Rò trực tràng: Nguyên nhân, biểu hiện, biến chứng và điều trị

29-06-2022 10:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rò trực tràng nói chung là một bệnh lý khá phức tạp, nếu được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh sẽ khỏi. Ngược lại, người bệnh sẽ xuất hiện những biến chứng nặng nề cũng như phải đối diện với những rối loạn về chức năng sinh lý.

Chính vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng. Bài viết sau đây giúp các độc giả hiểu hơn về căn bệnh này .

1.Rò trực tràng là gì?

Trực tràng là một bộ phận của ống tiêu hóa, là nơi kết nối giữa đại tràng và ống hậu môn, với cấu trúc khá đặc trưng, trực tràng có vai trò chứa chất thải một cách tạm thời trước khi tống xuất nó ra khỏi đường tiêu hóa.

Tương tự như vậy, bàng quang cũng là một bộ phận kết nối giữa niệu quản của 2 thận với niệu đạo, cũng với cấu tạo đặc thù mà nó có vai trò là nơi để nước tiểu đổ về trước khi được tống xuất ra khỏi đường niệu một cách có chủ đích.

Hai bộ phận này nằm liền kề ở nam giới và cách nhau qua âm đạo ở nữ giới, đây là một bộ phận của cơ quan sinh dục nữ giữ chức năng quan trọng trong hoạt động tình dục và sinh sản.

Như vậy rò trực tràng là tồn tại sự thông thương bất thường giữa trực tràng và các bộ phận bên cạnh như bàng quang, niệu đạo, hoặc âm đạo (đối với nữ). Tuy không phổ biến, nhưng sự thông thương này đã tạo nên tình trạng di chuyển sai lệch của các nội dung bên trong và đã gây nhiều hậu quả tại chỗ cũng như toàn thân.

Rò trực tràng: Nguyên nhân, biểu hiện, biến chứng và điều trị - Ảnh 1.

Nguyên nhân chính gây rò hậu môn là vỡ áp xe quanh hậu môn


2. Nguyên nhân rò trực tràng

Rò trực tràng có thể là bẩm sinh hay là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của một số một số tác nhân xảy ra trong quá trình sinh hoạt, lao động … các tác nhân đó bao gồm:

- Chấn thương trong sản phụ khoa: thường gây nên rò trực tràng – âm đạo, thường do đẻ khó hoặc qua can thiệp bằng các thủ thuật, hay là sau các phẫu thuật phụ khoa ngả bụng hoặc ngả âm đạo.

- Chấn thương trong ngoại khoa: Thường gặp là biến chứng sau phẫu thuật liên quan đến tầng sinh môn, trực tràng, hậu môn …

- Đối với rò bàng quang – niệu đạo: chủ yếu gặp ở nam giới, thường là do các chấn thương hoặc sau các can thiệp phẫu thuật, thủ thuật liên quan đến niệu đạo, ngoài ra còn có một số ít do sỏi kẹt niệu đạo.

- Biến chứng từ các bệnh viêm nhiễm có liên quan hệ thống đường ruột: loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc các bệnh viêm ruột khác.

- Ung thư hoặc sau xạ trị ung thư vùng tiểu khung.

- Người bệnh có các bệnh lý nhiễm trùng do lạm dụng tình dục, hoặc HIV.

3. Dấu hiệu nhận biết rò trực tràng

Rò trực tràng thường chẩn đoán không khó, triệu chứng của bệnh lý này phụ thuộc vào thể loại rò, vị trí, kích thước và mức độ rò. Người bệnh thường có các biểu hiện liên quan đến sự bài xuất bất thường ở các lỗ tự nhiên, điều này có thể nhận thấy bằng mắt thường:

- Trong tất cả thể loại rò đều gây nên triệu chứng kích thích, khó chịu hoặc là đau nhức vùng tầng sinh môn.

- Đối với trường hợp rò trực tràng – bàng quang hay niệu đạo: có khí và phân vào đường niệu và hòa trong nước tiểu, hoặc có nước tiểu chảy ra qua lỗ hậu môn, nước tiểu có mùi hôi, tanh bất thường. Ở thể nhẹ hơn, đường tiểu thường bị viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần.

- Còn đối với rò trực tràng – âm đạo: cảm giác khó chịu ở âm đạo, viêm âm đạo tái đi tái lại, dịch âm đạo có mủ, tanh hôi, nặng hơn là có khí và phân qua đường âm đạo.

Bên cạnh nhận biết các triệu chứng trên lâm sàng, các kết quả cận lâm sàng như chụp đường rò có cản quang, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, siêu âm nội soi, nội soi bàng quang … giúp xác định cụ thể vị trí, số lượng, tình trạng đường rò, mức độ rò, các bệnh lý toàn thân … điều này giúp cho bác sĩ đưa ra được phương án điều trị tối ưu, giảm thiểu các biến chứng do rò trực tràng gây nên, đảm bảo các chức năng sinh lý của các bộ phận liên quan đến đường rò.

4. Biến chứng có thể gặp khi rò trực tràng

Rò trực tràng nói chung là một bệnh lý khá phức tạp, nếu được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh sẽ khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống, sinh hoạt và làm việc một cách bình thường với các chức năng liên quan (tiểu tiện, đại tiện, sinh dục) đều được phục hồi. Ngược lại, người bệnh sẽ xuất hiện những biến chứng nặng nề cũng như phải đối diện với những rối loạn về chức năng sinh lý:

- Đại tiện không tự chủ.

- Nhiễm trùng âm đạo hoặc bàng quang, niệu đạo và tái phát lại nhiều lần.

- Viêm nhiễm ở tầng sinh môn và các vùng da quanh hậu môn.

- Lỗ rò có thể bị áp xe, viêm lan tỏa, nhiễm trùng huyết ... có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

- Lỗ rò ở trực tràng – âm đạo, trực tràng – bàng quang tái phát nhiều lần.

Vì vậy, việc chẩn đoán sớm có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho quá trình điều trị được thuận lợi, hiệu quả và thời gian điều trị được rút ngắn.

5. Điều trị rò trực tràng

Một số rò trực tràng – bàng quang hoặc niệu đạo có thể tự liền bằng cách đặt sonde bàng quang, điều trị kháng sinh, giảm nề…nhưng hầu hết cần phải điều trị bằng phẫu thuật.

Đối với trường hợp rò bàng quang – âm đạo thì đều phải can thiệp bằng phẫu thuật

Tuy nhiên trong phẫu thuật cần cân nhắc khi đường rò có dấu hiệu mủn nát, viêm nhiễm nặng, bệnh Crohn ....

Phẫu thuật rò trực tràng khá phức tạp, như nói ở trên, tùy theo vị trí, số lượng, mức độ và giai đoạn tiến triển của bệnh mà phẫu thuật có những phương pháp khác nhau, tuy nhiên dù áp dụng phương pháp nào thì cũng phải dựa trên các nguyên tắc: triệt tiêu đường rò, hạn chế tổn thương, bảo tồn chức năng và đề phòng tái phát

Các phương pháp tiếp cận đường rò bao gồm: tiếp cận qua ngả bụng, ngả hậu môn, ngả âm đạo. ngả tầng sinh môn (đối với niệu đạo), đối với ngả bụng thì có thể phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.

Các kỹ thuật xử trí đường rò bao gồm: cắt lọc đường rò, khâu phục hồi ở các vị trí rò trên các bộ phận liên quan (bàng quang, trực tràng, âm đạo, niệu đạo), ở mỗi vị trí đều có những kỹ thuật khâu riêng biệt để đảm bảo không hẹp, không xì dò, đảm bảo được chức năng.

5.Phòng ngừa rò trực tràng

Rò trực tràng: Nguyên nhân, biểu hiện, biến chứng và điều trị - Ảnh 4.

Vận động, thể dục thể thao thường xuyên, kiên trì và hợp lý là một cách phòng ngừa bệnh tật nói chung và bệnh rò trực tràng nói riêng

Để đề phòng căn bệnh rò trực tràng đa số dựa vào các nguyên nhân gây bệnh, đầu tiên chúng ta cần chủ động kiểm soát từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày, việc này sẽ giúp tình trạng rò trực tràng được cải thiện đáng kể.

- Vệ sinh: vệ sinh sinh dục, vệ sinh tình dục đúng theo hướng dẫn, bên cạnh đó chúng ta cũng cần thiết vệ sinh hậu môn, tầng sinh môn, lỗ tiểu ngoài sau mỗi lần đi đại tiện, tiểu tiện ... và điều quan trọng là luôn giữ các vùng kín đó luôn trong trạng thái khô ráo, tránh ẩm ướt

- Chống táo bón: vận động, thể dục thể thao thường xuyên, kiên trì và hợp lý, có chế độ ăn hợp lý, uống đủ nước .... điều này không những phòng chống táo bón mà còn nâng cao sức khỏe, phòng tránh được nhiều bệnh khác nữa

- Điều trị các bệnh kèm theo: viêm đường tiểu, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc các bệnh viêm ruột khác ...

- Không lạm dụng tình dục, đặc biệt là tránh các hành vi tình dục gây sang chấn tầng sinh môn, tổn thương trực tràng và âm đạo.

- Đi khám ở những cơ sở có uy tín khi xuất hiện các triệu chứng như tiểu buốt, rát, hay nước tiểu bất thường hoặc dịch tiết âm đạo bất thường ... hoặc có biểu hiện nặng tức khó chịu vùng tầng sinh môn.

- Đối với các nguyên nhân do sang chấn sau phẫu thuật: cách phòng ngừa này thuộc về các bác sỹ. Tuy nhiên, trách nhiệm của người bệnh để phòng tránh nguyên nhân này chỉ có thể là sự lựa chọn cơ sở điều trị có uy tín và sự hợp tác tích cực trong việc theo dõi và chăm sóc.

Tóm lại: Bệnh lý rò trực tràng bao gồm rò trực tràng – bàng quang, rò trực tràng – niệu đạo và rò trực tràng – âm đạo là các bệnh lý tuy không phổ biến nhưng sẽ để lại những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, và người bệnh phải đối diện với những di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, làm việc.

Vì thế chúng ta phải biết "lắng nghe" các biểu hiện của cơ thể mình, phát hiện các bất thường và đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời ... và lưu ý, các giấy tờ liên quan khi khám phải được cất giữ cẩn thận, nó rất quan trọng cho những lần khám sau.

Chấn đoán sớm bệnh lý rò trực tràng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những giúp cho điều trị được dễ dàng thuận lợi, hiệu quả cao, mà còn tránh được các di chứng về sau và bảo tồn được các chức năng sinh lý của các cơ quan lân cận.

Bởi vì công việc điều trị bệnh lý này khá phức tạp, có thể tốn nhiều thời gian, cho nên đòi hỏi thầy thuốc phải có chuyên môn vững vàng, phương tiện phải đầy đủ, thuốc men phải thích hợp. Còn đối với người bệnh thì cần phải có kiên nhẫn, hợp tác và quan trọng là phải có niềm tin vào đội ngũ y tế điều trị cho mình.

Mất tự chủ do rò hậu môn: Chữa thế nào?Mất tự chủ do rò hậu môn: Chữa thế nào?

SKĐS - Rò hậu môn là bệnh rất thường gặp ở vùng hậu môn. Bệnh rò hậu môn có thể kéo dài và dễ tái phát khiến bệnh nhận chịu phiền phức trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến năng suất lao động, học tập.


Mời xem video được quan tâm:

5323710530750222772


BS. Dương Chí Lực
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam
Ý kiến của bạn