1. Bằng chứng về gia tăng rối loạn ăn uống trong đại dịch COVID-19
Nghiên cứu tại 6 bệnh viện trên khắp Canada đã cho thấy các trường hợp được chẩn đoán biếng ăn tăng gần gấp đôi trong gia đoạn đầu tiên của đại dịch COVID-19. Đồng thời, tỷ lệ nhập viện của những đối tượng này cao hơn gần gấp 3 lần so với những năm trước đại dịch.
Kết quả mới này đã củng cố thêm kết quả của 3 nghiên cứu nhỏ hơn được tiến hành ở Mỹ và Úc, tất cả đều cho thấy có sự gia tăng số ca nhập viện do rối loạn ăn uống trong đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Holly Agostino, Trưởng nhóm nghiên cứu, phụ trách Chương trình rối loạn ăn uống tại Bệnh viện Nhi Montreal (Canada), nghiên cứu mới này chủ yếu tập trung vào những trẻ có chẩn đoán mới về chứng biếng ăn.
Tiến sĩ Holly Agostino cho biết: "Những trẻ này có thể đã phải khổ sở với hình ảnh cơ thể của bản thân, có thể gặp lo âu hoặc các rối loạn tâm thần khác trước đại dịch, sau đó xuất hiện tình trạng biếng ăn trong giai đoạn đại dịch".
Theo nhóm nghiên cứu, trong tình hình mọi thứ bị gián đoạn, bao gồm bữa ăn, tập thể dục, thói quen ngủ và kết nối với bạn bè, đã khiến cho những trẻ dễ bị tổn chuyển sang xu hướng hạn chế ăn uống. Vì trầm cảm và lo âu thường đan xen với chứng rối loạn ăn uống, do vậy khi sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng có thể góp phần gây ra chứng biếng ăn ở trẻ.
Theo Hiệp hội Rối loạn ăn uống Quốc gia ( Mỹ) có trụ sở tại thành phố New York, thông thường có khoảng 0,4% phụ nữ trẻ và 0,1% nam thanh niên mắc chứng biếng ăn. Chứng biếng ăn được thể hiện qua việc hạn chế nghiêm trọng lượng calo và thực phẩm ăn vào, cũng như sự lo lắng thái quá về tăng cân.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét các ca chẩn đoán mới về chứng biếng ăn ở trẻ từ 9 đến 18 tuổi trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 (khi áp dụng các biện pháp giãn cách để phòng chống đại dịch) đến tháng 11/2020, sau đó so sánh với các số liệu của những năm trước đại dịch.
Kết quả cho thấy, trong thời kỳ đại dịch, các bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 41 trường hợp biếng ăn mới mỗi tháng, tăng khoảng 25 ca so với trước đại dịch. Đồng thời, cũng có nhiều trẻ bị rối loạn này phải nhập viện hơn, cụ thể 20 ca nhập viện mỗi tháng vào năm 2020, so với khoảng 8 ca vào những năm trước đó.
Trong một nghiên cứu khác vào đầu năm 2021, Tiến sĩ Natalie Prohaska thuộc Chương trình Rối loạn ăn uống tại Bệnh viện Nhi C.S Mott thuộc Đại học Michigan (Mỹ) và đồng nghiệp cũng cho biết có sự gia tăng đột biến số ca nhập viện vì rối loạn ăn uống trong 12 tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19. Tỷ lệ nhập viện do rối loạn ăn uống tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019.
Theo các nhà khoa học, những phát hiện mới này nhấn mạnh một thực tế rằng ở mọi quốc gia, trẻ em đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những tác động lớn của đại dịch COVID-19 đến thói quen bình thường của trẻ có thể góp phần làm gia tăng chứng rối loạn ăn uống.
2. Cách xử lý đối với rối loạn ăn uống
Các nhà khoa học cho biết, các nghiên cứu cho đến nay đã xem xét xu hướng rối loạn ăn uống vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tình trạng rối loạn ăn uống đang diễn biến ra sao khi mà trẻ bắt đầu đi học trở lại.
Theo các nhà khoa học, chứng rối loạn ăn uống hình thành sau một khoảng thời gian, do vậy các bậc cha mẹ nên lưu ý những dấu hiệu cảnh báo sớm ở trẻ, như trẻ trở nên "cứng nhắc" trong việc lựa chọn thực phẩm hoặc tập thể dục, hoặc trẻ quá bận tâm, lo lắng đến cân nặng của bản thân.
Cha mẹ có thể tâm sự với trẻ về những vấn đề này và nên động viên, trấn an để giúp trẻ bớt lo lắng, đồng thời xin ý kiến tư vấn của bác sĩ nhi khoa. Bên cạnh đó, các bác sĩ nhi khoa cũng nên theo dõi vấn đề rối loạn ăn uống và sàng lọc tình trạng rối loạn này khi gặp một đứa trẻ có dấu hiệu bị sụt cân nhanh chóng.