Rối loạn chức năng ở phổi bệnh nhân đái tháo đường

31-05-2018 14:22 | Y học 360
google news

SKĐS - Đái tháo đường ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể nhưng cho đến nay khoa học còn chưa chứng minh hết được, trong đó có sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của phổi và phổi cũng được coi là cơ quan đích của bệnh đái tháo đường.

Tất cả các tế bào của các cơ quan trong cơ thể hoạt động đều phải nhờ vào năng lượng được tạo ra từ đường thông qua chuỗi hô hấp tế bào, tế bào muốn lấy đường từ máu vào trong tế bào để chuyển hóa thành năng lượng thì đều cần Insulin.

Đái tháo đường là do cơ thể thiếu hụt Insulin dẫn đến các tế bào trong cơ thể không thể lấy được đường vào trong tế bào để sử dụng dẫn đến lượng đường huyết tăng cao và được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu, sự đào thải này gây rối loạn các chất điện giải nghiêm trọng; hơn nữa tế bào không lấy được đường, để duy trì sự tồn tại buộc chúng phải sử dụng năng lượng từ các a xít béo. Hậu quả về lâm sàng của bệnh là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhiều.

Các nghiên cứu về rối loạn chức năng phổi ở bệnh nhân ĐTĐ

Nhiều nghiên cứu chức năng phổi ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp I độ tuổi từ 21-28 và nhóm đối chứng cùng độ tuổi, tất cả các thông số về chức năng phổi, bao gồm độ đàn hồi, sự trao đổi khí carbon monoxide, sức cản đường thở và thể tích khí thở mạnh... đều được xem xét. Bên cạnh đó, các yếu tố như hút thuốc lá, bị dị ứng và các bệnh phổi khác có ảnh hưởng đến chức năng phổi cũng được lưu ý. Kết quả cho thấy ở bệnh nhân tiểu đường tuýp I bị giảm độ đàn hồi của phổi rõ rệt, nguyên do là bệnh tiểu đường ảnh hưởng nhiều đến các protein, thành tố tạo sự đàn hồi của các đường dẫn khí trong phổi, nhóm tác giả đưa ra khuyến cáo rằng bệnh nhân ĐTĐ rất dễ bị xẹp đường dẫn khí và gây tình trạng tắc nghẽn đường thở.

Ngoài ra, có sự giảm độ đàn hồi của phổi, giảm sự vận chuyển khí CO do giảm lượng máu mao mạch phổi ở bệnh nhân ĐTĐ. Những bệnh nhân ĐTĐ tuýp I có sự giảm vận chuyển khí CO do bệnh lý mao mạch phổi liên quan đến ĐTĐ, sự giảm trao đổi khí CO có mối tương quan với bệnh lý mạch thận ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp II. Điều đó chứng tỏ, ở bệnh nhân ĐTĐ vấn đề hô hấp cần được chú ý kể cả về lâm sàng, chức năng thông khí và trao đổi khí.

Các kết quả cũng cho thấy, bệnh ĐTĐ làm dầy thành mao mạch phế nang, thành động mạch phế nang và giảm lưu lượng máu ở các mao mạch ở phổi ở những bệnh nhân ĐTĐ tuýp I. Tuy nhiên cơ chế bệnh sinh còn chưa thật sự thuyết phục, các thử nghiệm đánh giá chức năng thông khí phổi và độ đàn hồi phổi, sự cản trở đường dẫn khí (thể tích khí lưu thông, thể tích khí thở ra tối đa/giây, lưu lượng đỉnh) đều có sự giảm rõ rệt, điều này cũng có thể do ảnh hưởng của ĐTĐ gây giảm mật độ cơ, giảm sức mạnh của các cơ tham gia hoạt động thở, bệnh nhân béo hoặc có thể do vấn đề tuổi tác.

Kiểm soát đường huyết và cân nặng giúp duy trì chức năng phổi

Nguyên nhân rối loạn chức năng phổi ở bệnh nhân ĐTĐ và điều trị

Nguyên nhân chủ yếu được đề cập là ĐTĐ ảnh hưởng đến các thành tố protein là chất tạo nên độ đàn hồi của đường dẫn khí, ảnh hưởng đến hệ thống mao mạch phổi, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng. Các biểu hiện lâm sàng ban đầu khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả lúc nghỉ, đo các chức năng thông khí cho thấy có rối loạn thông khí hỗn hợp, giảm cả thể tích khí lưu thông, các lưu lượng thở và biểu hiện tắc nghẽn đường thở; bệnh nhân ĐTĐ cũng thường xuyên bị viêm nhiễm đường hô hấp do suy giảm miễn dịch của cơ thể;

Về điều trị và theo dõi lâu dài, các chuyên gia cho rằng chức năng phổi ở những bệnh nhân ĐTĐ được kiểm soát đường huyết tốt hơn những người không được kiểm soát đường huyết, các nghiên cứu về dịch tễ học về sau thấy rằng việc kiểm soát đường huyết, cân nặng, chỉ số khối cơ thể và kiểm soát hút thuốc lá rất có ý nghĩa trong việc duy trì chức năng phổi ở bệnh nhân ĐTĐ.

Phổi cũng được coi là cơ quan đích của ĐTĐ. Bệnh ĐTĐ ảnh hưởng đến các cơ tham gia hoạt động hô hấp, độ đàn hồi của phổi. Đặc biệt ĐTĐ làm dầy thành động mạch phế nang cũng như thành mao mạch phế nang nơi xảy ra trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường bên ngoài, hậu quả là giảm sự trao đổi khí của cơ thể. Việc kiểm soát đường huyết, cân nặng, chỉ số khối cũng như không hút thuốc lá giúp duy trì chức năng phổi tốt hơn ở người bệnh đái tháo đường.


TS.BS. Cầm Bá Thức
Ý kiến của bạn