Rối loạn cương dương kéo dài khiến người đàn ông suy sụp, trầm cảm phải vào viện

15-07-2025 06:34 | Y tế

SKĐS - Nguyên nhân của rối loạn cương dương, các chuyên gia cho hay có thể đến từ nhiều yếu tố: tâm lý căng thẳng, trầm cảm, rối loạn thần kinh, tổn thương mạch máu, rối loạn nội tiết (cường giáp, tiểu đường…), tác dụng phụ của một số thuốc điều trị hoặc lối sống không lành mạnh.

Mặc cảm, lo âu, suy nghĩ bi quan vì không 'phục vụ' vợ được

Mới đây, Đơn nguyên Rối loạn Stress – Tình dục và Giới tính, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nam 42 tuổi, là kỹ sư, sống tại Bắc Ninh, nhập viện trong tình trạng trầm cảm, lo âu kéo dài, kèm theo ý nghĩ muốn tự tử.

Trước đó, bệnh nhân cùng vợ đến khám vì xuất hiện các biểu hiện lo âu, mất ngủ, buồn chán.

Chia sẻ với báo chí chiều 14/7, BS Trịnh Thị Vân Anh, Đơn nguyên Rối loạn Stress – Tình dục và Giới tính của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân trên cho biết, người bệnh có triệu chứng điển hình của rối loạn lo âu, trầm cảm nhẹ.

Khoảng một năm trở lại đây, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rối loạn giấc ngủ dù đã ngừng làm việc ban đêm. Mỗi tối, dù lên giường lúc 23h nhưng phải đến 1–2h sáng mới ngủ được, giấc ngủ chập chờn, không sâu.

Sáng hôm sau, bệnh nhân thường thức dậy trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, mất tập trung và tiếp tục phải dùng cà phê để duy trì sự tỉnh táo.

Rối loạn cương dương kéo dài khiến người đàn ông suy sụp, trầm cảm phải vào viện- Ảnh 1.

Dù không đe dọa tính mạng nhưng rối loạn cương dương có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình

Bên cạnh đó, bệnh nhân dần chán ăn, ăn không ngon miệng, sụt khoảng 3 kg chỉ trong vòng 4 tháng. Tình trạng suy giảm cảm xúc kéo dài khiến bệnh nhân cảm thấy chán nản, giảm tự tin, đôi khi có suy nghĩ bi quan, thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa.

Gần một tháng nay, tình trạng lo âu, mất ngủ của bệnh nhân tăng nặng. Vợ thường xuyên than phiền rằng chuyện vợ chồng không còn được như mong muốn. Điều này khiến bệnh nhân cảm thấy bất lực, tự ti và sống trong tâm trạng buồn bã, chán nản.

BS Vân Anh cho hay, dù được điều trị ngoại trú bằng thuốc, cải thiện được giấc ngủ và ăn uống.

Sau khi tái khám, các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Sau 2 tuần điều trị nội trú, tình trạng bệnh cải thiện rõ rệt, bệnh nhân đã dừng ý nghĩ tự tử và cởi mở hơn trong việc chia sẻ các vấn đề liên quan đến bản lĩnh đàn ông.

Khai thác sâu nguyên nhân, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị rối loạn cương dương kéo dài – một vấn đề khiến anh mặc cảm vì không thể đáp ứng được nhu cầu của vợ, dẫn đến suy sụp tinh thần, mất động lực sống.

Tiếp sau tuần điều trị, bệnh nhân xuất viện. Khi tái khám, người bệnh cho biết đã có thể quan hệ tình dục trở lại, khí sắc cải thiện rõ rệt.

Bác sĩ khuyến cáo gì về điều trị rối loạn cương?

Theo BSCKII Trần Thị Thu Hà – Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, rối loạn cương dương là một trong những rối loạn chức năng tình dục phổ biến nhất ở nam giới.

Dù không đe dọa tính mạng nhưng rối loạn cương dương có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình và mối quan hệ vợ chồng.

"Khó cương cứng hoặc không duy trì được độ cương khi quan hệ là biểu hiện phổ biến nhất của rối loạn cương dương. Ngoài ra, nam giới có thể gặp thêm các rối loạn khác như xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, không đạt cực khoái…"- BS Thu Hà cho hay.

Nguyên nhân của rối loạn cương dương, các chuyên gia cho hay có thể đến từ nhiều yếu tố: tâm lý căng thẳng, trầm cảm, rối loạn thần kinh, tổn thương mạch máu, rối loạn nội tiết (cường giáp, tiểu đường…), tác dụng phụ của một số thuốc điều trị hoặc lối sống không lành mạnh.

Theo dự báo năm 2025, thế giới sẽ có khoảng 322 triệu nam giới mắc rối loạn cương dương, tăng mạnh so với con số 152 triệu năm 1995.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu năm 2017 tại Huế trên 746 nam giới từ 20–60 tuổi ghi nhận tỷ lệ rối loạn cương dương lên đến 66,9% – tức gần 2/3 nam giới gặp trục trặc trong đời sống tình dục.

Điều trị rối loạn cương dương không chỉ dựa vào thuốc mà còn cần đến liệu pháp tâm lý, thay đổi lối sống và chế độ vận động hợp lý.

Quan trọng nhất, nam giới cần gạt bỏ mặc cảm, chủ động đi khám tại các cơ sở y tế uy tín ngay khi có dấu hiệu bất thường, tránh tình trạng "giấu bệnh", mua thực phẩm chức năng trôi nổi hoặc tự điều trị tại nhà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về tinh thần và thể chất...

Bộ Y tế thu hồi giấy đăng ký lưu hành 3 loại thuốc, có 1 thuốc điều trị rối loạn cương dươngBộ Y tế thu hồi giấy đăng ký lưu hành 3 loại thuốc, có 1 thuốc điều trị rối loạn cương dương

SKĐS - Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông báo thu hồi giấy đăng ký lưu hành đối với 3 loại thuốc tại Việt Nam đã được cấp giấy đăng ký lưu hành, trong đó có một loại thuốc dùng để điều trị rối loạn cương dương.

Thái Bình
Ý kiến của bạn