Trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, đặc biệt là các phẫu thuật thay thế khớp nhân tạo, việc phục hồi tối đa các đặc tính cơ học của khớp là mong muốn của các phẫu thuật viên vì nó giúp cho bệnh nhân cải thiện tốt nhất các triệu chứng cũng như khả năng vận động, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ khớp nhân tạo. Sử dụng robot trong phẫu thuật giúp đạt được độ chính xác rất cao.
Sự chính xác gần như tuyệt đối
Trong các phẫu thuật thay thế khớp thì phẫu thuật thay thế khớp gối đòi hỏi sự chính xác cao nhất. Mặc dù phẫu thuật thay khớp truyền thống với việc cân chỉnh, đánh giá dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của phẫu thuật viên đạt được những kết quả rất tốt với tỷ lệ thành công đến trên 90% nhưng các bác sĩ vẫn mong muốn có được tỷ lệ thành công cao hơn nữa. Trong quá trình phẫu thuật thay khớp gối, có 2 việc quan trọng và đóng vai trò quyết định đối với thành công của phẫu thuật là: sự thực hiện các lát cắt xương chính xác và cân bằng phần mềm, trong đó, sự chính xác của các lát cắt xương có thể nâng cao hơn nữa nhờ tính toán của máy tính và sự hỗ trợ của robot để tiến hành cắt tự động. Trước phẫu thuật, các thông số giải phẫu của khớp bệnh nhân được thu nhận từ phim chụp cắt lớp vi tính, nạp vào máy tính và tính toán để đưa ra các thông số phẫu thuật cho robot. Với việc hỗ trợ của robot, quá trình cắt xương được thực hiện tự động hoàn toàn nên khả năng chính xác của lát cắt rất cao với sai số dưới 1o và không quá 2mm. Nhờ đó, việc phục hồi chính xác các yếu tố cơ học: trục, góc xoay... được phục hồi gần như hoàn hảo.
Robot giúp hỗ trợ tăng tính chính xác trong phẫu thuật.
Sử dụng robot trong phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc sử dụng robot phẫu thuật được lập trình hoạt động bằng các phần mềm chuyên sâu về cơ thể người, về bệnh lý. Vì vậy, nó có thể tiến hành những ca mổ từ đơn giản đến phức tạp. Bác sĩ đôi khi vẫn gặp sai lầm trong thao tác - nhất là với những ca mổ khó nhưng robot thì không. Trong những ca vi phẫu hoặc bóc tách những khối u ác tính, robot thực hiện chính xác đến từng phần trăm milimet và đó cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều bệnh viện trên thế giới đưa robot phẫu thuật vào ứng dụng trong lâm sàng.
Ưu điểm lớn nhất ngoài sự chính xác, các ca phẫu thuật do robot thực hiện thường ít gây chảy máu và điều đó đồng nghĩa với việc không cần phải truyền máu, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, chưa kể mỗi ca mổ theo cách truyền thống phải cần từ 4 - 5 người thì với robot chỉ cần 1 người điều khiển.
Vì vậy, hiện nay, nhiều nước đã sử dụng robot trong phẫu thuật cắt tử cung, cắt túi mật, thay van tim, bóc tách các tổ chức ung thư, cắt dạ dày và các trường hợp tắc ruột, hoại tử. Không chỉ trong ứng dụng chữa bệnh mà còn cả trong phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực, lấy mỡ bụng, căng da mặt, thu nhỏ khung hàm... Theo BS. Kenwood - Bệnh viện Maryland , Mỹ: "Không còn nghi ngờ gì nữa, phẫu thuật bằng robot là một sự phát triển tuyệt vời và thú vị. Trong tương lai, nó sẽ còn chứng minh cho nhiều thành công khác về lĩnh vực y khoa".
Việt Nam đã sử dụng robot để định vị trong phẫu thuật cột sống và phẫu thuật nội soi. Mới đây nhất, thông qua chương trình hợp tác với Bệnh viện Trường ĐH Kanazawa, Nhật Bản, đầu tháng 8/2013, các phẫu thuật viên Bệnh viện ĐH Kanazawa đã đến đào tạo phẫu thuật tim mạch có sự hỗ trợ của robot cho phẫu thuật viên tim mạch. Như vậy có thể nói, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ đầu tư robot để hỗ trợ phẫu thuật tim mạch, chỉnh hình và cập nhật được kỹ thuật tiến bộ của thế giới.
Những thách thức và vai trò của con người
Sự hỗ trợ của robot đã giúp cho sự chính xác của phẫu thuật tăng lên rất nhiều và có vẻ như việc thực hiện phẫu thuật rất dễ dàng, vậy thì vai trò của con người còn quan trọng không hay chỉ cần phẫu thuật viên trình độ cơ bản với sự hỗ trợ của robot cũng có thể thực hiện được phẫu thuật?
Như đã nói ở trên, có 2 việc quan trọng trong kỹ thuật phẫu thuật thay khớp gối là cắt xương và cân bằng phần mềm. Nếu máy móc có thể thực hiện cắt xương chính xác hơn con người thì việc cân bằng phần mềm gần như máy móc không thể thực hiện được (tính đến hiện tại). Việc cân bằng phần mềm đòi hỏi phẫu thuật viên không chỉ có kinh nghiệm mà phải có kiến thức toàn diện về giải phẫu, chức năng, động học của khớp gối mới thực hiện tốt được.
Hơn nữa, việc thực hiện cắt xương chỉ chính xác nếu các thông số nhập vào cho máy tính chính xác. Những thông số này do chính phẫu thuật viên đo đạc, tính toán trên phim và nhập vào máy, trong trường hợp việc tính toán và nhập thông số có sai lệch có thể dẫn đến sự sai lệch rất lớn trong phẫu thuật. Lúc này, việc sửa chữa, điều chỉnh lại hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Một phẫu thuật viên ít kinh nghiệm có thể sẽ bỏ sót hoặc không nhận ra sai lệch này nếu nhỏ dẫn đến kết quả sau phẫu thuật không thực sự tốt nhất có thể.
Ngay cả ở các nước phát triển, vấn đề lớn nhất hiện nay trong việc sử dụng robot phẫu thuật là đào tạo người điều khiển robot. Ông Omer Karim - bác sĩ tại Bệnh viện Heatherwood và Wexham của Anh cho biết: "Nước Anh vẫn chưa có cơ chế chính thức về việc đào tạo và kiểm tra một bác sĩ có thành thạo về robot phẫu thuật hay không. Khá nhiều bác sĩ phẫu thuật tham gia mà chưa được đào tạo bài bản trong lúc theo yêu cầu, họ phải thực hiện ít nhất 20 ca mổ bằng robot với sự giám sát của các chuyên gia trước khi có thể hoạt động độc lập. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng giải quyết và hy vọng là trong một thời gian ngắn nữa, mọi việc sẽ được cải thiện".
Vì vậy, việc sử dụng robot trong phẫu thuật đòi hỏi trình độ tay nghề, kinh nghiệm của người thực hiện kỹ thuật sẽ giúp thực hiện một cách chính xác các thao tác cần thiết và làm cho quá trình phẫu thuật đơn giản hơn, giải phóng con người khỏi những thao tác cơ bản và lặp đi lặp lại để tăng hiệu suất và hiệu quả công việc. Điều này đòi hỏi phải có những phẫu thuật viên được đào tạo bài bản, có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện tốt phẫu thuật, vận hành điều khiển robot một cách hiệu quả nhất.
TS. Trần Trung Dũng (Từ Hàn Quốc)