Rơ Chăm Ly Va - Nữ bác sĩ của đại ngàn Tây Nguyên

28-12-2014 06:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tôi đã gặp Rơ Chăm Ly Va nhân dịp Bộ Y tế tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu những phụ nữ tiêu biểu của ngành y

Tôi đã gặp Rơ Chăm Ly Va nhân dịp Bộ Y tế tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu những phụ nữ tiêu biểu của ngành y, tuyên dương “Những nữ thầy thuốc vượt khó, tận tâm với nghề”, nhân Kỷ niệm 68 năm Ngày phụ nữ Việt Nam năm 2013, được tổ chức tại Trường đại học Y Hà Nội. Họ là những phụ nữ hết lòng vì công việc, thậm chí nhiều người còn phải hy sinh cả hạnh phúc riêng để đóng góp trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại buổi giao lưu này, không chỉ riêng tôi mà hầu hết những ai có mặt trong hội trường đều có một ấn tượng rất đặc biệt đối với một cô gái người dân tộc Jrai, trong trang phục dân tộc với đôi mắt to, tròn xoe, nụ cười hiền hòa và giọng nói chân thật, đặc trưng của người dân Tây Nguyên - đó là bác sĩ Rơ Chăm Ly Va, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Tul. Rơ Chăm Ly Va tốt nghiệp Học viện Quân y, chuyên ngành bác sĩ đa khoa theo chương trình cử tuyển của đồng bào thiểu số, sau khi tốt nghiệp, được phân công về công tác tại trạm y tế xã Ia Tul. Nơi đây, cơ sở vật chất sơ sài, thiếu thốn. Đây là trạm y tế thuộc vùng khó khăn của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Nhân lực thiếu, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế tạm bợ cùng với khí hậu khắc nghiệt, đa số người dân chưa ý thức thực hiện vệ sinh môi trường... nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Ở độ tuổi 30, bác sĩ Rơ Chăm Ly Va, Phó Trưởng trạm Y tế khu vực xã Ia Tul đã chiếm được tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nhờ lòng yêu nghề và sự tận tâm với công việc. Là bác sĩ thuộc tuyến cơ sở, tiếp xúc với dân nhiều nhất trong khi số lượng nhân viên y tế lại rất ít, nên công việc của bác sĩ Rơ Chăm Ly Va rất vất vả, nhưng “tôi vẫn bám nơi này vì mình là người đồng bào nên mình phải phục vụ đồng bào của mình; niềm vui của tôi là chữa khỏi bệnh cho người” - Ly Va cho biết.

Lãnh đạo Bộ Y tế tuyên dương 4 nữ thầy thuốc vượt khó, tận tâm với nghề (BS. Rơ Chăm Ly Va đứng thứ 2 từ phải sang).

Khó khăn là thế nhưng bác sĩ Rơ Chăm Ly Va luôn nỗ lực và động viên đồng nghiệp vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với cương vị là Phó Trưởng trạm Y tế, chị luôn chủ động trong mọi công tác: xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn, triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu cấp trên giao và phân công đôn đốc cán bộ ở trạm cùng thực hiện. Kết quả là hầu hết chỉ tiêu hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, các dịch bệnh đều được phát hiện sớm và khống chế kịp thời... Đặc biệt, nhận thức của người dân về việc chăm sóc sức khỏe đã thay đổi đáng kể, những hành vi không có lợi cho sức khỏe như cúng bái khi nhà có người đau ốm, không đưa con đi tiêm chủng vì sợ sốt... nay đã không còn. Những thành công ấy có sự góp sức rất lớn của Phó Trưởng trạm - BS. Rơ Chăm Ly Va.

Không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề phục vụ nhân dân

Khi được hỏi tại sao Rơ Chăm Ly Va không chọn một cơ sở y tế khác tốt hơn, hoặc một địa điểm gần nhà để công tác mà lại phải về Trạm Y tế Ia Tul cách xa nhà cả 100km vừa vất vả lại phải xa gia đình, xa chồng, xa con không chăm sóc được chu đáo? Rơ Chăm Ly Va chia sẻ: “Đã là bác sĩ ai cũng muốn chọn cho mình chỗ làm tốt để nâng cao tay nghề, có thu nhập cao và ổn định, riêng tôi chọn nơi này công tác vì đó là nơi đã cử tôi đi học theo chủ chương chính sách lớn của Đảng nhằm đào tạo bác sĩ phục vụ cho đồng bào mình. Tôi mang ơn nơi này, mang ơn Đảng nhiều lắm. Vả lại, theo tôi nghĩ, những gì chúng ta có được bằng sự khó khăn thì sẽ đáng trân trọng, đáng quý hơn rất nhiều những thứ chúng ta dễ dàng có được.

Chính vì vậy, khi mới về đây công tác với bộn bề khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Lúc tôi về nhận công tác trạm chỉ có 1 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 cán bộ dược, 1 xét nghiệm và 1 kính hiển vi, 2 điều dưỡng, phải khám và điều trị cả nội trú, ngoại trú cho người dân 4 xã bên kia sông Pa thuộc huyện IaPa (gồm Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi). Trước nhu cầu khám và điều trị, tôi dự trù thêm nhiều thuốc cấp cứu thiết yếu và những thuốc cho bảo hiểm y tế nằm trong danh mục mà Trạm y tế trung tâm xã Ia Tul được phép dùng. Tiếp đó, tôi xin cấp trên cấp cho máy khí dung, máy đo đường huyết tự động, cấp trên đã đồng ý. Nhu cầu khám chữa bệnh ở đây ngày càng cao và cần có máy siêu âm, máy đo điện tim nên năm 2012 khi sinh cháu được 5 tháng, tôi xin đi học siêu âm và điện tim trong 6 tháng, sau khi học xong, tôi trở lại công tác và tiếp nhận máy siêu âm xách tay và máy điện tim, mong ước lâu nay của tôi đã thành hiện thực. Do cơ sở hạ tầng ở Trạm Y tế Ia Tul chưa đạt các tiêu chí theo quy định nên trạm chưa đạt chuẩn quốc gia, hiện vẫn đang làm hồ sơ chờ xét duyệt. Tuy vậy, có thể nói hiện nay Trạm Y tế Ia Tul đã đáp ứng được phần nào nhu cầu khám chữa bệnh của đồng bào. Ở đây chủ yếu là người dân tộc Jrai, dân số của xã khoảng 3.000 người, một ngày trạm khám 30 - 40 lượt người. Hàng năm chỉ tiêu trên giao là khám trên 5.000 lượt người (trong đó nội trú là 500). Bệnh phổ biến ở vùng này là sốt rét, các bệnh liên quan tới đường hô hấp và đường tiêu hóa. Đồng bào ở đây đã tìm tới trạm để khám chữa bệnh nhiều hơn chứ không còn tìm đến thầy mo, thầy cúng như trước nữa. Đó là thành công bước đầu của trạm và cũng là niềm vui, động lực để tôi tiếp tục công việc của mình ở đây.

Là người của Đảng, của Nhà nước phải chấp hành sự phân công công tác của cấp trên. Dù có đi đến nơi nào cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không nhất thiết là phải có nơi làm việc tốt để nâng cao tay nghề” - Ly Va chia sẻ và muốn được học lên chuyên khoa để nâng cao tay nghề phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Hạnh phúc nhất là khi được chia sẻ

Chồng bác sĩ Rơ Chăm Ly Va cũng là người cùng ngành, anh là bác sĩ quân y Nguyễn Quang Trung, người dân tộc Kinh, quê Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, hiện đang công tác tại Phòng khám Bệnh viện Quân y 211 - Tây Nguyên. Anh chị có một cô con gái tên là Nguyễn Gia Hải Minh, sinh ngày 7/2/2012. Họ quen nhau ở năm thứ 3 đại học khi hai người cùng đi thực tập tại Viện Quân y 103. Ly Va cho biết: “Anh Trung là học viên hệ quân sự, ở anh có gì đó rất gần gũi và chất phác, chân thành, bọn em đã là bạn thân cùng trao đổi học hành rồi sau dần yêu nhau lúc nào không biết. Khi anh Trung ngỏ lời, em cũng chưa dám nhận vì sợ yêu rồi sẽ không đến được với nhau vì hai người ở xa quá về địa lý, phong tục tập quán vùng miền cũng khác nhau... lâu dần bằng tình cảm chân thành của anh Trung mà em đã đồng ý, một năm sau bọn em thông báo chính thức để hai bên gia đình đồng ý tổ chức đám cưới”.

Thường ngày đi từ nhà đến Trạm Y tế Ia Tul - nơi bác sĩ  Rơ Chăm Ly Va công tác xa hơn 100km nên chị thường bắt “xe đò” (xe khách ở miền Bắc) để đến chỗ làm và ở lại đó, hôm nào không phải trực thì về thăm gia đình, thông thường là 1 - 2 tuần, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Rơ Chăm Ly Va chia sẻ: “Tôi may mắn khi có người chồng biết cảm thông và chia sẻ cả trong công việc và cuộc sống gia đình. Tôi thường xuyên xa nhà nên chồng tôi vừa làm trách nhiệm của người cha vừa là người mẹ thay tôi chăm sóc con gái nhỏ. Hôm nào hai vợ chồng đều có lịch trực, phải nhờ mẹ tôi lên chăm cháu để cả hai yên tâm công tác”. Hy sinh tình cảm gia đình cho công việc là vậy, nhưng bác sĩ Ly Va vẫn kiên định xác định dù có phải ở trạm y tế này phục vụ thêm 5, 10 năm nữa cũng không sao...

BS. Rơ Chăm Ly Va khám cho trẻ tại Trạm Y tế xã Ia Tul.

Người đại biểu của nhân dân

Ngoài công việc hàng ngày, bác sĩ Rơ Chăm Ly Va còn là đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện IaPa, ứng cử tại xã Chư Mố, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ly Va chia sẻ: “Công việc nhiều nên thời gian dành cho gia đình rất ít, chỉ mong có được một ngày nghỉ trọn vẹn để đưa con gái đi chơi cũng khó lắm. Cháu nhà em được 12 tháng đã theo mẹ đi trực rồi nhưng em thấy không tốt cho sức khỏe của cháu nên 13 tháng, em đã gửi cháu lại với bố nó mà trở về nơi công tác. Những lúc nhìn con gái vẫy tay tạm biệt mẹ mà mắt đỏ hoe, em chẳng muốn đi tí nào, nhưng nghĩ về một ngày mai tốt đẹp hơn sẽ đến với gia đình bé nhỏ này và đồng bào nơi đó cần mình thì em lại kìm lòng bước tiếp”.

Với đức tính không ngại khó, ngại khổ và luôn tích cực trong công tác, qua tháng năm làm việc tại Trạm Y tế xã Ia Tul, chị đã lãnh đạo trạm đạt và vượt các chỉ tiêu chuyên môn về: phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, thực hiện Các chương trình Mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, bác sĩ Rơ Chăm Ly Va còn làm tốt công tác tư tưởng, phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ trong việc xây dựng đơn vị. Bên cạnh việc cứu chữa bệnh nhân còn kiêm luôn cả công tác tuyên truyền cho người dân theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu” với phương châm “ân cần, chu đáo, tận tâm với bệnh nhân”. Theo Ly Va, để vượt qua các hủ tục thầy mo, trạm y tế đã tổ chức nhiều buổi truyền thông đến tận thôn, bản, hộ gia đình, dần dần họ nghe theo và người bác sĩ không còn xa lạ với người dân nữa. Nhờ đó, ý thức tự giác thực hiện nội quy, quy chế của trạm luôn được đội ngũ cán bộ trạm đề cao, thực hiện tốt 12 điều y đức, 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân...

Theo Rơ Chăm Ly Va, cán bộ y tế là những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy vậy, trong số đó vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh” khiến nhân dân chưa hài lòng. Ðâu đó vẫn còn bóng dáng của các cán bộ y tế chưa thực hiện được lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Tuy nhiên, với sự tin tưởng và trách nhiệm được giao, những người thầy thuốc sẽ vượt qua chính mình, xứng đáng với niềm tin mà nhân dân gửi gắm cho người đại biểu của nhân dân.

Với những cống hiến hết mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhiều năm liền bác sĩ Rơ Chăm Ly Va được Trung tâm Y tế huyện, Sở Y tế ghi nhận. Vì lẽ đó, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2013, Bộ Y tế đã chọn 4 nữ bác sĩ tiêu biểu vượt khó của ngành y, tận tâm với nghề trong đó có bác sĩ Rơ Chăm Ly Va - Nữ bác sĩ của đại ngàn Tây Nguyên. Tháng 4/2014 mới đây, Ly Va được điều động về làm bác sĩ điều trị của Khoa khám và Hồi sức cấp cứu Bệnh viện huyện Chư Păh (Gia Lai) để được gần nhà và tiếp tục làm công việc mà mình đã đam mê, lựa chọn.        

Bài, ảnh: Trần lâm

 

 


Ý kiến của bạn