Lá khế rụng xuống sân lả tả. Bóng tối ập xuống thật nhanh. Nhà nhà đóng cửa, trốn rét và giữ cái ấm cho riêng mình. Thế nhưng rét chẳng phải là vấn đề gì lớn với thời buổi bây giờ: Điều hòa hai chiều, máy sưởi, tắm nóng lạnh... nên hiếm ai phải chịu rét chốn đô thị. Chén bữa cơm thật đủ chất, chui vào chiếc chăn lông cừu, lướt mạng... Nhớ rét ngày xưa! “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng đèo Khế gió sang/ Em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét nước làng em lo...”
Sinh viên hỗ trợ cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân trong dịp Tết.
Có lúc nào đó bố tôi đã đọc cho tôi câu thơ trên. Bố nói quê mình rét lắm, tuy không phải là Yên Thế. Hiệp Hòa, Bắc Giang mới là quê nội của tôi, quê của bố tôi. Lúc tôi đủ lớn để cảm nhận cuộc sống thì cũng là lúc tôi thấu cảm cái rét, thật không may đi cùng với nó thường là cái đói. Lúc bé, bố tôi hay đèo tôi về quê bằng chiếc xe đạp, buộc chiếc ghế mây để đèo trẻ con ngày xưa. Gần Tết cũng là lúc rét mướt hoành hành ở mảnh đất sơn cước đó. Thoát khỏi Hà Nội tạm xuôi chèo mát mái. Chẳng được lâu những cơn gió mùa Đông Bắc quật ngang, quật ngửa hai bố con suốt chặng từ Từ Sơn đến Đông Xuyên. Gió ào ào qua những bụi tre, xoay tròn những cây bèo trên mặt ruộng đã gặt. Rét lắm khiến chân tay tôi tê dại. Gió chẳng thương người cha gầy guộc của tôi đôi khi thổi ngược chiều. Không đèo được tôi nữa, ông đành dắt xe ngược gió suốt một chặng dài. Hàng quán ngày xưa cũng vắng vẻ thảm hại. Đói lắm nhưng quán xá đóng cửa để trốn rét cả, gặp được quán nước hay quán ăn như gặp được “thiên thần may mắn”. Tôi sung sướng cầm chén trà nóng trong tay để sưởi ấm, chiếc kẹo lạc, cái bánh rán làm lòng dạ tôi rên rỉ hả hê. Chặng từ Đông Xuyên hay Đình Trám về đến Hiệp Hòa có vẻ đông đúc hơn. Đường có đoạn trải nhựa, có ôtô khách và thỉnh thoảng có cả xe máy qua lại. Bố cứ chậm rãi đạp, mải miết mà mãi vẫn không tới nơi. Chiếc xe máy Babeta chạy lướt qua, tôi thầm ước bố mình có một cái, vừa nhanh vừa đỡ mệt. “Đừng sốt ruột con ạ, chỉ làm mình thêm mệt... Cứ đi rồi sẽ đến, làm việc gì cũng vậy”... Cho tới bây giờ, tôi vẫn áp dụng phương châm của ông không chỉ khi đi đường mà cả trên đường đời nữa. Rồi tôi cũng gặt hái được kha khá nhờ tính kiên trì, bền bỉ. Cha con tôi về đến xứ rét cũng vừa sập tối. Tôi giật mình khâm phục bà nội đang lội ruộng hái rau cần, quần xắn trên gối, bà không biết rét? Trong nhà, cửa sổ bằng phên tre, gió lùa thoải mái, sau bữa cơm nóng có thịt gà và giò mỡ nhưng tôi vẫn rét. Hiệp Hòa gần Yên Thế nên phải rét như vậy?
Lớn rồi, 4 anh em chúng tôi vẫn phải chịu rét vì thiếu quần áo rét, thiếu thịt và mỡ nữa. 4 đứa con sàn sàn, miệng ăn - núi lở. Quần áo đã chịu khó mặc chung nhưng làm sao mà đủ được. Không ai có đôi giày tử tế, có tất đi là may rồi. Áo len, áo bông xù đứa học sáng về phải trả cho đứa học chiều tiếp tục hành trình. Phải nhịn tắm vì đâu có sẵn nước nóng như bây giờ. Một mùa đông chắc mẹ chỉ tắm cho chúng tôi được vài lần. Nhớ nhất là lần được tắm tất niên bằng nước nóng đun ké nồi bánh chưng. Nước nóng rửa trôi bẩn thỉu, gội đầu bằng lá mùi, tắm bằng xà phòng của Liên Xô, 4 anh em chúng tôi hân hoan bước vào kỳ nghỉ Tết. Rét lắm nên có hôm bố mẹ phải cho chúng tôi ngủ chung. Chiếc chăn dạ thủng lỗ chỗ được trải làm đệm, chăn bông đắp chung, chúng tôi ngủ mê mệt quên cả dậy đi học...
Vào Đại học Y, chịu rét là cách rèn luyện lòng yêu nghề? Tôi cho là như vậy. Phòng trực sinh viên bao giờ cũng không cần khóa, trống trải mặc cho gió rét du hành. Có lẽ họ sợ sinh viên ngủ say sẽ lười không chịu dậy xử trí bệnh nhân nên giường trực luôn chỉ có một chăn dạ thủng, manh chiếu cáu bẩn. Muốn ngủ, thường chúng tôi phải mặc nguyên quần áo chống rét, đắp chăn bên ngoài. Rét luôn kèm với đói và buồn với những phiên trực bệnh viện. Anh nào muốn rít thuốc lá cho đỡ rét, đỡ buồn thì sáng hôm sau chẳng có gì cho vào bụng rỗng. Phải tính toán hút thuốc hay nhịn để còn ăn sáng luôn căng thẳng đối với cậu sinh viên nghèo như tôi. Cơm đi trực bệnh viện thịt chỉ được vài miếng, lạc rang và dưa chua lèn chặt vào cặp lồng cơm... Làm sao không đói và rét?!
Rồi cũng đến ngày có chiếc xe ôtô nên mưa rét chẳng hề hấn gì. Tắm nóng lạnh, có đèn sưởi để đi làm hàng ngày. Áo rét mặc chẳng hết, quên vài năm trong tủ. Khí hậu ngày càng nóng, trái đất ngày càng ấm thế nên có ngày gió mùa về, buốt như đêm nay thật nhớ và yêu cái rét ngày xưa. Ai có muốn quay về ngày ấy? Bơ lạc rang nhâm nhi khi đêm về, chiếc đèn bão được khơi to để vừa sáng, vừa sưởi ấm nhưng ta còn cha mẹ, còn anh em quây quần...