Tại sao bị rối loạn chức năng?
Đáy chậu hay còn gọi là sàn chậu được tạo nên bởi một nhóm các cơ và dây chằng có vai trò nâng đỡ các cơ quan như bàng quang, tử cung, trực tràng, giữ các cơ quan này ở đúng vị trí. Các cơ sàn chậu cũng kiểm soát sự đóng, mở của niệu đạo (đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) và hậu môn, giúp duy trì khả năng kiểm soát tiểu tiện và trung, đại tiện. Ở một số phụ nữ, việc mang thai và sinh đẻ làm tổn thương hệ thống nâng đỡ kể trên khiến cho âm đạo rộng, các tạng trong tiểu khung như bàng quang, tử cung, trực tràng bị sa xuống thấp. Bên cạnh đó còn kèm theo sự mất tự chủ về tiểu tiện (són tiểu) và đại tiện (són phân), giảm ham muốn hoặc đau khi quan hệ vợ chồng. Không chỉ sinh đẻ mà tuổi tác và sự giảm nội tiết (sau mãn kinh) cũng là nguyên nhân của những thay đổi không mong muốn này. Tỷ lệ mắc các rối loạn chức năng kể trên là 25% ở phụ nữ trẻ và 50% ở phụ nữ trên 50 tuổi. Tuy vậy rất ít phụ nữ đi khám vì xấu hổ và cho rằng bệnh không thể chữa được.
Cấu trúc vùng sàn chậu. |
Ảnh hưởng của các rối loạn chức năng
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bị các rối loạn kể trên có cuộc sống giảm chất lượng về nhiều mặt do luôn lo lắng, xấu hổ, buồn chán, khó hòa nhập cộng đồng. Việc phải áp dụng các biện pháp tự điều chỉnh như thường xuyên phải đi tiểu, liên tục đóng băng vệ sinh, tránh các hoạt động thể lực, mất ngủ, giảm khả năng lao động, tốn kém về kinh tế. Không ít phụ nữ bị đau hay bị ra nước tiểu trong khi giao hợp khiến họ mặc cảm, lảng tránh quan hệ tình dục, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Khắc phục hậu quả rối loạn tiểu tiện sau sinh bằng cách nào?
Trong ba phương pháp điều trị: phẫu thuật, tập phục hồi chức năng và dùng thuốc thì tập phục hồi chức năng cơ sàn chậu được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Đây là các bài tập do Kegel - nhà Sản phụ khoa người Mỹ đề xuất đầu tiên năm 1948. Sau tập, các cơ sàn chậu phục hồi được khả năng co bóp và nâng đỡ các cơ quan, duy trì sự tự chủ về tiểu tiện và đại tiện. Bên cạnh đó, tập làm giảm đau, tăng độ "khít" của âm đạo, khiến cho sinh hoạt tình dục trở nên thoải mái, thú vị hơn. Chính vì vậy, mặc dù đã ra đời từ hơn 60 năm nay nhưng bài tập của Kegel vẫn là phương pháp được lựa chọn đầu tiên do tính an toàn, hiệu quả điều trị cao đến 80-90% .
Ảnh nguồn google. |
Lời khuyên của thầy thuốc
Bài tập Kegel Khi bị són tiểu nhiều, bạn có thể áp dụng bài tập Kegel sẽ làm tăng khả năng kiểm soát bàng quang, giúp bạn giảm được phần nào hiện tượng trên. Bài tập này rất đơn giản, đó chính là việc bạn tập co giãn các cơ âm đạo, giống như bạn đang tiểu tiện thì dừng lại và nín tiểu một chút. Hãy áp dụng theo cách sau: Ngồi hoặc nằm xuống, co những múi cơ xương chậu lại. Giữ tình trạng đó khảng 3 giây, sau đó thả lỏng cơ, giữ tiếp 3 giây nữa. Lặp lại 10 lần như vậy. Lần sau, bạn lại tăng số giây co cơ lên khoảng 4-5 giây và thả lỏng bằng khoảng thời gian này. Khi tập, bạn cố gắng thả lỏng, sau đó thở sâu. Lặp lại các động tác này 3 lần trong ngày. Khi đã quen với các động tác này thì việc bạn thực hiện nó là rất đơn giản. |
BS. Trần Minh Nguyệt