Hà Nội

Rò rỉ khí gas - tử thần ém mình trong bếp

22-06-2014 11:09 | Thời sự
google news

Liên tiếp những vụ cháy nổ do rò rỉ gas xảy ra làm chết, bị thương nhiều người và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến những sự cố này được xác định là do bất cẩn khi sử dụng, sang chiết gas.

Liên tiếp những vụ cháy nổ do rò rỉ gas xảy ra làm chết, bị thương nhiều người và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến những sự cố này được xác định là do bất cẩn khi sử dụng, sang chiết gas.

Đùa với “tử thần”

Những nạn nhân trong vụ nổ gas do sang chiết trái phép đang cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy

Những nạn nhân trong vụ nổ gas do sang chiết trái phép đang cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy

Nhiều người dân cư ngụ tại khu nhà trọ thuộc khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời khắc cả dãy nhà trọ chìm trong biển lửa xảy ra vào giữa năm 2012 làm một người chết và 16 người khác bị bỏng đã phải đưa đi cấp cứu.

Sự việc bắt đầu xảy ra tại căn phòng trọ số 16 của dãy nhà trọ, khi anh Lê Minh Việt (31 tuổi) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hậu (29 tuổi, cùng quê Đồng Tháp, cả hai vợ chồng hành nghề bán cá viên chiên) tiến hành sang chiết gas từ bình loại 12kg sang các bình gas mini để mang đi bán hàng. Quá trình sang chiết thô sơ đã khiến một lượng khí gas bị rò rỉ bao phủ căn phòng và luồn qua các khe hở trên mái tôn và hành lang giữa, tràn qua các căn phòng trọ lân cận.

Thời điểm nhiều người phát hiện mùi khí gas nồng nặc cũng là lúc một tiếng nổ kinh hoàng vang lên kèm theo lửa bùng cuồn cuộn. Hai vợ chồng anh Việt bị sức ép của vụ nổ hất văng ra khỏi phòng trọ, nhiều người ở 7 phòng trọ khác cũng bị lửa cuồn cuộn ập đến làm cháy rụi đồ đạc gây bỏng nặng.

Tất cả các nạn nhân nhanh chóng được đưa đi sơ cấp cứu tại Bệnh viện Quân Đoàn 4 và Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, sau đó chuyển đến Khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) điều trị. Với tỉ lệ thương tích gần 90% cơ thể, chị Nguyễn Thị Tám (37 tuổi, quê Đồng Tháp) đã tử vong.

Sau sự cố, Sở CS PCCC cùng các đơn vị nghiệp vụ công an tỉnh Bình Dương đã có mặt tại hiện trường để thu thập chứng cứ và điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ. Kết quả cho thấy, vụ nổ trên là xuất phát từ việc sang chiết khí gas trái phép của anh Lê Minh Việt tại phòng trọ.

Hiện trường vụ nổ gas tại quận Tân Phú, TP.HCM

Hiện trường vụ nổ gas tại quận Tân Phú, TP.HCM

Một vụ nổ kinh hoàng khác liên quan đến việc sử dụng gas cũng xảy ra tại một căn phòng trọ rộng khoảng 9m2 nằm trong con hẻm 229 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM vào ngày 5/1/2013. Sự cố làm 5 người bị thương, trong đó một thanh niên bị bỏng khá nặng đã được chuyển thẳng đến bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Tại hiện trường, căn phòng bị đánh sập cửa, biển báo giao thông và nhiều nhà dân lân cận cũng bị hư hỏng. Bước đầu cơ quan công an xác định, do người thuê trọ trong quá trình đun nấu, bếp lửa bị gió thổi tắt nhưng không chú ý, gas từ đó rò rỉ ra ngoài tích tụ, khi gặp tia lửa đã phát nổ.

Bình gas nằm trong góc bếp của hiện trường vụ nổ

Bình gas nằm trong góc bếp của hiện trường vụ nổ

Thực tế rất nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đã xảy ra nhưng thực tế nhiều người dân vẫn khá chủ quan trong việc sử dụng gas. Dù thường xuyên sử dụng bếp gas nấu thức ăn nhưng mọi người trong gia đình chị Lê Thị H. (ngụ P. Thạnh Lộc, Q.12) có thói quen không khoá gas ngay sau khi sử dụng. “Mỗi lần nấu nướng phải thò tay vào sâu trong hộc bếp mở khoá van thấy cũng hơi bất tiện nên chỉ khi nào đi ngủ tôi mới khoá van an toàn lại. Tôi cứ nghĩ chỉ cần tắt bếp là gas không thoát ra ngoài nữa" - Chị H. giải thích.

Tương tự, gia đình anh Đặng Trung M. (ngụ P.15, Q. Tân Bình) thì đã sử dụng bếp và bình gas hơn 7 năm nhưng anh M. chưa một lần “tu bổ”, kể cả việc đơn giản nhất là thay dây dẫn gas anh M. cũng bỏ qua. “Từ đó đến giờ chưa xảy ra sự cố gì nên chưa thay vội. Với lại tôi cũng kiểm tra không thấy vết rò rỉ, trầy xước gì nên thôi” – Anh M. kể.

Làm sao để sử dụng gas an toàn

Theo Sở CS PCCC TP.HCM, các lý do dẫn đến việc rò rỉ gas xuất phát từ bếp gas và bình gas. Nhiều người tiêu dùng không biết cách sử dụng bếp gas an toàn như bật mở van ống dẫn gas không đúng cách, tự ý sửa chữa bếp gas, hay bếp quá cũ rỉ sét hay đóng bụi, dầu mỡ cũng làm khí gas rò rỉ ra ngoài. Hoặc do các bình gas không an toàn do sử dụng những bình gas quá hạn sử dụng, được chiết xuất lậu, sai quy cách dẫn đến rò rỉ khí gas.

Để tránh những hậu quả khôn lường từ cháy nổ do gas, người dân nên thận trọng khi sử dụng

Để tránh những hậu quả khôn lường từ cháy nổ do gas, người dân nên thận trọng khi sử dụng

“Khi ngửi thấy mùi gas trong nhà (phát hiện có rò gas), lập tức khóa van bình gas, tuyệt đối không động đến bất kỳ thiết bị nào có thể phát sinh tia lửa điện, không bật tắt công tắt đèn, quạt, đóng cắt mạch điện, kể cả điện thoại di động. Ngay sau đó, sử dụng các biện pháp thủ công để thông gió, từ từ làm loãng, tan khí gas. Mở tất cả các cửa thông gió ở phía trên cao, dùng bìa các-tông, quạt tay để quạt. Trong trường hợp quạt máy đang chạy thì để nguyên không được tắt. Đặc biệt, nghiêm cấm việc tự ý sang chiết gas trái phép. Thường xuyên kiểm tra hệ thống sử dụng gas để phát hiện và khắc phục kịp thời khi có sự cố” – Một lãnh đạo Sở CS PCCC khuyến cáo.

Bên cạnh đó, nhiều Công ty gas cũng đưa ra các chiến dịch “Tập huấn sử dụng gas an toàn” cho người dân và các bà nội trợ.  “Chúng tôi muốn giúp mỗi khách hàng trở thành những bà nội trợ đảm đang và hiểu biết thấu đáo về sử dụng gas an toàn” – Ông Lê Tân Phát, Tổng GĐ Công ty CP Gas Bình Minh chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều hãng gas khác trên thị trường cũng đưa ra những phương thức tương tự nhằm hướng dẫn khách hàng sử dụng gas an toàn nhất nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng nhái rồi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Theo đó, người tiêu dùng nên chọn mua loại bình gas của các công ty, đại lý uy tín. Tránh mua thiết bị sử dụng gas, bình gas ở những cửa hàng “không tên tuổi” bởi có thể đó là những sản phẩm sang chiết lậu. Bình gas mới phải được nạp đúng khối lượng ghi trên vỏ bình, không thừa hoặc thiếu quá 0,1 kg. Quan sát bằng mắt thường, bình phải còn nguyên vẹn, không trầy xước, không hoen rỉ hay móp méo.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp và bình gas trong gia đình là hết sức cần thiết

Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp và bình gas trong gia đình là hết sức cần thiết

Khi sử dụng nên đặt bình gas ở chỗ thông thoáng, khí gas nặng hơn không khí nên khi thoát ra ngoài sẽ tràn xuống dưới đất, vì thế bên dưới tủ bếp chỗ để bình gas nên để thoáng. Bình gas phải được đặt cách bếp từ 1 đến 1,5 m. Dù nhà hẹp cũng không được đặt bình gas ngay dưới bếp. Cửa tủ đặt bình gas phải luôn luôn được mở, hoặc tháo hẳn để dễ quan sát, tránh chuột vào làm tổ hoặc gặm ống dẫn.

Vệ sinh bếp và các thiết bị sử dụng gas thường xuyên. Nên thay bếp mới nếu bếp cũ bị rỉ sét, kém chất lượng. Đặc biệt ống dẫn gas là bộ phận “nhạy cảm” dễ bị rò rỉ, nên tốt nhất sau từ 3 đến 5 năm sử dụng, người dân nên tự giác thay mới. Định kỳ kiểm tra các thiết bị gas, có thể dùng nước xà phòng bôi vào vỏ bình, van, ống dẫn gas, nếu thấy có bong bóng nổi lên bất thường, có thể nơi ấy bị rò rỉ

 


Ý kiến của bạn