hạt từ từ ở liều thấp. Một số còn chỉ ra rằng dùng các thuốc ức chế beta như propranolol có khả năng làm tăng nguy cơ giảm bạch cầu khi dùng kết hợp với clozapine.
Táo bón nặng
Các thuốc giảm đau opioid gắn vào các thụ thể opioid ở ruột, ức chế sự phóng thích acetylcholine và prostaglandin làm giảm nhu động, tăng tái hấp thu nước từ ruột nên gây ra táo bón. Chế độ giàu xơ, tăng cường uống nước và tăng các hoạt động thể dục được khuyến khích. Thuốc nhuận tràng và thụt hậu môn có thể dùng khi cần thiết. Ngoài ra, cũng cần điều trị bệnh lý cơ thể cũng như cân bằng điện giải cho bệnh nhân.
Tình trạng dương vật cương đau
Là tình trạng dương vật đau khi cương cứng. Đây có thể là một tác dụng không mong muốn của một số thuốc như trazodone. Trazadone được dùng để điều trị trầm cảm, giúp cải thiện tâm trạng, ăn ngon miệng cũng như hạn chế lo âu và mất ngủ do trầm cảm bằng cách phục hồi sự cân bằng một số chất hóa học tự nhiên (serotonin) có trong não. Khi tình trạng dương vật cương đau do thuốc xảy ra trên 4 giờ cần được cấp cứu tại bệnh viện, đồng thời cần ngừng sử dụng thuốc.
Cơn co giật
Liều cao của một số thuốc như clozapin, buprobion, mianserin và dilantin có thể gây ra cơn co giật.Điều trị bao gồm quản lý tốt việc dùng các thuốc có khả năng gây co giật cũng như điều trị cơn co giật bằng các thuốc chống động kinh. Trong tình trạng khẩn cấp có thể dùng lorazepam hoặc có thể thay thế bằng diazepam.
Trên đây là những rối loạn thường gặp tại phòng cấp cứu ở những người dùng thuốc chữa bệnh tâm thần mà bản thân người bệnh, người nhà, người chăm sóc cần biết đến để theo dõi, xử trí kịp thời. Điều này không chỉ giúp giải quyết được tình trạng cấp một cách hợp lý mà còn giúp cho người bệnh tránh được những phiền toái trong quá trình điều trị bệnh.