Trong đêm giao hưởng, sau bản Thơ giao hưởng số 2 của nhạc sĩ Hoàng Vân mở đầu, người nghe hết sức ngạc nhiên khi được thưởng thức một tác phẩm đặc biệt của nhạc sĩ Doãn Nho mang tên Khúc tưởng niệm. Tác phẩm viết cho giọng ngâm (vocalse) nữ cao và dàn nhạc giao hưởng. Nghệ sĩ đảm nhiệm giọng ngâm này chính là Rơ Chăm Phiang. Với một giọng nữ cao trong sáng, đầy đặn, âm vực rộng, giọng ngâm của Rơ Chăm Phiang đã thu hút người nghe vào một thế giới bồng bềnh tâm linh âm vang những âm thanh xa vời của những người lính đã ngã xuống trong chiến tranh trong đó có những người lính ở mặt trận Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972. Đấy là lần đầu tiên tôi được nghe Rơ Chăm Phiang trình diễn đầy ám ảnh với một thể loại đặc biệt như kiểu “Bài hát không lời” mà các thiên tài âm nhạc thế giới thường ngẫu hứng. Giọng hát Rơ Chăm Phiang đưa tôi về với ký ức ở đại ngàn Tây Nguyên thời chiến tranh. Tôi nhớ có một lần đi khảo sát cùng một du kích người Gia Rai đã đứng tuổi tên là Sang. Ông nghe tôi hát vu vơ thì bèn kể rằng ông có một đứa con gái hát rất hay. Tuy còn ở tuổi thiếu niên nhưng đã được nhận vào Đoàn Văn công B3 (B3 là tên gọi chiến trường Tây Nguyên). Sau ngày thống nhất, một lần tình cờ tôi hỏi Trung Trung Đỉnh - nhà văn trưởng thành từ tỉnh đội Gia Rai - về cô bé hát hay này. Đỉnh bảo đó là Rơ Chăm Phiang, con gái ông Siu Sang. Cô bé đang học thanh nhạc ở Hà Nội. Tôi hỏi Quang Thọ thì “chàng ca sĩ xứ mỏ” khen em Phiang nức nở. Lúc ấy, Rơ Chăm Phiang là học trò cưng của cô giáo Hồ Mộ La. Nhờ chất giọng trời cho và sự giáo dưỡng đầy tình thương của cô La, Rơ Chăm Phiang đã nhanh chóng đoạt giải thưởng trong các kỳ thi hát quốc tế như Hoa cẩm chướng đỏ (Liên Xô cũ), Mùa Xuân (Triều Tiên)... Bởi thế nên cô mới có thể đảm nhiệm trình diễn Khúc tưởng niệm của Doãn Nho ám ảnh đến thế.
NSND Rơ Chăm Phiang.
Năm 1992, ám ảnh Khúc tưởng niệm khiến tôi nghĩ tới một phim chân dung về nhạc sĩ Doãn Nho nhân kỷ niệm 20 năm “mùa hè đỏ lửa” Quảng Trị (1972-1992). Âm nhạc của Khúc tưởng niệm sẽ được vang lên ở cuối phim. Kịch bản Quảng Trị 20 năm và một khúc tưởng niệm đã được hình thành. Sau khi phim hoàn thành, tôi đem giới thiệu với đồng đội lính Quảng Trị. Nhiều người nghe Khúc tưởng niệm với giọng ngâm da diết của Rơ Chăm Phiang đã không cầm được nước mắt. Có gì đó thật đồng cảm giữa tác giả và nghệ sĩ thể hiện.
Dù là nữ ca sĩ hát giai điệu không lời rất hay nhưng Rơ Chăm Phiang còn là ca sĩ người dân tộc Tây Nguyên như Hơ Ben, Kim Nhớ, Măng Thị Hội, Siu Blak... nên cô hát cũng rất hay những bài hát Tây Nguyên như Cô gái vót chông, Người sống mãi cùng Tây Nguyên… và độc đáo nhất là Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn cứ muốn Rơ Chăm Phiang hát Chim Poongkle của Nhật Lai như ngày xưa Kim Nhớ từng hát. Bay qua đại ngàn thời gian 22 năm ròng rã, con chim Poongkle Rơ Chăm Phiang đã được nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân ở tuổi lục tuần. Một chuyến bay không mỏi của tài năng đích thực.