Theo TS. Nguyễn Vinh Quang - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TW: Rối loạn cương dương là tình trạng mất khả năng đạt được và duy trì sự cương cứng trong quá trình giao hợp. Rối loạn cương dương do đái tháo đường có thể do các yếu tố nguy cơ đan xen hoặc phối hợp nhau tạo nên bệnh lý phức tạp, việc điều trị rất khó khăn.
1. Vì sao người mắc đái tháo đường dễ bị rối loạn cương dương?
Rối loạn cương dương xảy ra khi một người đàn ông không thể đạt được hoặc duy trì sự cương cứng đủ mạnh để giao hợp. Rối loạn cương dương thường gặp ở người mắc các bệnh chuyển hóa. Đái tháo đường cũng có thể làm suy giảm chức năng sinh lý ở nam giới, đặc biệt là rối loạn cương dương.
Ở bệnh nhân đái tháo đường, tình trạng này có thể xuất hiện khá sớm. Khi kiểm soát đường huyết không tốt dẫn đến các biến chứng, trong đó có rối loạn cương dương. Bị đái tháo đường càng lâu thì tỷ lệ rối loạn cương dương càng tăng.
Theo TS. Nguyễn Vinh Quang, ở người bị đái tháo đường kiểm soát đường huyết kém kèm theo biến chứng mạch máu sẽ làm gia tăng nguy cơ rối loạn cương dương.
Nguyên nhân là do bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao xơ vữa, hẹp, tắc các mạch máu vùng chậu (nuôi dưỡng dương vật). Các bệnh lý liên quan đến hội chứng chuyển hóa - đái tháo đường thường gây đề kháng insulin, kháng leptin, tăng tiết aromatase gây suy sinh dục, giảm nồng độ testosterone dẫn tới rối loạn cương dương.
Tỷ lệ rối loạn cương dương ở bệnh nhân đái tháo đường cao hơn so với người bình thường cùng lứa tuổi gần 20 lần. Khoảng 35% bệnh nhân đái tháo đường dưới 60 tuổi rơi vào tình trạng liệt dương. Tỷ lệ này lên tới 65% ở nhóm bệnh nhân trên 60 tuổi.
Các chuyên gia nam học ước tính rằng có tới 3/4 nam giới được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường cũng bị rối loạn chức năng tình dục. Nếu như trước đây tình trạng rối loạn cương thường là hậu quả của quá trình lão hóa chung của cơ thể chỉ gặp ở những người nam giới lớn tuổi (trên 45 tuổi), thì nay có những bệnh nhân còn rất trẻ dưới 40 tuổi kèm theo những bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,…
2. Phương pháp điều trị rối loạn cương dương do đái tháo đường
Bệnh nhân đái tháo đường mà vẫn lạm dụng rượu, kiểm soát đường huyết kém còn có nguy cơ tổn thương hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm ngoại vi, dẫn tới mất khả năng gây cương cứng dương vật. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường dễ bị căng thẳng tinh thần, mất ngủ… cũng dẫn tới suy giảm ham muốn tình dục.
BS. Đỗ Ích Định - Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, với người bệnh đái tháo đường, để không rơi vào tình trạng "trên bảo dưới không nghe" phải duy trì đường huyết ổn định thông qua chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc theo chỉ định; hoạt động thể chất điều độ mỗi ngày/mỗi tuần; thay đổi lối sống, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng; giảm cân nếu thừa cân.
Để điều trị tình trạng này hiệu quả, bệnh nhân cần phát hiện sớm các dấu hiệu của rối loạn cương dương. Thông thường, triệu chứng này xuất hiện khá sớm, nếu có các biểu hiện giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng cương cứng hoặc rút ngắn thời gian cương, xuất tinh sớm,...
Bên cạnh đó, nam giới mắc bệnh đái tháo đường cũng nên duy trì việc thăm khám sức khỏe định kỳ; thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu (đánh giá lượng đường huyết), xét nghiệm hormone (đo lượng hormone testosterone và các hormone quan trọng khác), kiểm tra hệ thần kinh để xem xét các biểu hiện tổn thương,...
Về sử dụng thuốc khá phức tạp, tùy vào các xét nghiệm, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc phù hợp. Các loại thuốc được thiết kế để giúp đạt được sự cương cứng dễ dàng hơn và giúp tăng cường chúng thường là phương pháp điều trị đầu tiên nếu bạn đang phải vật lộn với chứng rối loạn cương. Trong đó, trước tiên cần sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết cũng như các thuốc điều trị bệnh lý đi kèm.
Nam giới mắc bệnh đái tháo đường có nhiều khả năng mắc một tình trạng khác, chẳng hạn như bệnh tim, nên đảm bảo rằng người bệnh đang thực hiện các bước để quản lý các tình trạng đó. Nam giới mắc đái tháo đường bị rối loạn cương cần được hướng dẫn thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng (ví dụ: bỏ thuốc lá, giảm cân, tập thể dục,…). Việc tuân thủ toa thuốc giúp dễ dàng đạt được và duy trì sự cương cứng. Nếu cần thiết bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp bơm dương vật để kéo máu vào dương vật giúp cương cứng.
Đối với những người đàn ông bị rối loạn cương dương không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác hoặc những người không thể dùng thuốc, biện pháp phẫu thuật cấy ghép dương vật có thể được đề xuất để giúp khôi phục đời sống tình dục.
Theo khuyến cáo của Hội niệu khoa châu Âu (EAU), bác sĩ và người bệnh sẽ thảo luận kỹ với nhau trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố để lựa chọn các biện pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh theo từng trường hợp cụ thể (cá thể hóa điều trị). Tốt nhất người bệnh nên đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa để có hướng xử trí và khuyến nghị điều trị cá nhân phù hợp nhất.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những quan niệm sai lầm về kiêng quan hệ tình dục.