Mỗi năm có thêm 165.000 ca mắc mới, 115.000 ca tử vong, trong đó ung thư vú đang xếp vị trí thứ 4 với hơn 15.000 ca mắc mới (chiếm 9,2%) và có hơn 6.000 ca tử vong. So với thế giới, tuổi mắc ung thư vú tại Việt Nam đang có xu hướng mắc sớm hơn so với các nước phát triển, nhiều trường hợp 18 - 20 tuổi đã mắc bệnh.
Đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 - 2025” vừa được Tổng hội Y học Việt Nam và Roche Việt Nam ký kết tại Hà Nội.
Đây là một sự kiện hợp tác được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh ung thư vú. Bên lễ lễ ký kết, chúng tôi đã trao đổi với Ông Girish Mulye, Trưởng đại diện Roche Việt Nam về việc thực hiện Đề án.
Ông Girish Mulye, Trưởng đại diện Roche Việt Nam
PV: Được biết, trước khi có sự đồng hành với Tổng Hội Y học Việt Nam trong chiến lược phòng chống ung thư vú, Roche đã có nhiều hoạt động đồng hành khác. Vậy ông có thể thông tin cụ thể hơn?
Ông Girish Mulye: Roche đã có những cam kết trong hoạt động cải thiện và điều trị các loại ung thư khác nhau, trong đó các hoạt động liên quan đến ung thư vú đã được triển khai từ năm 2013 tại Việt Nam.
Là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu trên thế giới, nhưng khi đến Việt Nam, Roche có khá nhiều sự thích ứng và chúng tôi không chỉ tập trung vào phát triển về thuốc mà còn những hoạt động khác xoay quanh cả hệ thống y tế ở Việt Nam.
Từ 2013 với chương trình “We Care For Her”, chúng tôi đã hợp tác để tầm soát khám sàng lọc miễn phí cho hơn 40.000 phụ nữ, có hơn 4.000 trường hợp được chụp X-quang tuyến vú, phát hiện được hơn 160 trường hợp nghi ngờ ung thư và 30 trường hợp xác định ung thư. Các trường hợp này có thể sẽ không được chuẩn đoán nếu không có chương trình, hoặc nếu được chuẩn đoán cũng ở giai đoạn muộn.
Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức đào tạo khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú cho 600 Bác sĩ và 25 đơn vị liên quan. Với những mục tiêu của Đề án vừa ký kết, chúng tôi sẽ tiếp tục dựa trên thành quả này để xây dựng nhiều chương trình hành động hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân Việt Nam hơn nữa.
PV: Vậy ông hãy cho biết những điểm khác biệt của đề án lần này so với những trường trình khác theo cam kết của Roche đã và đang thực hiện tại Việt Nam?
Ông Girish Mulye: Với chương trình “We Care For Her” hợp tác với quỹ “Ngày mai tươi sáng”, chương trình lúc trước tập trung chủ yếu tăng nhận thức và tăng khả năng sàng lọc.
Nhưng với chương trình vừa ký kết cùng Tổng hội Y học Việt Nam, kéo dài 5 năm có những điểm mới là: Một là, hợp tác không chỉ với BHXH Việt Nam mà còn với các cơ quan Chính phủ, để có thể gia tăng khả năng nhận thức của người dân, gia tăng khả năng sàng lọc, tầm soát ung thư vú tốt hơn, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn.
Hai là, tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư vú đến năm 2025. Theo đó, Đề án sẽ thực hiện hợp tác với 5 bệnh viện gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tuy nhiên mỗi bệnh viện có nhu cầu về chuyên môn khác nhau, có bệnh viện mong muốn hỗ trợ đào tạo/ đào tạo chuyên sâu cho một số bác sĩ; có bệnh viện lại cần thiết bị để tăng khả năng tầm soát; có bệnh viện lại cần qui trình để bác sĩ hợp tác với nhau tốt hơn... Vì thế chúng tôi sẽ có sự bàn bạc cụ thể dựa trên nhu cầu của các bệnh viện để có sự hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Ba là, tập trung về dữ liệu. Hiện nay BHXH Việt Nam đã xây dựng một bộ dữ liệu rất tốt tại Việt Nam, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ phân tích những dữ liệu này, để từ đó dựa trên những thông tin đã phân tích sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định tốt hơn cho chẩn đoán và điều trị ung thư vú;
Cuối cùng là tăng tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú nguy cơ cao (HER2) được tiếp cận với liệu pháp điều trị kháng HER2 dương tính. Chúng tôi cho rằng cần tăng khả năng tiếp cận cho những bệnh nhân ung thư vú để giúp họ quay lại cuộc sống bình thường là điều rất quan trọng.
Trong các loại ung thư vú, HER2 dương tính được xem là một trong những nhóm bệnh có tiên lượng xấu. Nghiên cứu cho thấy, cứ 3 phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn sớm có HER2 dương tính sẽ có 1 phụ nữ tiến triển sang ung thư vú di căn, mặc dù đã được điều trị với liệu pháp điều trị tốt nhất hiện nay.
Tuy nhiên, theo dữ liệu Viện Ung thư quốc gia (2016 - 2018), chỉ có 8% bệnh nhân ung thư vú HER2 dương tính được điều trị sớm bằng các liệu pháp tiên tiến. Vì vậy, trong đề án này, các bệnh viện sẽ được nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, tiếp cận với các liệu pháp tiên tiến trong điều trị ung thư vú bằng mô hình đa mô thức.
Tổng hội Y học Việt Nam cùng Roche Việt Nam ký kết đề án
Sau 5 năm, đề án kỳ vọng tạo ra những thay đổi tích cực mang tính bền vững và ảnh hưởng sâu rộng, góp phần nâng cao khả năng ứng phó với ung thư của Việt Nam, tương đương các nước phát triển hơn trong khu vực.
PV: Bên cạnh chương trình này, Roche còn có những dự án nào khác để hỗ trợ bệnh nhân Việt Nam?
Ông Girish Mulye: Chương trình hợp tác thực hiện Đề án kéo dài 5 năm đến cuối năm 2025. Chương trình đã bắt đầu từ tháng 10/2020, đến nay đã có khoảng 5.000 người được tầm soát ung thư vú. Ngoài ra còn có hoạt động cải thiện, nâng cao nhận thức dành cho cộng đồng về bệnh này và hoạt động tầm soát vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hằng năm.
Đây chỉ là bắt đầu cho giai đoạn hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư vú trong chương trình này. Ngoài ra chúng tôi còn triển khai rất nhiều hỗ trợ khác trong ung thư nói chung. Ví dụ trong các chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung, kéo dài 5 năm, hiện giờ đã và đang bắt đầu ở một số tỉnh; hay với ung thư gan – bệnh ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam và đặc biệt tần suất viêm gan B, viêm gan C ở Việt Nam khá cao, trong khi đây là lĩnh vực ung thư mà Roche có chuyên môn rất cao nên chúng tôi có thể hỗ trợ cho các bệnh này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, trong khuôn khổ đề án này, lần đầu tiên sẽ thiết lập "bản đồ bệnh ung thư vú" tại Việt Nam.
"Hiện nay việc lập bản đồ đang được triển khai, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phối hợp về số liệu đã được mã hóa về cơ cấu bệnh tật, nhóm bệnh, từ đó có thông tin về diễn tiến của bệnh, tỉ lệ mắc trong dân cư, phân bố theo địa giới lãnh thổ, từ đó có định hướng để phòng chống bệnh ung thư vú và các ung thư khác"- PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên thông tin.
Đồng thời nhấn mạnh khi có các số liệu nghiên cứu thì chúng ta sẽ có những kiến nghị để có các giải pháp làm thế nào để giúp các bệnh nhân ung thư, nhất là ung thư vú tiếp cận được những liệu pháp điều trị tiên tiến, “đó mới là đích mà đề án hướng tới”- PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nói.