Hà Nội

Rối loạn điều tiết mắt và tình trạng cận thị học đường

03-10-2022 13:03 | Y học 360
google news

Rối loạn điều tiết mắt là tình trạng rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Bắt đầu với các triệu chứng nhức mắt, nhìn mờ nhòe, sau đó có thể dẫn đến các tật khúc xạ như loạn thị, cận thị, đặc biệt là tình trạng cận thị học đường ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ.

Rối loạn điều tiết mắt và những nguy cơ ảnh hưởng thị lực

PGS.TS. Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết, điều tiết là một chức năng của mắt giúp cho mắt nhìn gần cũng rõ như nhìn xa. Khi mắt nhìn xa là ở trạng thái nghỉ ngơi, không cần phải điều tiết. Giống như một cái máy ảnh khi đang lấy nét ở xa nếu muốn lấy nét ở gần thì phải chỉnh tiêu điểm, mắt khi đang nhìn xa muốn nhìn gần cũng rõ nét thì phải điều tiết để "chỉnh lại tiêu điểm", đấy là bình thường. Tuy nhiên có những trường hợp điều tiết quá mức hoặc yếu hơn bình thường gọi là rối loạn điều tiết, tức là điều tiết không bình thường.

Điều tiết không bình thường thì có nhiều nguyên nhân. Trong đó phổ biến là tật khúc xạ, viễn thị hoặc cận thị. Mắt có lác hoặc có rối loạn thần kinh điều khiển của mắt cũng gây ra rối loạn điều tiết.

Khi có điều tiết bất thường, cơ điều tiết lúc nào cũng phải hoạt động khiến mắt mỏi mệt. Ngoài ra, thị lực thay đổi thất thường có thể gây ra tình trạng cận thị giả, nghĩa là có khi mắt không có tật khúc xạ, không có cận thị nhưng điều tiết nhiều lại làm cho mắt thành cận thị.

Rối loạn thị lực khiến mắt mỏi mệt, nhìn nhòe, nhìn 1 thành 2, cay mắt, chảy nước mắt, nhức và mỏi mắt, ảnh hưởng chức năng thị giác, giảm thị lực, tinh thần mệt mỏi dẫn đến giảm sự tập trung, giảm năng suất lao động và học tập. Rối loạn thị lực kéo dài, mắt có thể tiến triển thành tật khúc xạ và làm nhanh tăng độ khúc xạ của mắt, đặc biệt gây nên tình trạng cận thị học đường ở trẻ em.

Cận thị học đường: Nguyên nhân và hệ quả của rối loạn điều tiết mắt

photo-1664779142037

Tật cận thị khiến việc nhìn các vật ở xa khó khăn, mắt phải điều tiết liên tục để thấy rõ các chi tiết

Cận thị học đường là tình trạng trẻ em ở lứa tuổi đến trường bị tật cận thị, việc nhìn các vật ở xa khó khăn, khiến mắt phải điều tiết liên tục để thấy rõ các chi tiết gây ra tình trạng mỏi mắt, đau mắt và nhức đầu. Cận thị học đường với các biểu hiện: mắt trẻ nhìn kém, chữ bị nhòe, đọc chữ hay bị nhảy dòng, nhầm dấu, viết chậm, sai chữ… dẫn đến tiếp thu kiến thức chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của trẻ.

Cận thị học đường có thể do nhiều nguyên nhân như: di truyền, ngồi học sai tư thế, mắt sớm tiếp xúc với ánh sáng xanh quá nhiều, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, không được khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về thị lực, tật khúc xạ. Chính tình trạng tật khúc xạ như cận thị là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn điều tiết mắt, ngược lại mắt điều tiết không bình thường kéo dài mà không được điều chỉnh cũng tiến triển thành tật khúc xạ và tăng nhanh độ.

Vì vậy, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ cận thị, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra thị lực. Nếu trẻ bị cận thị thì tùy từng mức độ bác sĩ sẽ chỉ định các loại kính thuốc phù hợp. Ngoài ra, trẻ cũng được tư vấn để thực hiện các biện pháp giúp kiểm soát độ cận tăng số nhanh.

Kiểm soát rối loạn điều tiết, hạn chế tăng số cận

Để điều trị, kiểm soát tình trạng rối loạn điều tiết, ngăn ngừa độ cận tăng nhanh, trẻ cần biết chăm sóc mắt đúng cách. Các chuyên gia khuyến cáo thực hiện những điều sau:

photo-1664779146137

Trẻ đến thăm khám, kiểm tra thị lực tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

– Bổ sung dinh dưỡng giàu beta carotene, lutein và zeaxanthin, lycopene.

– Không sử dụng máy tính, điện thoại, ti vi… nhiều và liên tục.

– Ngồi học đúng tư thế, đủ ánh sáng và đúng khoảng cách.

- Thời gian học tập kéo dài nhiều giờ sẽ khiến mắt điều tiết quá mức và dễ gây ra cận thị hoặc tăng số nhanh. Vì vậy, để giảm bớt mệt mỏi mắt nên tuân thủ quy tắc 20: sau mỗi 20 phút nhìn vào màn hình thì nghỉ và nhìn ra xa 20 feet khoảng 6m trong vòng 20 giây.

– Tăng cường hoạt động ngoài trời, cho mắt nhìn xa, giúp giảm điều tiết, thư giãn mắt.

– Sử dụng thuốc nhỏ mắt cải thiện khả năng điều tiết nếu cần và bổ sung nước mắt nhân tạo giảm khô mắt theo chỉ định của bác sĩ.

– Thăm khám, kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện tật khúc xạ, hoặc điều chỉnh số kính cho phù hợp và phát hiện các bệnh lý về mắt khác để điều trị.

Rối loạn điều tiết mắt và tình trạng cận thị học đường - Ảnh 3.



An Lê
Ý kiến của bạn