Rò mao mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

11-09-2024 13:51 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng rò mao mạch là một rối loạn hiếm gặp đặc trưng bởi các đợt hạ huyết áp nặng, giảm albumin máu và cô đặc máu. Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng rò mao mạch khác nhau ở mỗi người, có thể biểu hiện cấp tính hoặc mạn tính.

1. Rò mao mạch là gì?

Rối loạn hiếm gặp

  • Hội chứng rò mao mạch là một rối loạn hiếm gặp đặc trưng bởi các đợt hạ huyết áp nặng, giảm albumin máu và cô đặc máu.
  • Bệnh lý được Clarkson mô tả lần đầu tiên vào năm 1960 và thường được gọi là bệnh hay hội chứng Clarkson.
  • Khi bệnh hoạt động, nội mô mạch máu bị rối loạn nghiêm trọng, tăng tính thấm thành mạch chủ yếu là các mao mạch, dẫn đến rò rỉ huyết tương và protein vào khoảng kẽ gian bào.
  • Các đợt bệnh khác nhau về mức độ nghiêm trọng, nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy đa tạng và gây tử vong.
  • Tần suất có thể dao động từ vài năm một lần cho đến một lần xảy ra trong đời.
  • Bệnh thường khởi phát ở tuổi trung niên, trung bình là 45 tuổi và không có sự khác biệt về tần suất mắc bệnh giữa nam và nữ.
Rò mao mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Rò mao mạch là bệnh lý hiếm gặp.

2. Nguyên nhân mắc bệnh rò mao mạch

Rò mao mạch do đâu?

  • Nguyên nhân hội chứng rò mao mạch chưa được biết rõ nên thường được gọi là hội chứng rò rỉ mao mạch hệ thống vô căn.
  • Tuy nhiên, một vài giả thuyết cho rằng sự rối loạn này do phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm trùng hay cảm cúm. Các đợt khởi phát của bệnh có thể được kích hoạt bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc do gắng sức quá mức.
  • Gần đây phát hiện ra rằng, COVID-19 có thể gây ra chứng rối loạn này ở những người chưa từng bị bệnh cũng như gây ra các đợt tái phát ở những người trước đây đã từng bị bệnh.

3. Triệu chứng mắc bệnh rò mao mạch

Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng rò mao mạch hệ thống khác nhau ở mỗi người, có thể biểu hiện cấp tính hoặc mạn tính.

Biểu hiện lâm sàng của rò mao mạch

  • Giai đoạn báo trước (1-2 ngày): Triệu chứng không đặc hiệu như khó chịu, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, đau cơ, khát nước nhiều, tăng cân đột ngột. Ngoài ra có thể có hoặc không sốt, ớn lạnh, phát ban, dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Giai đoạn biểu hiện bệnh: Phù toàn thân, huyết áp thấp, các tình trạng ứ dịch ở phổi và màng phổi, giảm lượng nước tiểu, thay đổi tri giác, tiêu cơ vân và hội chứng chèn ép khoang ở các chi.
  • Giai đoạn phục hồi (ngày 5-7): Huyết áp trở lại bình thường, lượng nước tiểu bình thường, giảm phù nề, giảm cân.
  • Mức độ và số lượng các triệu chứng khác nhau ở mỗi người nhưng nếu không được điều trị, tình trạng bệnh có thể nặng lên và thể dẫn đến suy thận, suy hô hấp, suy tim thậm chí đột quỵ.

Triệu chứng của rò mao mạch mạn tính

  • Phù khu trú ở các chi.
  • Có thể tích tụ ít dịch màng ngoài tim và màng phổi.
  • Tăng nồng độ hemoglobin và hematocrit máu.
  • Giảm nồng độ albumin máu.
  • Tụt huyết áp hoặc sốc ít gặp.
  • Đáp ứng tốt với glucocorticoid, thuốc lợi tiểu và aminophylin.
Rò mao mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Theo các bác sĩ, dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng rò mao mạch hệ thống khác nhau ở mỗi người, có thể biểu hiện cấp tính hoặc mạn tính.

4. Bệnh rò mao mạch có lây nhiễm không?

Rò mao mạch là bệnh không lây nhiễm.

5. Cách điều trị bệnh rò mao mạch

Điều trị trong giai đoạn biểu hiện bệnh (giai đoạn hồi sức)

  • Hỗ trợ, ổn định hô hấp.
  • Bù dịch đường tĩnh mạch với thể tích lớn để ngăn giảm huyết áp, ngoài dịch tinh thể có thể sử dụng albumin truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch keo.
  • Bệnh nhân cần được theo dõi sát đề phòng tình trạng huyết áp thấp kéo dài, tránh tiến triển suy đa tạng.

Điều trị trong giai đoạn phục hồi

  • Dịch tinh thể đường truyền tĩnh mạch phối hợp với albumin và dịch keo có thể mang lại lợi ích tạm thời để tăng lưu lượng máu đến các cơ quan. Tuy nhiên, không cần sử dụng lượng dịch quá lớn để duy trì huyết áp cao, chỉ cần duy trì huyết áp ở mức tối thiểu để không làm tổn thương vĩnh viễn các cơ quan quan trọng.
  • Cần đo áp lực tĩnh mạch hoặc động mạch trung tâm tại đơn vị chăm sóc tích cực (ICU: Intensive Care Unit) để theo dõi và điều chỉnh tốc độ cũng như thể tích dịch truyền.
  • Nếu xuất hiện hội chứng chèn ép khoang (do bệnh hoặc do dịch truyền) cần phẫu thuật giải áp đồng thời phối hợp với sử dụng thuốc lợi tiểu.
  • Truyền dịch tĩnh mạch quá mức cũng có thể gây phù phổi cấp hay sung huyết ở nhiều cơ quan khác. Nhiều trường hợp tử vong xảy ra trong giai đoạn tái hấp thu này.
  • Glucocorticoids thường được sử dụng trong đợt cấp tính, đặc biệt là trong giai đoạn tái hấp thu để giảm rò mao mạch.

6. Cách phòng bệnh rò mao mạch

Điều trị dự phòng có thể giúp ngăn ngừa các đợt bệnh trong tương lai:

  • Truyền globulin miễn dịch đường tĩnh mạch (IVIG) hàng tháng.
  • Những người không cải thiện khi dùng IVIG hoặc không dung nạp liệu pháp này có thể hiệu quả với theophylline, terbutaline, thuốc kháng leukotriene.
16% ca tử vong vì bệnh tim mạch, cần có các đơn vị riêng về tim mạch16% ca tử vong vì bệnh tim mạch, cần có các đơn vị riêng về tim mạch

SKĐS - Trong 20 năm qua, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chiếm 16% tổng số ca tử vong do mọi nguyên nhân. Mức độ phức tạp của việc xử lý bệnh nhân tim mạch nặng cần được cấp cứu đòi hỏi sự phát triển các đơn vị riêng về tim mạch.



ThS.BS Phan Anh Khoa - BS Nguyễn Tá Đông
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn