Biểu hiện trên gương mặt của người uống rượu nhiều
Những mẩn đỏ và quầng đỏ quanh má cùng các nếp hằn sâu trên da quanh vùng mắt có thể cho thấy bạn có thường xuyên uống rượu hay không. Những chấm đỏ trên da, ửng đỏ da ở má hoặc bị khô, vùng da mũi bị mẩn đỏ... là những dấu hiệu trên gương mặt một người hay uống rượu. Đây cũng là những biểu hiện mà chất cồn có thể gây ra cho phụ nữ khi uống rượu thường xuyên. Vùng da nhăn và đường da bị gấp nếp chạy dọc từ mũi xuống tới miệng có thể biến mất và da căng sáng trở lại ngay sau khi ngừng uống rượu. Nguyên nhân được lý giải là do lượng cồn đưa vào cơ thể thường xuyên đã gây ra phản ứng dehydrate hóa trên da, đồng thời phá hủy protein collagen trên da khiến da bị khô và làm xấu da, khiến cho các nếp nhăn, các nốt sần và lão hóa hiện rõ trên da mặt. Theo Đông y, khi xem tướng mặt người bệnh, căn cứ vào các biểu hiện trên khoảng cách giữa hai mắt có thể đoán được tình trạng bệnh lý liên quan đến gan. Theo đó, các dấu hiệu như vệt đỏ hằn sâu giữa lông mày báo hiệu gan đang bị tấn công và hủy hoại bởi chất cồn.
Các phản ứng trên da sau khi uống rượu được lý giải là do chất cồn đã hạn chế hoạt động của các enzym trong cơ thể được sử dụng để chống lại quá trình nhiễm khuẩn và hủy hoại da. Chỉ cần một vài cốc rượu có thể cung cấp đủ lượng cồn cho phép quá trình nhiễm khuẩn diễn ra, kết quả là gây ửng đỏ các vùng da nhạy cảm ở vùng má, mũi. Tình trạng này xảy ra thường xuyên sẽ để lại hậu quả là gan và các chức năng khác trong cơ thể bị phá hủy.
Gương mặt của người lạm dụng đồ ngọt
Các đường nét hiện rõ và nếp nhăn xuất hiện trên vùng da trán, da vùng mắt bị sụt gây ra sự hốc hác trên gương mặt, hay tình trạng xuất hiện mụn khắp mặt kèm theo sưng tấy, da mỏng, nhão... là những biểu hiện điển hình trên gương mặt một người lạm dụng đồ ngọt.
Lý giải điều này, các nhà khoa học cho biết, chế độ ăn với nhiều đường, chất carbon hydrat như bánh ngọt, tinh bột và những thành phần dễ chuyển hóa thành đường trong cơ thể và chính là thủ phạm thúc đẩy xuất hiện phản ứng hóa học glycation - vốn là phản ứng xảy ra khi các phân tử gluco vượt quá giới hạn cho phép và tấn công các protein collagen, khiến các sợi collagen bị xơ cứng, kém linh hoạt. Hậu quả là da kém căng mịn, thiếu độ đàn hồi, nhiều vùng da bị lún xuống, các nếp nhăn hiện rõ trên khuôn mặt.
Ngoài ra, khi hấp thụ lượng đường lớn vào cơ thể, theo cơ chế tự nhiên, cơ thể phải sản sinh tăng lượng hormon insulin, dẫn tới kích thích quá trình sản sinh hormon cortisol gây stress - vốn là hormon đóng vai trò chỉ dẫn cơ thể chuyển hóa năng lượng cho các hoạt động thiết yếu, trong đó có sự truyền dẫn máu trong các tĩnh mạch dưới da.
Một trong những dấu hiệu thể hiện rõ nhất trên gương mặt người có chế độ ăn lạm dụng đồ ngọt - đó là dấu hiệu trên lông mày: lông mày mỏng đi là dấu hiệu phản ánh lượng insulin bị mất cân bằng do ăn nhiều đường, có thể dẫn tới stress.
Gương mặt của người uống nhiều sữa
Tình trạng mí mắt sưng phồng, bọng mắt và quầng thâm quanh mắt, cằm kèm theo các nốt trắng trên cằm là các dấu hiệu điển hình của việc lạm dụng chế độ ăn nhiều bơ, sữa, các chế phẩm từ sữa như kem, phô mai, sữa chua... có chứa nhiều lactose.
Nguyên nhân được lý giải là do: khi qua tuổi trưởng thành, bước vào giai đoạn trung niên, phần lớn cơ thể chúng ta bị mất một số loại enzym có tác dụng giúp cơ thể tiêu hóa thành phần lactose trong sữa, do đó khi lạm dụng các chế phẩm từ sữa, cơ thể không tiêu hóa và hấp thụ được lactose, thậm chí cơ chế miễn dịch của cơ thể còn kích thích giải phóng ra các chất hóa học gây kích ứng da và những triệu chứng như: vùng da mí mắt bị sưng phồng, quầng thâm quanh mắt...
Dấu hiệu của chế độ ăn thừa gluten
Gluten là loại protein có chứa nhiều trong lúa mì, lúa mạch, gạo... Rất nhiều người nhạy cảm với loại protein này. Các biểu hiện như má sưng đỏ, xuất hiện các nốt sắc tố tối màu trên da, hoặc các nốt quanh cằm... cho thấy chế độ ăn của bạn có thể đang lạm dụng chất gluten.
Phản ứng với gluten có thể gây hại cho hệ miễn dịch của cơ thể, làm phá hủy sự cân bằng trong việc tái sản sinh các hormon trong cơ thể, kết quả là gây ra các biểu hiện trên da mặt, đây cũng là các dấu hiệu liên quan tới chức năng tái sản sinh của các cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Một số người lạm dụng đồ ăn có chứa gluten còn mắc chứng bệnh có tên khoa học là Rosacea - một chứng bệnh khiến cho da má bị mẩn đỏ không liên quan đến trạng thái cảm xúc. Ngay khi ngừng ăn các loại thực phẩm chứa gluten, các dấu hiệu này cũng biến mất.
(Theo Daily Mail, 11/2015)